Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Nhìn lại thói quen chống cự

Phat hoc.jpgBản năng tự vệ?

Đã nhiều lần ta tự hỏi tại sao mình lại không thích người ấy, nhưng khó quá, không thích thì không thích chứ không lý giải rõ ra được. Dường như nó thuộc về cảm xúc tự nhiên, nên không thể dùng những chuẩn mực của lý trí để thẩm định hay ép uổng. Mà, hễ không thích rồi thì làm sao coi như không có gì xảy ra được, trời ơi, ngột ngạt gần chết. Phải đẩy ra, đẩy không được thì phải tự kiếm lối mà đi, mà tránh, phải tránh, tránh cái nhìn ngọt ngào đến rát bỏng ấy thì ta mới thở nổi. Mà nếu, đã cố tránh rồi vẫn tránh không được, đã cố loại rồi vẫn loại không được, thì ta đành phải “xù lên”, tạo ra biên giới bất khả xâm phạm để “tự vệ”, dù chỉ trong tâm tưởng. Nói chung, ta phải làm cái gì đó để không bị mất mát, hoặc có cảm tưởng không bị mất mát, dù chỉ ngồi gần nhau.

Đâu phải riêng chuyện tình cảm ta mới có thái độ như vậy. Ngay cả những món đồ trưng bày trong nhà, khi hết thích rồi thì tự dưng ta thấy nó chiếm chỗ một cách vô ích, phải lập tức tìm ai đó cho quách đi hay quẳng vào thùng rác cho rảnh mắt. Viết sai vài chữ là ta phải xé bỏ cả trang giấy đó, vì cuốn tập có vết xóa thì nhìn không đẹp. Hí hửng rinh chiếc áo hàng hiệu về, mới giặt bằng máy qua có một lần mà nó đã co rúm lại xấu xí không thể tưởng, nản, ta liền nhét nó vào góc nào đó cho khuất mắt, đỡ tiếc, đỡ bực. Mấy tấm hình chụp hồi còn đi học đem giấu hết, đốt hết, không muốn cho ai thấy bộ dạng bơ sữa tương phản với vóc dáng người mẫu của ta bây giờ. Lạ thật, cái gì ta hết thích rồi thì không thể xem nó như bình thường và để yên đó được, phải loại trừ tức tốc.

Chuyện “không thích” thì vô số, ngồi đây kể ra thì không biết để đâu cho hết. Dường như lúc nào cũng có, ở đâu cũng có, không phải từ trong ta đi ra thì cũng từ người khác đem tới. Chẳng hạn, mỗi lần ngồi vào bàn ăn mà thấy tô canh khổ qua là muốn nổi quạu, thiếu gì món bổ dưỡng mà sao cứ đem cái thứ đắng nghét đó “tra tấn” mình hoài không biết. Bực mình nhất là trong khi ăn mà cứ bị tra hạch hay bắt bẻ, chẳng trách sao mình thích ăn cơm tiệm, vừa ngon vừa thoải mái, dù có hơi tốn tiền. Có nhiều chuyện nói ra thì người ta cho là mình nhỏ mọn, chẳng hiểu sao họ cứ thích xài đồ của mình, trong khi họ cũng làm ra nhiều tiền và còn tiêu xài rất sang. Mỗi lần thấy cái mặt lầm lì của hắn là mình cụt hứng và mất vui liền hà, tuổi mình với hắn kỵ hay sao ấy. Người ta nói gia đình là điểm tựa, điều này không đúng với mình. Về nhà bao giờ cũng thấy nặng nề, chán.

Thực ra, bạn bè ở ngoài vui chơi với nhau chút thôi, chứ thân thiết hay gắn bó không phải là chuyện dễ; còn nhờ vả thì đừng có hy vọng, ai cũng thủ ghê lắm. Ghét nhất là mấy cái trò đạo đức giả, lúc nào họ cũng ra vẻ nhún nhường, vậy mà mới nói chạm tự ái có chút xíu là lật lọng ngay lập tức. Mà, người nào đã làm ta mất niềm tin rồi thì đừng hòng làm bạn với ta nữa, làm việc chung cũng không chấp nhận luôn. Không phải là ta khó tính, chẳng qua là ta không muốn bị tổn thương oan uổng thêm một lần nữa thôi. Bỏ qua thì được, nhưng biểu quên thì không. Dù ta thấy người đó đã thực sự ăn năn và thay đổi, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ vẫn còn nhói lắm, chưa nguôi được.

Còn người dưng với người dưng thì khỏi nói, ăn thua nhau chan chát. Khi chiếc xe cùng hàng bất ngờ vượt qua mặt mà không báo trước, thế nào ta cũng quăng theo vài câu chửi rủa cho bõ ghét, tức khí nữa thì đuổi theo… dằn mặt. Đợi muốn rã ruột mới chịu đem món khoái khẩu ra, vậy mà tên tiếp viên đầu óc để đâu lại nghe nhầm món khác, có nổi đóa được không chứ, và ta không bỏ lỡ cơ hội giở cái giọng uy quyền của “thượng đế” ra… răn nhắc. Chán nhất là những buổi họp định kỳ, mỗi lần nghe cái giọng oang oang dạy đời của lão là nóng ran cả người, mấy lần định viết thư trình lên ban lãnh đạo nhưng sợ lão thù, nên thôi, nhét bông gòn vào lỗ tai cho xong chuyện. Gã ấy dám đem chuyện đời tư của mình lên mặt báo, lại còn đơm đặt nữa, tưởng mình không dám phanh phui chuyện đen tối của gã à, mà không, phải kiện, kiện cho gã biết thế nào là lễ độ…

Mấy chuyện chẳng đáng vào đâu như vậy đó cũng dễ khiến ta nhức bưng cái đầu, mất ăn mất ngủ, huống hồ những chuyện lớn có liên quan tới sự thịnh suy của xã hội. Mà nói thật ra, chuyện “không phải của mình” thì dù lớn tới đâu, dù khiến ta điên tiết lên, máu anh hùng sôi sùng sục, nhưng rồi ta cũng mau chóng quên đi (chớ nhớ làm chi?). Thí dụ như cái chuyện phim ảnh. Chẳng hiểu tại sao bây giờ người ta cứ thích biến trẻ con thành những nhân vật ma quái, mất hết nhân tính, giết người không gớm tay. Các nhà đạo diễn, các nhà sản xuất, các nhà kiểm duyệt có hám lợi gì thì cũng phải chừa trẻ con ra, chừa cái tâm hồn trong sáng còn sót lại trên đời này ra. Cũng tại nhà đài, muốn thu hút quảng cáo mà bất chấp nhồi vào đầu hàng triệu khán giả mấy thứ độc địa đó. Giải trí cái nỗi gì. Đồ nhảm. Không xem nữa. Nhưng ngặt nỗi, có cái gì khác hấp dẫn để xem bây giờ?!

Không thích là bày tỏ ngay thái độ không thích, phản kháng, chống cự quyết liệt, đó có phải là bản năng tự nhiên không? Có phải ai cũng sẽ làm như vậy không? Có phải lúc nào ta cũng hài lòng với lối phản ứng của mình không, có bao giờ bị nhầm không? Có thực sự vui sướng khi thấy kẻ khác đau đớn vì “trúng chưởng” của mình không?

Chống cự lại những gì nguy hại đến tính mạng thì đúng là bản năng tự vệ của mỗi sinh vật, rất quan trọng và cần thiết. Nhưng con người vì có quá nhiều thứ để bảo vệ, từ thể xác đến tâm hồn, từ danh dự đến vật chất, từ nhu cầu thiết yếu đến dư thừa, nên phản ứng chống cự được “mài giũa” tinh xảo và nhiều khôn xiết. Có lẽ vì thế mà đời sống con người chỉ là chuỗi liên kết chập chùng của những phản ứng: khó chịu, bực tức, giận hờn, than phiền, buộc tội, chửi rủa, đe dọa, tấn công… Con người còn tin rằng, sau khi chết sẽ biến thành bóng ma có đầy quyền lực, tha hồ trút hết oán giận lên đầu kẻ thù (?).

Vậy khoảng hở giữa hai phản ứng chống cự là gì, dài bao lâu, và ta có sống được trong khoảng hở đó không, hay lại tìm những thú vui giải trí hoặc thú đam mê nào đó lắp vào cho đỡ chới với? Bởi chắc chắn là ta không thể nào thưởng thức được cuộc sống khi đang chìm trong những cơn muộn phiền, hay trôi giạt theo những dòng cảm xúc mê man. Vậy ta sống để làm gì, sống như thế nào mới đích thực là sống? Câu hỏi này có cần được trả lời xác đáng bằng sự nỗ lực khám phá của chính ta ngay từ bây giờ, hay là ta vẫn còn nhiều điều quan trọng khác cần phải quan tâm và giải quyết?

Tại sao lại “thích”chống cự?

Nếu như sau mỗi lần phản ứng chống cự, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, mà ta thấy lòng bình yên và hạnh phúc hơn, một thứ cảm giác tuyệt vời và tồn tại mãi, thì rất đáng để ta bỏ năng lượng ra tranh đấu, theo kiểu mạnh được yếu thua của muôn loài. Nhưng vì ta là con người, muốn vươn tới những giá trị cao đẹp và vững bền hơn, cho nên, ta cần phải xét lại lối hành xử quá bản năng, luôn tạo ra sự mệt mỏi và đổ vỡ, mà do vô tình hay cố ý ta đã để nó thành một thói quen, kiểu sống, hay tính nết của mình.

Cuộc đời là tập hợp của những điều như ý và bất như ý, thế nhưng, ta lại chỉ chấp nhận những điều như ý và sẵn sàng loại trừ những điều bất như ý. Nếu ta là kẻ có nhiều tài năng, sớm thành công, nắm quyền lực, được nhiều người nể phục, thì cái tôi “muốn gì được nấy” càng phình đại. Trong khi, mọi sự mọi vật trên đời này vận hành theo nguyên tắc tự nhiên của nó, không thuận theo ý của bất cứ ai cả. Nên có những điều như ý ta nhưng lại bất như ý kẻ khác, và có những điều như ý kẻ khác nhưng bất như ý ta.

Mà, nhận thức và cảm xúc của ta cũng thất thường: có những thứ ta đã từng yêu thích nhưng bây giờ lại chán ngán, hoặc có những thứ trước kia ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại mê say. Lẽ ra, luyện tập để chấp nhận những điều bất như ý ngoài tầm kiểm soát càng nhiều càng tốt, thì ta lại tránh né hoặc chống cự quyết liệt. Thái độ thiếu hiểu biết mới là nguyên nhân của khổ đau, chứ không phải cuộc đời này vốn khổ đau.

Ta thấy, những người đã nếm trải qua đủ loại thăng trầm, vinh nhục, thường có khả năng chấp nhận những tình huống bất trắc cao hơn những kẻ mới bước vào đời. Thậm chí, họ còn thấy rằng hoàn cảnh trái nghịch chính là chất liệu quan trọng để trui rèn thêm ý chí và nghị lực, giúp họ có đủ khả năng nắm bắt những mục tiêu cao cả hơn, nên thay vì chống cự thì họ lại tìm cách đón nhận, vui vẻ mà không than oán.

Chấp nhận cảm giác khó chịu tạm thời để đổi lấy cảm giác dễ chịu sâu sắc, kẻ thiếu trải nghiệm thì không thể ngộ ra và làm được. Hầu hết người trẻ thường dễ sa lầy trong khổ đau, vì họ không ngừng tìm kiếm những cảm giác sung sướng cạn cợt và nhảy dựng lên mỗi khi gặp phải điều trái nghịch. Lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi có khi chỉ vì thiếu kinh nghiệm đối ứng, chứ không phải lúc nào cũng là phản ứng tự vệ cần thiết.

Khi phát hiện ra hầm hố chông gai trên đường đi, tất nhiên, ta phải né sang một bên. Không ai khuyên ta phải cắn răng chịu đựng hết mọi điều trái nghịch trên đời, tránh được thì cứ tránh. Nhưng chắc chắn là ta không thể nào tránh hết tất cả, bởi luôn có những chông gai vô hình hay bất ngờ do kẻ khác quăng tới mà ta không thể nào nhìn thấy và kịp thời né tránh. Vậy, thay vì cố gắng tránh né hay dẹp bỏ hết chông gai của cuộc đời, cách hay nhất là ta hãy sắm cho mình một đôi giày thật tốt để đi trên mọi chông gai.

Đôi giày ấy là tính kiên nhẫn, sức chịu đựng, đức nhu hòa và lòng can đảm. Ai cũng có thể sắm cho mình đôi giày ấy, không khó. Nhưng nếu thiếu nhìn lại thực trạng bản thân để nâng đỡ và sửa chữa những thiếu sót và yếu kém, thì bản lĩnh và năng lực ở đâu ra để ta đối đầu với mọi khó khăn? Kinh tế phát triển lại khiến cho mức hưởng thụ của con người lên cao ngất ngưởng, khả năng chịu đựng những cảm giác xấu vì thế càng trở nên kém cỏi. Lối sống tự do, thực dụng, cũng là nguyên do khiến con người bốc đồng và hung hăng hơn. Kẻ thiếu sức mạnh bên trong, hẳn nhiên, sẽ quan trọng và đòi hỏi bên ngoài, “thích” đổ thừa, trừng phạt đối tượng và cố gắng thay đổi hoàn cảnh.

Khi không hiểu được bản thân thì chắc chắn sẽ không hiểu được kẻ khác. Trí thông minh, tính nhạy cảm, kinh nghiệm từng trải… không đủ để ta hiểu hết tâm hồn một con người. Ngay cả với chính ta cũng vậy, đôi khi, phải rời bỏ sự khôn ngoan và khéo léo, để tâm hồn tĩnh lặng và trong vắt, mới có thể khám phá và thấu hiểu được những biến chuyển mới lạ bất ngờ. Kẻ không biết nhìn lại mình cũng thường là kẻ thiếu lắng nghe người khác. Thương một người nào đó mà không cần biết tới những ước vọng thâm sâu hay nỗi khổ niềm đau của họ, ta chỉ làm theo cách của mình, thì đó chỉ là thứ tình thương hời hợt, hoặc chỉ vì cần có một đối tượng để thỏa mãn cảm xúc yêu thích mà thôi.

Cho nên, tất cả những phản ứng chống cự thuộc về tình cảm như giận hờn, ghen tuông, trách móc, đòi hỏi, nhàm chán, khinh thường… đều xuất phát từ thái độ thiếu lắng nghe và thiếu độ lượng. Trong thương yêu mà cái tôi vẫn chưa nứt ra, bể đôi, để dung chứa những sự khác biệt hoặc những yếu kém của kẻ khác, có khi còn dùng đối tượng yêu thương để nuôi lớn cái tôi, thì đương nhiên thương yêu sẽ biến thành tù ngục.

Có tới hàng trăm nguyên do tạo nên phản ứng chống cự của mỗi cá nhân, những nguyên do trên được xem là “căn bệnh” chung của tất cả mọi người. Con người muốn đạt tới giá trị bình yên và hạnh phúc lâu bền, lẽ ra phải chăm lo khám phá và thấu hiểu những bí ẩn của trái tim và nguyên tắc tự nhiên của cuộc sống, thì lại lao theo hướng phát triển vật chất và danh dự để tìm kiếm những cảm giác sung sướng nhất thời, rồi sa đà và tưởng lầm đó là mục đích sống. Có thể nói, nhận thức sai lầm là đầu mối sinh ra thái độ mong cầu và chống cự - hai nguyên nhân căn bản tạo ra mọi rắc rối và khổ đau trong đời.

Đâu cần phải chống cự

Mỗi khi gặp khó khăn, ta thường than thở số phận mình sao đen bạc hơn bao kẻ khác. Bình tĩnh và nhìn kỹ lại đi, không có gì đặc biệt lắm đâu, không thể cho rằng khổ đau nào lớn hơn khổ đau nào, vì sự cảm nhận và sức chứa nơi tâm hồn mỗi người mỗi khác. Có khi, “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Cho nên, điều đầu tiên mà ta cần tự nhủ, đó là, nghịch cảnh vốn là chuyện thường tình, nó tự đến rồi nó sẽ tự đi. Vấn đề là ta phải ứng phó như thế nào để nó không tạo ra và để lại sự tàn phá nào đáng kể.

Điều cần thiết nhất là phải lập tức quay về chính mình, tìm mọi cách giúp cho cảm xúc lắng xuống, bình tâm suy xét và đánh giá chính xác mức tổn hại của khó khăn đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Có khi đó chỉ là thói quen dị ứng với những điều bất như ý, thái độ không sẵn sàng đón nhận cảm giác khó chịu bất ngờ xảy đến, chứ không hẳn là một hoàn cảnh khó khăn. Mà, dù đó đích thực là một hoàn cảnh khó khăn, thì ta cũng đừng để sự sợ hãi kinh điển từ nơi bản thân, hoặc sự cộng hưởng năng lượng tiêu cực từ những người xung quanh, làm cho trí tưởng tượng thổi phồng và bóp méo sự thật.

Nên nhớ rằng, ta là cả bầu trời cao rộng thênh thang, còn khó khăn kia chỉ là những trận gió bão. Gió bão dù điên cuồng đến đâu thì cũng không động tới được bầu trời xanh. Hãy luyện tập cho mình kỹ năng quan sát và tách bạch giữa cái tôi tổng thể (bao gồm cả hiểu biết, thương yêu, tài năng, đức hạnh…) và hiện tượng tâm lý nhất thời. Tức là ta không đồng nhất mình với cơn bão cảm xúc, không đánh mất mình, không bị nó thao túng và điều khiển ra lời nói và hành động chống cự để rồi phải hối tiếc.

Muốn làm được điều kỳ diệu ấy, ta phải chịu khó luyện tập thói quen quan sát thái độ của mình trong mọi tình huống, nhất là mỗi khi nghe những lời góp ý thẳng thắn hoặc chê bai. Điều quan trọng là phải quan sát bằng thái độ không thành kiến và không thiên vị. Đừng cộng thêm vào và cũng đừng bỏ sót bất cứ điều gì đang xảy ra với cảm xúc, đừng làm mờ đục cái kinh nghiệm thuần túy ấy bằng những hình ảnh hay ý niệm mà ta đã lưu trữ sẵn trong tâm. Khi ấy, ta sẽ phát hiện ra trong ta chỉ còn lại cái cảm giác khó chịu hoặc cái đau thôi, một nguồn năng lượng tạm thời, chứ không phải là nỗi khổ của cái tôi như ta tưởng tượng hay đã từng nghe bao kẻ khác khẳng định và than oán.

Dĩ nhiên, không thể nào có ngay thái độ này khi mới bắt đầu luyện tập, vì ta hay có thói quen điều khiển và nhồi nặn tâm mình theo kiểu mẫu tốt đẹp nào đó. Và, đôi khi, ta còn tự lừa dối mình bằng những lời an ủi dịu ngọt, chuyện nhỏ thôi mà, có nhằm nhò gì đâu, nhưng tâm hồn lại nát nhàu và vỡ vụn mà không hay biết hoặc không nhìn nhận. Chỉ khi nào ý thức được giữ tâm quan trọng hơn giữ cảnh, ánh sáng tỉnh thức được duy trì lâu bền, thì ta mới có đủ khả năng tháo chiếc bẫy cảm xúc ấy ra từng mảnh nhỏ.

Nếu đã quyết chí luyện tập mà lòng vẫn không thể nới rộng ra hơn để đón nhận khó khăn, ý chí cũng không mạnh mẽ hơn để thấy đây là bài thực tập quý báu, thì ta đừng cố gắng quyết liệt nữa. Hãy thư giãn và nghỉ ngơi, rồi từ từ sẽ quay lại sau.

Hãy chú tâm vào những điều như ý cũng đang hiện hữu quanh ta kìa. Đó là những điều kiện của hạnh phúc, đừng quên. Đừng cứ chăm bẵm vào vũng tối đen, sẽ vô tình quên đi sự có mặt của các vì tinh tú. Khi nhìn thấy được cái lấp lánh kỳ diệu của các vì tinh tú, có thể ta sẽ không còn muốn nhìn vào cái vũng tối u ám nữa. Thậm chí ta không còn thấy đó là vũng tối đáng sợ, mà đó là cái nền phải có để tinh tú xuất hiện và tỏa sáng.

Đến một lúc nào đó ta sẽ tỉnh ngộ rằng, cảm giác sung sướng nhất thời và hạnh phúc chân thật là hai cái hoàn toàn khác nhau. Một cái đến từ đối tượng hấp dẫn bên ngoài, còn một cái có sẵn từ sự bình yên bên trong. Cái bình yên của tâm hồn chính là chấm dứt sự mong cầu và chống cự cho cái tôi, không thêm cũng không loại, trạng thái chấp nhận bản thân tuyệt đối, thấy mọi thứ xung quanh đều là chất liệu của sự sống, của hạnh phúc.

Và đến một lúc nào đó ta cũng sẽ nhận ra rằng, đấu tranh vì người và chống cự cho mình là hai cái rất khác biệt nhưng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Một cái đến từ tình thương và sự sáng suốt, còn một cái đến từ quyền lợi của cái tôi và cảm xúc nông nổi. Nếu đích thực vì công lý, vì quyền lợi chung của tập thể hay cộng đồng, không xen kẽ chủ nghĩa cá nhân, cộng với tầm nhìn rộng rãi - không có kẻ xấu xa mà chỉ có tư tưởng và hành động sai lầm - thì phương thức đấu tranh tối ưu mà ta sẽ chọn đó là bất bạo động. Bởi cách đấu tranh này không tỏ ra hiếu chiến, tôn trọng đối phương, giải quyết vấn đề bằng lý trí, và ngầm hy vọng có sự thay đổi bên trong mà không để xảy ra những đổ vỡ đáng tiếc. Nói chung, cần có sự chuyển hóa hơn là tiêu diệt. Đây là con đường đấu tranh trí thức, nhân văn, vì dù gì thì cũng không quên tình đồng loại với nhau.

Điều kỳ lạ là hễ bớt mong cầu thì tự nhiên sẽ bớt chống cự, bớt tham thì sẽ bớt sân, vì tham và sân chẳng qua là hai loại phản ứng trước thuận-nghịch, tốt-xấu, được-mất, thành-bại… phục vụ cho cái tôi nông cạn. Khi quay về sống với chính mình nhiều hơn, không đặt hạnh phúc và mạng sống vào những thứ vật chất vô tri hay cảm xúc thất thường của kẻ khác, ta sẽ không còn nhiều lý do để tranh đấu nữa. Cái tôi bây giờ là một thực tại sinh động, mầu nhiệm, hòa điệu với vạn vật xung quanh, luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng nâng đỡ mọi tâm hồn còn hoang mang trên con đường hạnh phúc.

Đăm đăm vào vũng tối

U ám nửa cuộc đời

Chợt dõi về xa vắng

Tinh tú lộng đầy trời.

Minh Niệm

http://giacngo.vn/phathoc/luockhao/2013/03/05/175408/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét