Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Nấu chay: Món ngon ragu rau củ chay

quans cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

Nguyên liệu

- 300g chả chay, cắt miếng vuông dày khoảng 2cm

- 200g khoai tây, lựa loại củ tròn, nhỏ gọt vỏ rửa nước muối cho sạch, để ráo.

- 2 củ cà rốt, gọt rửa sạch, tỉa hoa, cắt khoanh tròn dày khoảng 2cm

- 100g nấm rơm, lựa loại tròn, ngâm rửa sạch với nước muối, để ráo

- 10 trái bắp non, rửa sạch, để ráo

- 1 cây boa rô, cắt rửa sạch, băm nhỏ

- 1 trái dừa xiêm lớn, lấy nước để riêng

- 3 muỗng canh sốt cà chua

- 2 muỗng canh bột mì tây hòa với ½ chén nước lạnh

- 3 muỗng canh bơ

- 2 muỗng canh dầu mè

- Ngò rí,  cắt gốc, rửa sạch.

Gia vị :Muối, đường, tiêu

Thực hiện

1. Làm sốt cà chua:

- Cho 2 muỗng bơ vào chảo, đun nóng, cho boa rô vào phi cho thơm, tiếp đến cho xốt cà chua, 1 muỗng canh đường vào xào nhanh tay. Sau đó, cho bột mì pha loãng vào khuấy sanh sánh lại là được, nhắc ra khỏi bếp, cho vào tô, để riêng.

2. Nấu ragu:

- Bắt chảo lên bếp, cho 2 muỗng canh dầu mè vào phi boa rô cho thơm. Lần lượt chiên sơ khoai tây, cà rốt, bắp non, vớt ra để riêng.

- Đun sôi nước dừa xiêm, cho cà rốt vào nấu trước khoảng 5 phút. Khi cà rốt gần mềm, cho tiếp khoai tây, bắp non, nấm rơm, chả chay, sốt cà chua và gia vị vào, nấu với lửa nhỏ cho nguyên liệu thấm gia vị, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị chua chua ngọt ngọt là được.

- Phi thơm 1 muổng canh bơ với boa rô, cho vào nồi ragu để lấy hương thơm, nhắc xuống.

Trang trí

- Múc ragu ra tô, rắc tiêu, ngò rí, xếp bắp non lên trên trang trí hình hoa hướng dương cho đẹp.

- Món này dùng nóng với bánh mì nướng bơ.

(theo sucsongmoi.net)

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nấu chay: Chè đậu đen nước dừa thanh mát ngày hè

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quánVào những ngày nóng, ăn một cốc chè đỗ đen mềm mà không nát, hạt đậu ngọt nhưng không quá sắc, thêm vài viên đá và thạch đen, dừa sợi… giải khát và thanh nhiệt rất tốt.

Đỗ đen hay còn gọi là ô đậu, hắc đại đậu, hương xị có chứa sinh tố A, B, C, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng acid amin trong đậu đen cũng rất cao. Theo y học cổ truyền, đậu đen có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng giải độc, bổ thận, bổ huyết, nếu ăn trong thời gian dài sẽ có làn da hồng hào đẹp đẽ.

Vào những ngày hè nóng nực, đậu đen rất được các gia đình ưa dùng, thường để nấu chè, rang lên đun nước uống hay nấu cháo đỗ đen ăn cũng rất mát, nhẹ bụng, hoặc rang lên rồi xay mịn làm bột ngũ cốc uống vào các bữa sáng tối.

Cũng như các loại chè đỗ khác, bí quyết đầu tiên để có nồi chè đỗ đen thơm ngon hấp dẫn là phải chọn đỗ đen hạt đều, vỏ mỏng, có màu đen óng. Khi mua đỗ đen không nên lựa hạt to, màu vỏ nhợt nhạt hay rổ đỗ đen hạt không đều.

Đừng vội cho rằng nấu chè có gì mà khó, chỉ cần ninh đậu mềm, cho đường, đun kỹ đến khi tan là xong. Tuy nhiên, để hạt đậu không nát nhừ hay lòng đậu cũng có vị ngọt lại cần có bí kíp riêng.

Trước tiên, phải vuốt và rửa đậu khoảng hai lần, sau đó ngâm đậu, vớt bỏ những hạt nổi lên trên. Tiếp đến cho đậu vào nồi, để lửa to, rang đậu khoảng chừng 10 phút cho đến khi bề mặt ngoài hơi nhăn lại, lúc này bạn mới cho nước. Đây là bí quyết nước chè đen sánh, đỗ nhanh nhừ.

Nếu có nồi áp suất, hãy tận dụng để tiết kiệm thời gian, nếu không hãy đun trên bếp với lửa vừa phải. Khi hạt đậu mềm, chắt nước ra để riêng rồi trút đường vào đậu. Với 1kg đậu cần khoảng 600g đường hoa mai.

Ướp đậu với đường chừng nửa giờ rồi cho lên bếp sên với lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ để đậu ngấm kỹ đường và không cháy. Tiếp tục đun chừng 15 nữa, sau đó mới trút nước đậu vào. Có thể thêm nước và đường tùy thích.

Trời nóng, ăn một cốc chè đỗ đen mềm, bùi bùi, ngọt thoang thoảng cùng với ít thạch đen, nước cốt dừa hay dừa sợi sẽ xua tan hết mọi oi bức, ngột ngạt.

Mời bạn thưởng thức món này qua ảnh nhé:

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

quán cơm chay - ăn chay ái hữu hội quán

bài Giác Ngộ ảnh từ internet

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Bát Quan Trai: Ngày 31/03/2012

IMG_7868
Hoành thánh mì chay, món này ngon lắm, nước súp thật ngọt
IMG_7869
Mì xào chay
IMG_7873
Chân nấm xào chay
IMG_7874
Mắm Thái chay
IMG_7876
Rau câu
IMG_7880
Bánh bao trái đào nhân đậu đen, bánh này mua của người Hoa làm
IMG_7881
Chè đậu lima và đậu đỏ
IMG_7887
Xôi bắp
IMG_7884
Tô hoành thánh mì gồm có mì, hoành thánh, đậu hòa lạn, cải ngọt, mì căn, nấm đông cô, tàu hủ và ngò
IMG_7892
IMG_7891
IMG_7889
Hôm nay có một đám giỗ và đại chúng được đãi hoành thánh mì. Nước lèo của quý cô ở chùa nấu thật ngọt nước. Rau củ hầm khoảng 2 tiếng, xong nấu lại cho kẹo còn phân nửa nước. Bắp cải dẹp dùng để nấu thì ngọt nước hơn là bắp cải tròn. Diệu Sương học lóm được như vậy đó, vào chùa dự khóa tu ít khi được nói chuyện nên không hỏi rõ ràng công thức được.
Hôm nay được học tiếp kinh Kim Cang phẩm thứ 24 và 25. Phước đức cúng dường 7 bảy báu bằng những núi tu di cũng không sánh bằng phước đức trì kinh và vì người giảng nói 4 câu kệ trong kinh Kim Cang:
Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai
Hay:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế
Vì phước bố thí là phước hữu lậu còn rơi lọt trong vòng sanh tử luân hồi, còn phước trì kinh là phước vô lậu, được nhập vào giòng Thánh thoát sanh tử luân hồi.
Chúc quý đạo hữu luôn thấy rõ vạn pháp đều như huyễn.
Nam mô A Di Đà Phật.
Diệu Sương

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Phật Pháp: Chữ संघ saṃgha dùng trong nhà Như Lai

Buddha-Sangha

Vài dòng giới thiệu về chữ संघ saṃgha dùng trong nhà Như Lai, tham khảo cho vui.

Chữ संघ đọc theo phiên âm latinh hóa là sangh trong các tự điển Hindi và nó có những nghĩa chung được biết như sau: Hội, câu lạc bộ, trụ sở câu lạc bộ, trụ sở hội, sự liên kết, sự liên hiệp, sự liên minh, đồng minh, liên minh, liên bang hội liên đoàn, tập thể, đoàn thể, tập đoàn, tài sản chung, công đoàn, nghiệp đoàn, sự hợp nhất, sự kết hợp…

Chữ संघ là một chữ đa nghĩa và tùy theo những lãnh vực khác nhau mà người ta dùng nó để diễn đạt. Trong Phật học, chữ संघ saṃgha của Phạn ngữ hay saṅgha trong tiếng Pali được xem như là Tăng đoàn. Có lẽ, vì qua hình ảnh thuyết pháp của Đức Phật với 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, sau ngày thành đạo và hình ảnh của 5 anh em Kiều Trần Như trở thành 5 vị A La Hán đầu tiên mà được Đức Phật gọi là Tăng già.

Thời Đức Phật, Tăng già là tiếng dùng để chỉ cho những tu sĩ không phân biệt nam nữ hay những người cư sĩ vấn thân vào đời tu học, để giúp mọi người cùng nhau tu dưỡng, vui hưởng an lành, bằng lòng "Từ Bi" và Trí tuệ, như Đức Phật đã làm.

"Từ Bi" và "Trí Tuệ" là hai phẩm chất chính được thấy trong cuộc đời của những người đã từng tự trải nghiệm và hiểu biết một cách tận tường về bản chất thật của Khổ, và chính mình sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ cho người khác trong tinh thần cảm thông, mở rộng vòng tay giúp đỡ bằng tình thương vô bờ bến.

Đức Phật được sinh ra từ trong lòng từ bi và lòng từ bi đã thúc đẩy Ngài đi tìm chân lý để giúp đỡ con người tự vượt lên trên mọi chấp trước trong tâm thức để chấm dứt khổ đau, bằng sự phát triển mở rộng tình thương và vun bồi trí tuệ của chính mình.

"Từ Bi" và "Trí Tuệ" nằm trong tâm nguyện và sự nhắc nhở của Đức Phật qua những đoạn Kinh như sau: " Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. "

" Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở ta ra khỏi biển sanh lão bịnh tử; cũng là ngọn đèn chói sáng xua tan vô minh, là liều thuốc chữa bịnh tham sân si, là chiếc búa chặt đứt phiền não. Vậy các ngươi phải văn huệ, tư huệ, tu huệ và hành trì tinh tấn để tự tăng trưởng trí tuệ ".

Nếu "Từ Bi" và "Trí Tuệ" là những cái không thể tách rời hay không thiếu được trong đời sống tu hành, thì ba chữ: Phật, Pháp, Tăng trở thành cái nôi tinh thần mà trong đó chứa đựng tất cả những cái đẹp đơn giản, cái hay vô tận, không gần, không xa, không dừng lại ở thời gian, không có giai cấp phân biệt, không có sự riêng tư, để giúp cho con người tự thức tỉnh nhìn thấy những điều hay lẽ phải của Chân, Thiện, Mỹ, không chỉ bằng lời nói mà còn đưa ra thực hành, nhằm đem an lạc đến cho tự thân cũng như cho người.

Phật, Pháp, Tăng, tuy ba chữ khác nhau về cách viết hay cách đọc và chức vụ, nhưng ba chữ này đều có sự quan hệ bình đẳng mật thiết với nhau, không phân chia ra được. Không có Phật, không có Pháp, thì không có Tăng. Có Phật, có Pháp mà không có Tăng, thì Phật, Pháp sẽ không tồn tại. Mặc dù Tăng già ra đời sau Phật và Pháp, nhưng vai trò của Tăng già đã trở thành một nguồn năng lượng đa dạng, vô tận, rất cần thiết để đẩy và duy trì cho vòng quay không ngừng, từ hệ này sang hệ khác của cái bánh xe chuyển Pháp luân mà Thái tử Tất Đạt Đa đễ lại cho nhân loại sau ngày thành đạo của Ngài.

Tăng già là nền tảng cho người mới bước vào đạo. Nhờ vào Tăng già, mà từng lời, từng chữ, từng ý nghĩa diễn đạt của Ðức Phật đã đi vào lòng người bằng sự hiểu biết và cách ứng dụng để có một đời sống an lạc.

Tăng già là nơi ấp ủ lòng từ bi và phát huy trí tuệ cho những người đi theo bước chân của Đức Phật, nhằm giúp ích cho đời sống của con người, mỗi ngày xa dần bóng tối của đau khổ đang bao trùm.

Tăng già là chất keo kết nối người con Phật với Pháp trong dòng giác ngộ và cũng là nơi có ngọn đèn Chánh pháp thắp sáng không dừng để giúp cho con người hiểu được bản chất thật của các pháp một cách rõ ràng trong từng khoảnh khắc của cuộc sống nhân loại.

Tăng già là những bước chân thanh bạch mang những lời dạy và sự hướng dẫn toàn hảo qua việc thực hành thực tiễn của Đức Phật, đem vào đời sống tâm linh của những tầng lớp khác nhau trong xã hội, không ngoài mục đích thấy Khổ và con đường Diệt khổ cho tất cả chúng sanh như Ngài đã làm.

Nếu chữ Đạo được xem là cái ở bên ngoài của con người và chữ Phật là cái khai ngộ cho tất cả chúng sanh nằm ở bên trong của họ, thì Tăng già là hạt giống Bồ đề của Đức Phật để lại trong đời sống tu tập xây dựng đời sống đạo đức, biết yêu thương, biết phát triển các giá trị nhân phẩm cho những ai thích vun trồng và chăm sóc nó mỗi ngày ở bất cứ nơi nào mình thích, như Ngài đã làm.

Phật, Pháp, Tăng là hình ảnh của một cái cây có thân. Thân để đỡ cho cành. Cành đỡ cho lá. Lá che chở cho hoa. Hoa nở tốt tươi cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Phương pháp căn bản hỗ trợ để trồng và chăm sóc hạt giống Bồ đề của Đức Phật được như ý mỗi ngày, không gì khác hơn là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Năm lực, Thất giác chi, Bát chính đạo.

Ngoài ra những bạn nào thích tìm hiểu thêm các quy định về việc sống tập thể của những người xuất gia theo Đức Phật, thì nên xem chi tiết trong phần thứ hai của Tam tạng Kinh điển.

Kính bút

TS Huệ Dân