Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Ốc đảo tự thân – Chương 5: Vô Minh

ayya-khemaokPHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

Xây Dựng Nền Tảng

Chương 5
Vô Minh

      Vô minh không có nghiã là chúng ta không có kiến thức.  Vô minh trong ngôn ngữ Phật giáo chỉ có một ý nghĩa duy nhất -vô minh về Tứ Diệu Đế.  Vô minh là khởi đầu của bánh xe sanh tử (samsara), khiến luân hồi chẳng thể dừng dứt.  Tứ diệu đế là cốt lõi của Phật giáo.  Nếu là Phật tử mà không nắm rõ ý nghĩa của tứ thánh đế này, thí chúng ta đã bỏ qua cái cốt lõi.

   Có thể chúng ta đã biết về vài khía cạnh của giáo lý Đức Phật, thấy chúng cũng thường, không có gì quá khó hiểu.  Có thể khi nghe về sự Giác Ngộ giải thoát, ta cũng thấy hứng thú.  Hoặc ta cũng cảm thấy thú vị khi khám phá ra rằng ta không cần phải phản ứng, khi có ai đó nói với ta những lời bất lịch sự.  Hay ta cũng hy vọng đưọc vào định sau những giờ tọa thiền dài lâu.  Tất cả những điều nói trên đều nằm trong những lời giáo huấn của Đức Phật.  Nhưng nếu chúng ta không thể nắm vững đưọc cái căn bản, thì chúng ta chỉ đi quanh quẩn bên những cái vi diệu của Phật pháp.  Rồi từ đó lại sinh tâm nghi hoặc.  Lại khiến chúng ta bắt đầu tự hỏi không biết có nên tiếp tục hành thiền, tiếp tục tu tập hay đi tìm một cách sống vui vẻ, dễ chịu hơn.

   Bản chất của cuộc đời, như ta đã biết trong cõi người này, là sự bất như ý (dukkha).  Không có gì hoàn toàn ở đời, ngược lại, cuộc đời luôn đầy những thứ phiền não của thân tâm.  Đưọc sinh ra cũng khổ, đúng ra đó là bắt đầu của mọi cái khổ khác.  Nếu với tất cả những gì ta đã biết, đã có, đã kinh qua mà ta vẫn thấy không đưọc bình an, tròn đầy ở nội tâm, thì ta có con đường nào khác không?  Con đường nào có thể mở ra cho chúng ta?

   Câu trả lời của Đức Phật là sự bất tử, hay Niết bàn, nghĩa là không còn có luân hồi trở lại.  Hay mục đích của ta là đưọc tái sinh trong những điều kiện hoàn cảnh tốt hơn, nhiều của cải vật chất hơn, nhiều bè bạn, nhiều sức khỏe, nhiều trí tuệ hơn?  Hay là ta mong đưọc sinh lên cõi trời?  Đó là điều mong ước của nhiều người.  Họ tin ở một thế giới khác luôn tốt đẹp hơn thế giới họ đang sống.  Có thể cũng đúng.  Cũng có những điều người ta có đưọc ở cõi trời rất hấp dẫn.  Nhưng nếu ta biết sự thật rằng sinh là khổ, thì dù sinh ở cõi nào thì cũng là khổ.

   Làm thế nào để có cái 'không chết'?  Đó là Niết bàn, vì không còn tái sinh nữa ở đó, và khi không còn sinh thì làm sao có tử?  Nếu có cái bất tử, không hoại diệt, và chúng ta biết rằng sinh là đau khổ, ta đâu còn lựa chọn nào khác hơn là con đường đến bất tử? Nhưng nếu chỉ hành thiền không ngừng nghỉ, với hy vọng đạt đưọc sự may mắn kia, cũng như chỉ học hỏi phần nào về giáo lý của Đức Phật thì chưa đủ.  Chỉ đủ khi tận trong tim ta thốt lên lời nói: ‘Không có lựa chọn nào khác hơn là đạt đưọc Niết bàn giải thoát'.

   Và chúng ta không thể có đưọc sự tin tưởng mạnh mẽ đó nếu như ta đã không từng trãi qua đủ mọi điều khổ đau.  Dĩ nhiên ta không cầu mong điều đó sẽ xảy ra cho ai, nhưng ta biết chỉ có những kinh nghiệm đau thương mới có thể chuyển đổi đưọc con người.  Có rất nhiều câu chuyện ở thời Đức Phật còn tại thế về bao người phụ nữ đã phải chịu quá nhiều đau khổ khi mất mát người thương, gia đình, đến nổi họ không còn lựa chọn nào khác.  Ngày nay, trong xã hội của chúng ta lại có quá nhiều lựa chọn.  Ta có thể chọn lựa đi biển, hay du lịch qua Aán độ, tìm một mối quan hệ mới.  Xét về các sự lựa chọn này, đôi khi ta thấy ngại ngùng, vì ta thấy mỗi sự lựa chọn đều đem lại cảm giác xúc chạm (căn trần), có nghĩa là rất phù du, thoáng qua.  Ta cần có nhận thức rõ ràng như thế, nếu không sự phát triển tâm linh của ta sẽ gặp trở ngại.  Trong thiền có câu nói rằng: "Khi đi, bạn đi.  Khi chạy, bạn chạy.  Nhưng đừng có đi ngã nghiêng thế kia".  Vì thế nếu ta đã chọn lựa một con đường đi, hãy đi đàng hoàng, vững vàng đến đích.

   Ngoài sự giải thoát, sự chọn lựa duy nhất còn lại là các dục lạc.  Đức Phật có rất nhiều lời khuyến cáo về sự nguy hiểm của ái dục.  Ta có thể tự kiểm chứng những lời dạy của Đức Phật xem đó là đúng như sự thật hay chỉ là những câu chuyện thú vị ta chưa từng đưọc nghe qua.  Con đường đạo chỉ hiện hữu trong nội tâm chúng ta.  Phật pháp không thể chỉ sống động trên các trang sách hay trong lời nói của ai đó; chúng phải sống trong lòng chúng ta.  Ta phải suy xét xem có đúng thật là các niềm vui của ta là do sự  xúc chạm mang đến, và tất cả những đau khổ của ta là do sự thiếu vắng của chúng hay do xúc chạm với cái mà ta không thích.

   Chúng ta có hai lựa chọn.  Một là ta có đưọc các niềm vui của dục lạc, hai là chọn con đường đạo vững chắc giúp ta thoát ra khỏi sinh, già, bịnh, chết, thoát ra khỏi mọi khổ đau.  Điều đáng ngạc nhiên là rất ít người chọn lựa điều thứ hai.  Sự đau khổ cũng là một cách giúp ta tự chuẩn bị để chọn con đường đạo, và nguyện cố gắng thực hành.

   Chúng ta cần có can đảm để chọn con đường đạo pháp.  Vì nếu ta chọn con đường thoát ra khỏi mọi khổ đau, ta cần phải từ bỏ bao tham đắm, bao thú vui nhất thời lại đằng sau.  Điều đó đòi hỏi can đảm.  Chúng ta phải buông bỏ rất nhiều thứ mà trước đó ta nghĩ là sẽ đem lại hạnh phúc, sự trọn vẹn cho ta.  Ta cần can đảm rời xa chúng để tự đứng một mình.  Điều đó không có nghĩa là ta phải khó chịu với các bạn bè củ của mình hay phải xa lánh người thân trong gia đình.  Nhưng mà là ta bắt đầu nới lỏng các sợi dây ràng buộc, bám viú vào họ.  Khi chúng ta nhận thức rõ ràng không có gì quan trọng hơn là đi theo con đường đưa đến giải thoát.  Lúc đó tất cả năng lực, ưu tiên ta dành cho mục đích này.

   Ta chỉ có thể thành công khi đã dồn hết mọi tâm sức vào một việc.  Lúc đó tất cả các kinh nghiệm của ta -lạc thọ, khổ thọ hay không khổ không vui- ta đều biết đó là một phần của vạn pháp, và đó cũng là một cách thực tập.  Nếu một khổ thọ nào đó dấy khởi, ta nhận biết ngay: "Đây là một cảm giác khó chịu, tôi đang phản ứng lại nó đây, nhưng tôi không cần phải làm thế, tôi có thể buông bỏ cả phản ứng".  Trái lại, nếu lúc đó ta vẫn còn đắm theo các căn trần, thì điều đó khó thể thực hiện đưọc.  Không thể vừa có Bát chánh đạo, lại vẫn còn đắêm trong ham muốn nhục dục.  Hơn thế nữa, Bát chánh đạo có thể còn mang đến cho ta một số những xúc cảm khó chịu vì nó đòi hỏi sự tự kỷ luật, tự làm chủ mình, có nghĩa là phải gò ép thân xác.

   Ngoài ra ta cũng không thể mong đạt đưọc kết quả chớp nhoáng.  Nhưng ta biết đích tới của mình.  Một khi đã có phương hướng, ta không cần phải lựa chọn, không lo lắng về các lời hướng dẫn, mà tràn đầy lòng tự tin.  Lúc đó ta có thể hoàn toàn dựa vào trí tuệ vô lượng của Đức Phật, mà không cần phải tìm tòi, khám phá con đường đưa đến sự tỉnh thức tâm linh.  Ta đã đưọc thừa hưởng những lời giáo huấn rõ ràng của chư Phật để lại trong đời. 

   Có lẽ việc khó nhất còn lại cho ta là làm sao biết đưọc điều gì là đúng cho cái mà ta gọi là 'tôi'.  Chúng ta đặc biệt về gì?  Có năm cái khổ -một là thân khổ và bốn cái khổ còn lại thuộc về tâm.  Có bốn yếu tố và ba mươi hai phần của thân thể.  Không có gì, không có ai đặc biệt hơn ai, ai cũng giống nhau.  Mỗi cá nhân chúng ta không cần phải xem thứ gì là thích hợp cho mình.  Tất cả những gì ta cần làm là lựa chọn giữa những thú vui của các căn trần hay sự đoạn diệt của khổ đau.  Sự quyết định đó sẽ thay đổi cuộc đời ta.

   Nếu ta không còn lơ là với Tứ diệu đế nữa mà coi chúng là trọng tâm trong cuộc đời ta, thì vô mình sẽ dần dần bị dập tắt.  Rồi hoàn toàn biến mất khi ta đạt đưọc sự thật thứ ba: Diệt đế.  Đó là lúc ta đã đạt đưọc giải thoát, Niết bàn, chấm dứt mọi khổ đau.  Nhưng trước khi đến đưọc nơi ấy, ngay bây giờ ít nhất ta có thể giảm bớt vô minh của mình bằng cách xét lại nguồn gốc của vô minh, đó là chấp Ngã, coi Ngã là ta.

   Tất cả mọi giáo lý của Đức Phật đều nhằm giúp ta vững bước trên con đường đạo.  Trong một bài giảng, Trưởng lão Xá Lợi Phất đã nói đến nhiều phương cách giúp ta tăng trưởng chánh kiến nhằm giúp cho trí tuệ của ta thêm phát triển.  Điều quan trọng nhất, ta cần phải xem động lực nào thúc đẩy ta nói, suy nghĩ, hành động như ta đã làm.  Khi sự liên hệ của ta và người không đưọc êm thắm, khi chúng không hoà tan vào nhau như nước với sữa, ta cần phải nhìn lại động lực nào thúc đẩy ta làm thế.  Không phải để tìm lỗi của người khác.  Động lực giống như một tảng băng đá, ta chỉ có thể thấy những phần nổi.  Vì thế nếu ta không thực tập tìm hiểu chính mình một cách cặn kẻ, ta sẽ không thể biết đưọc mọi hành động là do ngã chấp thúc đẩy.  Ta cần phải xem xét lại các động lực hành động của mình để thanh tịnh hoá tâm mình.  Hãy tự hỏi: Ta hành động như thế này là vì ích lợi của kẻ khác hay vì cái ngã của ta?  Chúng bắt nguồn từ lòng tự tin hay sự sợ hãi?  Ta phải suy xét lại các động lực, mục đích của mình vì chính ta tạo ra nghiệp cho mình.  "Tôi làm chủ nghiệp của tôi, thừa hưởng nghiệp của tôi".

   Nền tảng đạo đức của ta cần dựa trên chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mệnh.  Không có những thước đo mẫu mực này, tất cả mọi nỗ lực cá nhân đều vô ích.  Sức mạnh của chúng ta không phải ở thân thể, nhưng tùy thuộc vào lòng tin trong ta.  Lòng tin này chỉ có thể có đưọc khi ta biết mình trong sạch, không tội lỗi.  Dựa vào kẻ khác chỉ khiến ta sinh ra yếu đuối, một việc làm nguy hiểm.  Vì kẻ khác cũng không ổn định, luôn thay đổi như ta.  Mẹ, cha, chồng vợ, con cái, sư thầy -tất cả đều sẽ ra đi, thay đổi  hay không ở bên cạnh khi ta cần đến họ.  Ta cần làm người bảo vệ của chính mình, tự trông coi từng bước đi của chính mình.

   Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cần đưọc bám trụ vững chắc trong ta.  Chánh tinh tấn có nghĩa là luôn áp dụng những điều ta đã học không chỉ trong lúc tọa thiền mà trong mọi hoàn cảnh, ở mọi lúc, mọi nơi.  Nếu trong một ngày mà ta không học đưọc điều gì mới, hay không giúp đỡ đưọc ai, không thương yêu ai, thì đó là một ngày lãng qua.  Thời gian rất quí báu, mỗi ngày qua đi không thể tìm lại đưọc.  Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới.  Chuyến bay tới có thể không hạ cánh, chuyến xe tới có thể không đổ bến.  Ngay giờ phút này là giờ phút để tu tập.  Vì ta đã thoát qua đưọc bao tai nạn, không có nghĩa là ta sẽ thoát khỏi hiểm nguy.  Vì thế, nếu ta không sử dụng một ngày của mình trọn vẹn, một ngày để học hỏi, quán sát nội tâm, tìm hiểu giáo lý, thì ta không thể có chánh tinh tấn.  Chánh tinh tấn cần đưọc phát triển thành một thói quen tốt cho mọi người.

    Có đưọc chánh niệm trong từng giây phút là một lý tưởng có thể ta chưa nghĩ đến.  Nhưng nếu ta không có quyết tâm phát triển chánh niệm từng giây từng phút, ta sẽ dễ dàng quên mình đang tu, đang cần hành pháp.  Chánh niệm không phải chỉ là những lời nói hay một bài giảng xuông của Đức Phật, nó là một trạng thái tâm đầy ý nghĩa.  Nó có nghĩa là ta phải có mặt ngay bây giờ, trong giây phút này, biết rất rõ những gì đang xảy ra ở bên trong hay bên ngoài ta.  Nó có nghĩa là cảnh giác về các động lực hành động của mình, thực hành sửa đổi những tư tưởng, tình cảm xấu, không lành mạnh thành các tư tưởng lành mạnh.  Chánh niệm là một tâm hành mà với thời gian nó sẽ giúp ta đoạn diệt đưọc mọi khổ đau.  Nó cho ta thấy rõ ràng không có gì xảy ra ngoài sự vận hành của năm uẩn -sắc, thọ, tưởng, hành và thức.  Ban đầu nhờ có chánh niệm ta không còn lo lắng, sợ hãi quá khứ, tương lai, và giúp ta trụ vững trong hiện tại.  Dần dần chánh niệm giúp ta có cái nhìn đúng về Ngã.

   Về chánh định, tất cả những gì ta có thể làm đưọc là cố gắng hết mình.  Một phần của định là sự buông bỏ, không chạy đuổi theo các âm thanh, màu sắc quyến rủ, mùi thơm, sự xúc chạm và các vọng tưởng.  Trong khi thông thường ta rất thích các cảm giác xúc chạm, và đeo bám vào chúng mãnh liệt.  Ta cũng cần có đủ tự tin trong khả năng thiền định của mình.  Ta cần phải đạt đưọc điều tưởng như khó có thể đạt đưọc này.

   Tóm lại, ta cần chuẩn bị một nội tâm vững chãi để chấp nhận Tứ thánh đế và Bát chánh đạo như là trọng tâm điểm trong đời sống của ta.  Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.  Nếu ta không chỉ tìm hiểu giáo lý của Đức Phật vì sự tò mò, thì ta cần phải dốc hết tâm lực để sống, để hành các chân lý đó, những chân lý mà ta tin tưởng chắc chắn rằng sẽ giúp ta đến Niết bàn, giải thoát.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8064_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét