Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Tu Là Phải Biết Nhẫn Nhục - HT THÍCH THANH TỪ

Đa số Phật tử ngày nay cứ ngỡ tu là cúng kính, là làm phước mà không biết tu là xây dựng cho bản thân mình một cái tâm từ bi nhẫn nhục. Vì vậy những trở ngại trên đường tu, tôi không gọi trở ngại mà gọi thắng duyên. Nhờ có người chửi mình mà tròn được hạnh nhẫn nhục. Nếu không thì chúng ta đâu có biết mình nhẫn được hay không.

Quí Phật tử tu đừng sợ khó, đừng sợ bị thử thách. Bởi vì thử thách chính là cơ hội tốt để chúng ta thể hiện tinh thần tu hành của mình. Tu là có sức an nhẫn, có sức chịu đựng mọi thử thách, chớ không phải tu là để đón nhận mọi thứ an lành hết.

Bởi người tu cũng như chèo thuyền ngược nước, ngược gió. Nếu chúng ta thả lơi thì thuyền sẽ trôi ra tới biển. Còn nếu ra sức chèo chống thì chúng ta mới đến được tận nguồn, tận nơi chúng ta muốn. Người tu hành muốn chi được nấy thì còn gì tu nữa.

Phật tử đến chùa lạy xin Phật cho con làm ăn phát đạt, mọi việc đều tốt đẹp, con cái học hành giỏi v.v… Xin mọi thứ chớ không chịu tu. Như vậy là xin hay tu? Nếu xin Phật không được thì đâm chán. Nghe nói có Bà Chúa Xứ linh lắm, chạy qua xin Bà. Xin Phật không được thì xin Bà. Người như vậy là chưa biết tu.

Tu là gây dựng cho mình một đức tính tốt đẹp, một hạnh nguyện cao siêu, chớ đâu phải tu là đi xin xỏ. Phật tử chúng ta hay xin quá! Đi chùa thì đi nhưng nghe chỗ nào linh liền chạy đi cầu xin. Đó là thói thường của những người chưa hiểu được ý nghĩa của sự tu hành.

Khi hiểu được ý nghĩa của sự nhẫn nhục rồi thì chúng ta không còn than tu hành sao gặp nhiều khó khăn quá. Vị nào tu gặp trở ngại nên vui mừng nói với huynh đệ rằng: Tôi thật là đại phước, tu gặp cả mười cái trở ngại và đều vượt qua hết. Vậy đó, nhờ có trở ngại chúng ta mới thành công.

Nếu không có trở ngại thì đâu có thành công. Như người tập nhảy cao, lúc đầu để cây thấp, lần lần đưa lên cao, như vậy người cầm cây gây trở ngại hay giúp cho người tập nhảy cao? Chúng ta tu cũng vậy.

Tu là để mỗi ngày được thanh tịnh, mỗi ngày được sáng suốt. Muốn được như vậy thì tất cả trở ngại chúng ta đều vượt qua, xem như trò chơi, không có gì đáng để tâm. 
Như vậy mới thành công, còn sợ khổ, sợ khó, bị trở ngại thì tu mong cho sung sướng, chớ không phải tu để được giải thoát.

Hiểu như vậy quí Phật tử nên suy xét lại cho chín chắn, đừng buồn, đừng sợ khi chúng ta gặp trở ngại hay bị bạc đãi. Chúng ta phải có sức mạnh, lập chí cho vững, quyết tâm đi đến nơi đến nơi đến chốn.

Được vậy mới là người quyết chí tu chân chánh. Tu còn cầu xin là tu tà đạo. Tu chân chánh thì phải biết chuyển sửa những điểm dở, điểm xấu của mình thành hay, thành tốt.

Đức Phật thường dạy rằng: Ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai. Nếu Phật có quyền ban phước giáng họa cho người, thì chắc rằng Phật không dạy chúng ta phải nhẫn nhục, phải từ bi, tu nhân quả. 

Gây nhân tốt thì được quả tốt, gây nhân xấu thì chịu quả xấu. Nếu Phật cho được thì chúng ta đâu cần gây nhân, cứ lạy Phật rồi Phật cho. Vậy Phật có cứu chúng ta không? Phật chỉ cho chúng ta một con đường, ai đi đúng đường thì an vui, ai đi sai đường thì đau khổ. 
Như quí Phật tử khi qui y Tam Bảo, Phật dạy phải giữ năm giới. Nếu giữ năm giới trọn vẹn thì được làm người tốt. Còn không giữ năm giới thì sẽ đọa vào đường ác như địa ngục v.v… Giữ năm giới là tu, không giữ năm giới là không tu.
Phật chỉ dạy chúng ta tu, chớ không phải đưa chúng ta vào loài người hay xuống địa ngục, ngạ quỉ.

Con đường Phật vạch ra là để cho chúng ta đi, chớ không phải Phật dùng thần thông ban phước giáng họa cho chúng ta. Hiểu như vậy mới là hiểu đạo. 
Hiểu rồi quí Phật tử ứng dụng tu thì có lợi ích vô cùng. Bằng ngược lại, tuy đi chùa nhưng không được lợi ích bao nhiêu.

Tóm lại, chúng ta tu Phật là phải mở rộng lòng từ bi và đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục từ bi đó phải từ sự tu sửa của chúng ta, chớ không phải ở đâu đem đến. Công phu có được chính là do sự huân tập hàng ngày mà thành tựu.

Vì vậy chúng ta nên tập đức từ bi nhẫn nhục trong cuộc sống, trong từng giây phút để chúng ta có đủ đạo lực khi gặp các chướng duyên. Ngày này, giờ này chúng ta thấy thua thiệt nhưng phước đức sẽ sâu dày ở nhiều đời nhiều kiếp sau, không bao giờ mất.   

Không có một vị Phật nào ngẫu nhiên mà thành Phật. Các ngài đều do tu mà thành Phật, không có vị Bồ-tát nào bỗng dưng thành Bồ-tát. Tất cả đều qua biết bao năm tháng tu hành mới được. Vì vậy, là đệ tử Phật, chúng ta cố gắng tu tập cho xứng với ý nghĩa Phật đã dạy.

Mong tất cả ghi nhớ và thực hành cho, để đạt được kết quả như sở nguyện.

http://phathoc.net/PrintView.aspx?Language=vi&ID=53C40A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét