Lớp học chữ cho 130 trẻ em nghèo của ông giáo Sài Gòn
Hơn 5 năm qua, ông Đoàn Minh Hùng mở lớp học tình thương dạy chữ cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ dù rằng gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hàng ngày cứ 16h30, các em học sinh nghèo lại tập trung tại căn nhà 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM) của ông Đoàn Minh Hùng để ăn cơm chay miễn phí và tham gia lớp học tình thương.
Lớp học thành lập từ hơn 5 năm trước, lúc đầu chỉ có 2 học sinh là những đứa trẻ bán vé số. Giờ thì sĩ số của lớp đã lên tới 130 em, đa số có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Ông Hùng tâm sự: "Tôi vốn xuất thân là nông dân lại có một tuổi thơ rất gian khó, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm hàng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, nhặt ve chai, tôi thấu hiểu phần nào. Dù không được học qua trường lớp chính quy nhưng tôi vẫn quyết định mở lớp học này với ước mong sao chúng nó có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi".
Mỗi tháng, gia đình ông Hùng chi tiêu khoảng 25 triệu để lo việc ăn uống, mua sách vở, bút viết cho các em học tập. Ngoài ra, một số nhà hảo tâm cũng ủng hộ gạo, sữa bánh kẹo cho các em.
Đến với lớp học tình thương của ông Hùng, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người. Nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ.
"Thấy các em từ không biết chữ đến biết chữ trở thành những con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ bến đối với tôi", ông Hùng tâm sự.
Lớp học tình thương của ông thường dạy các môn học như Ngữ văn, Toán, cuối tuần thứ 7 thì học Anh văn. Có 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học.
Không chỉ dạy cho trẻ em mồ côi, bán vé số, ông Hùng còn nhận dạy thêm cho các học sinh nghèo, gia đình không có tiền để cho các em đi học.
Để duy trì lớp học, ông mở tiệm cơm chay để bán. Giá 8.000 đồng/suất nhưng với người già neo đơn và những người quá nghèo, ông miễn phí cho họ.
Cu Lớn (23 tuổi) bị thiểu năng, đang ngồi trên ghế lớp 1. Anh chia sẻ: "Từ ngày được đi học, được các thầy cô dậy biết đọc, biết viết anh cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn".
Thời khóa biểu được chia từ thứ 2 đến thứ 7, bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 19h45. Mỗi buổi là một môn học khác nhau. Ông chỉ dạy được cho mấy đứa tập đọc tập viết, còn Anh văn hay Toán lớp lớn phải nhờ sự giúp đỡ của những sinh viên tình nguyện.
Đặng Thị Trang là sinh viên năm cuối trường Đại học Sài Gòn, "Ngoài thời gian học ở trường, mỗi đêm rảnh rỗi em lại đến lớp học tình thương của chú Hùng để dạy chữ cho các em", Trang chia sẻ.
Lớp học ngày càng đông, có nhiều đứa trẻ lang thang ham chữ, đi bộ hàng mấy cây số tới xin học. Ông Hùng thấy tội nghiệp nhận nuôi, đến nay đã có 8 đứa trẻ cơ nhỡ ở nhà ông.
Chia sẻ việc dạy cho trẻ em với chồng và cha, vợ,con ông Hùng cũng thường xuyên đứng lớp để dạy dỗ cho các em.
Nhiều lúc quá khó khăn vợ chồng ông như muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến việc lũ trẻ thất học, nghĩ đến cảnh chúng nó háo hức đến lớp, vợ chồng ông lại động viên nhau cùng vượt qua khó khăn để ước mơ con chữ của những trẻ em nghèo không kết thúc dang dở.
.
__,_._,___
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét