Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Từ ‘ôsin’ trở thành Sinh viên Quốc tế xuất sắc tại Úc

Ấn tượng về Đặng Thị Hương là một cô gái nhỏ nhắn với đôi mắt to, sáng cùng tác phong rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, đặc biệt chưa từng thấy ai lại mê học đến vậy.

Dang Thi Huong

Hương trong nhận giải thưởng Sinh viên Quốc tế xuất sắc của Thủ hiến bang Victoria. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Dang thi Huong 2

Hương chụp cùng các sinh viên quốc tế ứng cử cho giải thưởng của Victoria. 

Khó có thể tưởng tượng cô sinh viên trường Box Hill, vừa nhận giải thưởng kép ‘Sinh viên Quốc tế của Năm bang Victoria’ và ‘Giải thưởng của Thủ hiến dành cho Sinh viên Quốc tế của Năm’, từng phải nghỉ học năm lớp 7, đi làm giúp việc từ nhỏ và có thời gian dài phải tự mưu sinh trên đường phố.

Những năm tháng cơ cực

Quê ở Vĩnh Phúc, nhà có 3 anh em, sống với mẹ đơn thân. Năm lớp 7, gia đình quá khó khăn, là con gái lớn, Hương phải nghỉ học để giúp mẹ làm ruộng, nhường cho anh trai và em gái tiếp tục được đi học.

Rồi biến cố ập đến, mẹ Hương bị suy thận, cách duy nhất để giúp gia đình là Hương phải ra Hà Nội kiếm sống.

Công việc đầu tiên của cô bé 13 tuổi, cao 1m30, nặng 27 cân lúc đấy là chăm sóc một em bé mới 4 tháng tuổi và làm việc nhà với mức lương là 150 nghìn đồng một tháng.

“Đến bây giờ Hương vẫn phải cảm ơn cô chú đầu tiên đã cho làm giúp việc và đã tin tưởng giao con cho một đứa trẻ như thế để đi làm suốt ngày,” Hương nói.

5 năm ở Hà Nội, làm ‘ôsin’ từ nhà này sang nhà khác, rồi đủ các công việc chân tay từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm.

Dù vất vả, có một ước mơ không bao giờ tắt trong cô gái nhỏ bé này là được tiếp tục đi học. Những năm tháng mưu sinh càng khiến Hương hiểu chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống của mình.

Thế là, Hương thuyết phục gia đình chủ nhà cho sáng làm việc và đi học bổ túc vào buổi tối, tự mình trang trải tiền học phí. Cứ tưởng chăm chỉ làm việc, Hương sẽ được đi học. Nhưng chỉ hơn một năm chủ nhà không hài lòng khi thấy Hương dành thời gian cho việc học nhiều hơn và bất ngờ đuổi Hương khỏi nhà trong một chiều đông lạnh giá.

Không có việc làm, không có chỗ ở, và việc đi học của Hương bấy giờ là khá phi lý vì “tốt nghiệp đại học còn không xin được việc làm, nói gì đến học bổ túc lớp 8, lớp 9” nhưng Hương vẫn quyết tâm không về quê và làm hết sức để có thể tiếp tục học hết trung học.

Hương tìm được một cô chủ nhà tại khu xóm liều cho ở nhờ dưới gầm cầu thang, chỉ kê vừa đủ một chiếc giường gấp, gẫy chân, và đổi lại 3 giờ sáng mỗi ngày Hương đi chở rau về cho cô ra chợ bán.

Vay được bạn 50 nghìn cùng với anh trai mượn cho 150 nghìn làm vốn, Hương quyết định tự mở một gánh xôi bán ở lề đường tại một cổng trường tiểu học. 

“Tiền không đủ mua đồ nghề, cô chủ nhà cho Hương mượn một cái nồi rất bé và vì thế Hương phải dậy từ 2 giờ sáng để được nấu vài mẻ xôi đủ một thúng cho sáng bán,” Hương kể.

Sáng bán xôi, chiều bán bánh khoai, bánh chuối, cuối tuần học sinh nghỉ Hương đi lau nhà thuê, bán hàng rong trên phố. Ngày nào Hương cũng chỉ ngủ khoảng 2 tiếng.

Vừa đi học, vừa đi làm để trang trải cuộc sống và gửi tiền về quê giúp mẹ nhưng Hương vẫn quyết bám trụ Hà Nội, không dám kể cho mẹ nghe những nỗi nhọc nhằn của mình bởi không muốn mẹ lo lắng và có thể theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn.

Không họ hàng thân thích, không bạn bè thân thiết, không phải lúc nào cũng gặp được người tốt, từng bị lừa hết tiền trong khi đi tìm việc làm...  khiến Hương có cái nhìn khá bi quan về cuộc sống và khó lòng tin tưởng bất kỳ ai.

“Khi nhớ về những năm tháng ấy, tôi vẫn còn cảm thấy rất sợ hãi. Thời gian ấy đã hình thành trong tôi tính tự ti, bị người ta coi thường, mắng mỏ, những uất ức phải giữ hết trong lòng, không biết chia sẻ cùng ai, tất cả khiến tôi trưởng thành quá sớm.”

“Thế nhưng tôi vẫn cám ơn những người mà mình từng chung sống bởi nhờ họ mà tôi rút ra được nhiều bài học cuộc sống và càng quyết tâm đi học trở lại.”

KOTO - bước ngoặc cuộc đời

“Hương biết đến KOTO vào năm 2006. Lúc đó, Hương cũng không hiểu rõ KOTO là gì, chỉ biết là vào được KOTO thì mình sẽ có chỗ ở an toàn hơn để học hết lớp 12.”

18 tháng tại KOTO, Hương có cơ hội được học tiếng Anh, học ngành nghề khách sạn, vừa học vừa làm. Ngày ở KOTO, đêm vẫn đến trường bổ túc văn hóa, Hương bắt đầu mơ đến cánh cửa đại học.

“Thời gian đầu ở KOTO, Hương ít nói chuyện với mọi người vì bản thân cũng tự ti. Nhờ có anh Jimmy (Jimmy Phạm – người sáng lập ra tổ chức KOTO) động viên và hướng dẫn, Hương dần hòa nhập và bắt đầu nắm bắt những cơ hội tại KOTO. Nơi đây thật sự đã trở thành gia đình của Hương.”

Sau khi tốt nghiệp khóa học ở KOTO, Hương vừa đi làm toàn thời gian ở đây, vừa đi dạy thêm tiếng Anh bên ngoài, làm việc ở quán cà phê vào cuối tuần, dịch thuật... và tham gia khóa học tiếng Anh IELTS để tìm học bổng du học.

Nhờ sự hướng dẫn của Jimmy Phạm cũng như sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, cuối cùng Hương đã được 2 trường ở Úc cấp học bổng, trong đó có trường nghề Box Hill ở bang Victoria với khóa học 1 năm về Quản trị Kinh doanh.

Khó khăn nơi đất Úc

“Những ngày đầu đến Úc, Hương rất nhớ nhà. Hương cũng không nghĩ là mình nhớ nhà nhiều đến như vậy vì bản thân vốn đã sống xa nhà từ nhỏ. Rồi lại thường xuyên bị bệnh, nằm suốt ngày trong giường, không quen nhiều người, chỉ biết đi học và đi làm. Nói chung là cảm giác khá hụt hẫng”.

“Vào lớp học thì bị choáng bởi môi trường học hoàn toàn khác. Lớp học có 30 người thì chỉ có 4 là du học sinh, mà Hương lại khá lớn tuổi. Mặc dù tiếng Anh không tệ nhưng nhiều lúc không hiểu thầy cô nói gì, chưa kể các môn học về tài chính, kế toán trong khi bản thân không được đào tạo bài bản về ngành này khi còn ở Việt Nam, rồi các kỹ năng về máy tính để làm báo cáo... Hương bắt đầu cảm thấy hoảng loạn và không biết làm thế nào để có thể ‘đấu’ lại các bạn trong lớp.”

Hương chỉ bắt đầu lấy lại tinh thần khi cô giáo giao bài tập viết thư. Sau khi đọc xong lá thư của Hương, cô giáo nhận xét “chưa từng thấy một du học sinh nào viết thư tốt như thế”. Chính nhờ lời động viên này mà Hương ‘xốc’ lại được tinh thần và thấy mình không đến nỗi tệ.

Sau 6 tháng đầu vất vả hòa nhập, Hương dần tham gia nhiều hơn các hội thảo, các hoạt động sinh viên, đi chơi nhiều hơn, kết bạn và gặp gỡ nhiều người hơn.

Cơ hội và ước mơ thành hiện thực

Với thành tích học tập xuất sắc, Hương tiếp tục nhận học bổng thứ hai của trường Box Hill về thương mại.

Năm 2013, lần đầu tiên bang Victoria tổ chức trao giải thưởng cho sinh viên quốc tế có thành tích học tập tốt cũng như có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng. Và Hương may mắn là sinh viên Việt Nam đầu tiên đại diện cho khoảng 117 ngàn sinh viên quốc tế đang theo học tại bang Victoria, Úc nhận giải thưởng cho bậc cao đẳng và đại học. Hương cũng vượt qua hai sinh viên xuất sắc khác nhận được giải thưởng đặc biệt của Thủ hiến bang Victoria.

Nhận giải thưởng kép này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hương vì khoản tiền thưởng 20 nghìn đô Úc sẽ biến ước mơ theo học cử nhân của Hương thành hiện thực.

Hương dự định chuyển tiếp sang năm cuối Cử nhân Kinh doanh ở Đại học RMIT sau khi hoàn thành khóa học thương mại ở Box Hill vào cuối năm sau.

“Nghĩ về chặng đường đã qua, nhiều khi Hương có cảm giác như mình đã sống cả một cuộc đời. Hành trình mười mấy năm qua khá thú vị dù rằng vất vả vô cùng và Hương nghĩ mình sẽ có một câu chuyện thú vị để kể lại cho con.”

“Hương đã học hỏi được rất nhiều, luôn tự hào vì mình được sinh ra trong đói nghèo nên luôn quý giá những cơ hội có được và tận dụng nó hết mình.”

“Hương luôn biết ơn mẹ rất nhiều, dù mẹ rất cực khổ nhưng chưa bao giờ bỏ con. Những khi khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, Hương nghĩ về mẹ và mẹ là động lực lớn nhất.”

“Và cuối cùng, không có gì là không thể, nếu mình thật sự muốn làm và muốn thay đổi.”

Lili Tu & Anh Vu

http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2013-11-26/t%E1%BB%AB-%E2%80%98%C3%B4sin%E2%80%99-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-sinh-vi%C3%AAn-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-xu%E1%BA%A5t-s%E1%BA%AFc-t%E1%BA%A1i-%C3%BAc/1225530

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét