GN - Sự việc một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội ném xác bệnh nhân để phi tang đang làm dư luận dậy sóng.
Sốc! Đó là tâm trạng chung của mọi người dân. Không phải vì lần đầu tiên có nạn nhân mất mạng vì làm đẹp, mà bởi hành vi của một vị bác sĩ - ngành nghề cần lương tri, vốn được tôn vinh như mẹ hiền (lương y như từ mẫu).
Sự trả giá của nhan sắc
Dù chưa có thống kê chính xác, nhưng người ta ước đã có không dưới dăm ba trường hợp trực tiếp hay gián tiếp tử vong vì các dịch vụ thẩm mỹ ở thủ đô. Hồi tháng 4-2011, kế toán trưởng của một công ty tại Hà Nội tử vong sau khi “trùng tu nhan sắc” tại thẩm mỹ viện cũng trên đường Giải Phóng. Gần đây nhất, đầu năm 2013, một ca khác trên phố Xã Đàn cũng đã khiến một phụ nữ tử vong khi đến đây “dao, kéo”. Ngoài các trường hợp tử vong, rất khó thống kê số người “thân tàn ma dại” bởi những biến chứng sau kỳ làm đẹp, nhưng chắc chắn con số là không nhỏ. Điều khiến người ta sốc hơn cả là đã trải qua biết bao trường hợp đau lòng về chuyện phải trả giá để làm đẹp, nhưng các quý bà, quý cô hầu như chẳng rút ra được điều gì.
Người viết bài này vô cùng ngạc nhiên khi đọc những dòng chia sẻ này trên Facebook của một phụ nữ: “Khỏi nói cơn đau xé ngực khi vật thể lạ xé ngực chui vào cơ thể. Nhưng niềm hạnh phúc ngày một đầy lên khiến tôi nguôi đi đau đớn. Lần đầu tiên, nhìn thân hình mới của mình, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Đọc sách báo, tôi cũng hiểu rằng nguy cơ của việc bơm silicon vào người chẳng khác nào tiêm thuốc độc… Cho dù sợ, chúng tôi vẫn muốn được một lần sống trong thân xác đàn bà xinh đẹp”.
Sự việc một phụ nữ đi phẫu thuật thẩm mỹ, bị vứt xác xuống sông, khiến người viết nghĩ về một câu nói của Đức Phật: “Mạng người trong hơi thở”. Đang khỏe mạnh không bệnh tật gì, thế mà vào dịch vụ thẩm mỹ chỉ vài giờ đã lìa đời lúc nào chẳng biết. Mạng người ngày càng mong manh, khi xã hội nhan nhản những vị bác sĩ phẫu thuật cẩu thả, những bác sĩ thiếu lương tri, chủ quan không tuân thủ quy trình chuyên môn, và trong vô minh, sẵn sàng vứt xác bệnh nhân như vất đi một thứ đồ vật để mong chạy tội.
Cái giá phải trả cho nhan sắc trong vụ việc vừa xảy ra quá đắt: 50 triệu đồng và một mạng người. Hầu hết những người phụ nữ đi thẩm mỹ đều sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn. Có những khoản chi tới cả tỷ đồng để “lên đời” nhan sắc. Cái giá đó đắt hay rẻ?
Muốn trả lời câu hỏi này, phải biết giá trị của con người nằm ở đâu? Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu lượng hóa thành phần hóa học trong cơ thể mỗi con người, đúc rút rằng với cách nói định lượng: lượng mỡ chỉ đủ để nấu 7 bánh xà-phòng, lượng phốt-pho đủ sản xuất 2.200 đầu que diêm, lượng lưu huỳnh đủ giết chết một con bọ chét, lượng nước chỉ giặt được một chiếc áo sơ mi, lượng sắt chỉ bằng một chiếc đinh 5 phân, lượng đường đủ để làm một chiếc bánh gatô, lượng vôi đủ để xây một chuồng gà nhỏ… Với một cơ thể nặng 55kg, giá trị tất cả các thứ vừa kể cộng thêm vài nguyên tố vi lượng khác như magiê, đồng, kẽm, kali… thực ra có giá chưa tới 3 USD. Rõ ràng giá trị đích thực của con người không phải ở thân xác, mà là ở trí tuệ, tâm hồn, tâm linh. Có trí tuệ sẽ làm ra được của cải, thanh danh. Tâm hồn đẹp sẽ được mọi người quý trọng. Tinh thần và tâm linh vững chãi sẽ đem lại lợi lạc cho người khác. Thế nhưng, rất nhiều phụ nữ ngộ nhận coi nhan sắc là giá trị lớn nhất, thậm chí là duy nhất của họ. Đó là lý do khiến họ sẵn sàng bỏ ra từ hàng chục triệu đồng đến cả tỷ đồng để “trùng tu” nhan sắc.
Một cô bạn đồng nghiệp làm cùng cơ quan với người viết vốn cũng rất say mê với việc làm đẹp, thời gian gần đây bỗng nhiên đổi tính, chuyển sang ăn chay. Cô bạn này kể rằng, đã từng dùng rất nhiều loại thuốc làm đẹp: thuốc giảm béo, thuốc làm trắng da, thuốc làm mịn da… nhưng chẳng thấy có tác dụng. Một lần ốm phải vào bệnh viện, tình cờ nằm chung phòng với một Ni sư. Cô ngạc nhiên tấm tắc khi phát hiện ra da của Ni sư quá mịn màng. Bắt chuyện, Ni sư cho biết rằng, nhờ ăn chay, thức ăn không có thịt, mỡ, nên da mới mịn như vậy. Những người thường xuyên ăn nhiều thịt mỡ, nhiều chất đạm động vật thì cơ thể thường hay bị nóng, dễ bị béo phì và cũng dễ nổi mụn. Sau khi tìm hiểu thêm, cùng với lý do đó, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã quyết định chuyển sang ăn chay.
Cần loại bỏ những cỏ dại vô minh
Phật giáo quan niệm: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” - hễ cái gì thuộc về sắc thì cái ấy không có tự thể, là không thường hằng; không tự thể là bản tính của thế giới. Đức Phật dạy: “Sắc, này các Tỳ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sinh khởi, cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sinh khởi, thì từ đâu có thể thường được”. Những người phụ nữ vọng cầu làm đẹp, cho đến mãn kiếp không bao giờ được thỏa mãn tâm vọng cầu này.
Người xuất gia thường cạo đầu, mặc áo nâu sồng, ở một ý nghĩa nào đó, để tâm mình không còn vọng tưởng nhan sắc, không còn bám víu vào hình thức bên ngoài. Thế nhưng, chính từ việc loại bỏ những ham muốn thế gian, ăn uống và sống đạm bạc, sống an nhiên tự tại, tâm hồn thong dong không muộn phiền ảo vọng, nên người xuất gia không chỉ đẹp ở tâm hồn, mà thân thể vì đó cũng khỏe mạnh, đẹp đẽ.
Có thể nói, khi chúng ta không chấp thủ vào hình thức bên ngoài, có phương thức tu tập và lối sống lành mạnh, lại được sắc đẹp, tướng tốt, dễ nhìn và đáng mến.
Trong cuốn sách Đức Phật và giáo pháp của Ngài (tác giả Ernest K.S. Hunt, Tịnh Minh dịch) kể câu chuyện: “Có lần tôi biết một phụ nữ sống mà sợ già. Mỗi buổi sáng bà đến trước gương, ngắm nghía mặt mày tóc tai của mình rất kỹ để xem có nếp nhăn nào hay sợi tóc bạc nào xuất hiện. Mỗi khi thấy nếp nhăn là bà liền đến mỹ viện để được xoa láng, và thấy sợi tóc bạc là nhổ ngay.
Cứ như thế trong nhiều năm cho đến một hôm khi có quá nhiều nếp nhăn không thể xoa láng và quá nhiều tóc bạc không thể nhổ sạch, bà nhìn vào gương và thấy mình già rồi. Bà đâm ra đau khổ đến bật khóc và lo lắng đến nỗi ngã bịnh trầm trọng và suýt chết. Bà này không biết tí gì về luật vô thường mà Đức Phật đang giáo hóa chúng ta ngày nay. Bà không hiểu rằng, chính vì định luật của cuộc đời mà bà phải thay đổi và già nua. Bà muốn lúc nào cũng giữ được sắp đẹp và tuổi trẻ, và khi thấy không thể làm được điều đó thì bà đau khổ”.
Theo lời Đức Phật dạy, nhan sắc người phụ nữ ví như bông hoa đẹp, mỏng manh và rất nhanh úa tàn. Chúng ta hái một đóa hoa hồng tươi đẹp, thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm khi nó còn tươi. Nhưng sẽ thật ngốc nghếch biết bao nếu ta cố bám víu lấy bông hoa ấy khi nó đã úa tàn. Mọi thứ trên trái đất này: hân hoan, lạc thú, tiền tài, quyền lực, nhan sắc… đều vô thường. Chỉ vì người ta không hiểu mọi thứ họ có đều thay đổi, già đi và hoại diệt… nên họ dốc tâm dốc sức bám giữ các thứ đó. Nếu cố bám víu thì đó là hành động ngu muội, từ đó sinh ra biết bao đau khổ trong đời - đó là vô minh.
Người phụ nữ sẵn sàng đổi tính mạng lấy nhan sắc đã là vô minh. Nhưng bác sĩ vứt xác bệnh nhân còn vô minh gấp vạn lần. Anh ta không biết rằng khi tước đoạt mạng sống của người khác, thì sẽ phải chịu khốn khổ về hành động của mình. Anh ta đang đi ngược với ý nghĩa bình thường của nghề nghiệp mà anh ta đang làm.
Đức Phật từng chỉ cho chúng ta biết rằng, thân thể chúng ta tuyệt vời và xinh đẹp, nhưng đó là vẻ đẹp trong thoáng chốc. Cái đẹp của tâm hồn mới là vẻ đẹp lâu dài và bền vững. Vì vậy, để giữ cho khu vườn tâm thức luôn tươi đẹp, cần phải loại bỏ những loại cỏ dại vô minh xấu xí. Nhưng một số người có lẽ thấy khó mà nhận biết được những loại cỏ xấu xa, ngu muội. Bởi vì thật là dễ dàng cho một ý tưởng ngu muội bé nhỏ bộc phát trong tâm thức của mình, nó thường lớn mạnh trước khi chúng ta nhận ra mối nguy hại của nó.
Nuôi dưỡng lòng từ bi, đối nhân xử thế với nhau bằng sự cảm thông, bằng tình nghĩa, bằng tình thương giữa người với người là điều quan trọng và giá trị gấp muôn lần việc nuôi dưỡng nhan sắc.
Chu Minh Khôi
http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2013/11/06/1FD602/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét