Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Ốc đảo tự thân–Chương 6: Lý Duyên Khởi

ayya-khemaokPHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

Xây Dựng Nền Tảng

      Thập nhị nhân duyên (paticcasamuppada) đưọc bắt đầu bằng Vô minh (avijja), qua đến hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh rồi kết thúc bằng tử.  Đã có sinh ắt phải có diệt.  Trong suốt quá trình sinh diệt đó, chỉ có một lối thoát: giữa xúc và thủ.  Đây là các nhân duyên sanh tử luân hồi của chúng sanh.

   Tuy nhiên Đức Phật cũng dạy về những lý duyên khởi siêu việt, cao thượng hơn.  Bắt đầu bằng khổ đế (dukkha).  Đó là sự tỉnh thức, tri kiến về những đau khổ không thể tránh đưọc trong cõi nhân sinh.  Khổ đế cần đưọc nhận thức đúng như thực tướng của nó, là bước khởi điểm của cuộc hành trình về tâm linh của ta.  Nếu chưa từng trãi qua khổ đau, ta không có lý do gì để tu tập.  Nếu ta không nhận thấy khổ đau hiện hữu trùm phủ trên tất cả vạn vật, ta sẽ không có ý muốn thoát ra khỏi sự trói buộc của khổ đau.  

   Khi đã nhận diện đưọc khổ đau, ta không còn tìm cách trốn chạy chúng trong những hoàn cảnh của thường tình thế tục.  Ta sẽ không ham muốn đưọc giàu sang hơn, đưọc nhiều kiến thức hơn, sở hữu nhiều của cải hơn, hay kết thêm bạn bè.  Thêm nữa, biết rằng ta không thể trốn tránh khổ đau vì nó đi đôi với sự hiện hữu trong cuộc sống, ta sẽ không thấy bị nó chế ngự.  Ví như ta đã chấp nhận sấm sét như một hiện tượng không thể trốn tránh -biết rằng phải có mưa, có sấm sét, ta mới có thể trồng trọt- vì thế không thể vứt bỏ chúng.  Cũng thế, ta không thể trốn tránh khổ đau.  Không có khổ đau, con người không thể hiện hữu.  Sẽ không có tái sinh, hoại, lão và tử.  Hiểu đưọc như thế, ta sẽ không còn tìm cách chạy trốn khổ đau.  Do đó ta sẽ bớt khổ đau.  Sự trốn tránh, chống đối khiến ta không thể chấp nhận khổ đau, và như thế lại càng làm ta đau khổ thêm bội phần.  

   Có khổ đau, ta mới có duyên tìm đến chánh Pháp, kinh điển Phật giáo.  Thật vậy, đó là do duyên lành của ta.  Có biết bao nhiêu chúng sanh chẳng bao giờ đưọc biết đến Phật pháp.  Ngay cả khi họ đưọc sinh ra ở những xứ sở Phật giáo, họ cũng chẳng có dịp nghe đưọc Pháp.  Lại cũng có người không tìm đến Phật pháp vì họ vẫn tin rằng có thể tìm ra lối thoát trong cõi thế tục, nhưng đó là một phương hướng sai lầm.  Nhưng ngay đối với những người không tin rằng có thể tìm đưọc chân hạnh phúc trong cõi thế tục, chính họ cũng cần phải có duyên lành, mới có thể đưọc nghe chánh Pháp.  Hiểu đưọc như thế, tín tâm mới có thể thành tựu.

   Tín tâm phải dựa trên sự tin tưởng, ủy thác.  Nếu không, con đường đạo sẽ bị bít lối.  Chúng ta tin tưởng, như đứa trẻ nắm tay người lớn băng qua đường.  Đứa trẻ tin rằng người thân của mình sẽ trông chừng xe cộ, để tránh tai nạn có thể xảy ra.  Vì đứa trẻ chưa đủ khả năng phán đoán lúc nào an toàn để qua đường, nó tin tưởng vào người có kinh nghiệm, từng trãi hơn.

   Đối với Đức Phật, chúng ta cũng giống như đứa trẻ kia.  Với tâm hồn ngây thơ, trong sạch của đứa trẻ, chúng ta hoàn toàn dựa vào giáo lý, phương pháp tu hành, nắm bàn tay của Chánh pháp để dìu dắt ta đi.  Cuộc sống và sự tu tập của ta sẽ trở nên đơn giản hơn khi ta không mãi lưỡng lự, cân nhắc: "Chắc tôi phải đi nơi khác xem người ta tu cách nào".  Có lựa chọn, cân nhắc mọi giải pháp, cũng chưa chắc là ta sẽ tu tập tốt hay sẽ thoát khỏi khổ đau.  Lòng tin chân thành nơi chánh Pháp sẽ giúp cho tâm ta thêm kiên định.  Rồi qua thực hành, ta mới có thể chứng nghiệm đưọc lời Phật dạy.  Nếu không, ta sẽ không bao giờ biết đưọc sự thật.

   Nếu ta cứ cố chấp xem đau khổ như một tai họa, trong ta sẽ không còn chỗ cho lòng tin.  Vì lúc nào ta cũng đầy đau khổ, phiền não, ta quên rằng tất cả là do nghiệp quả của ta mang đến, không có gì hơn.  Làm chúng sanh là phải thọ nghiệp báo của mình.

   Phải thấu hiểu bản chất của khổ đau thật rõ ràng, ta mới có thể tin vào những giáo lý mà ta chưa từng thực hành.  Niềm tin đó sẽ mang đến cho ta an lạc, trái lại con đường tu sẽ đầy khổ não.  Là một yếu tố quan trọng trong đời sống tâm linh, nhưng an lạc ở đây không có nghĩa là khoái lạc, hưng phấn, rộn ràng.  An lạc đem lại niềm vui, tự tại, vì ta biết rằng mình đã tìm ra con đường giải thoát mọi khổ đau.  Đôi khi người ta lầm tưởng rằng người thánh thiện, sùng đạo phải có vẻ mặt u buồn, dáng đi thiểu não.  Vậy mà không có ai ghi lại là Đức Phật đã từng khóc, trái lại Ngài luôn đưọc minh họa với nụ cười luôn ở trên môi.  "Thánh thiện'  không có nghĩa là sầu não, mà có nghĩa là 'trọn vẹn'.  Không có niềm vui, thì khó có thể có tự tại, tròn vẹn.  Niềm vui nội tâm hàm chứa lòng tin tưởng rằng con đường chúng ta chọn không sai lầm, con đường đó sẽ mang đến thành tựu đạo quả qua các phương pháp chánh đáng.

   Chúng ta cần phải ngồi xuống chiếu thiền với niềm vui trong lòng.  Như thế thì tất cả quá trình hành thiền sẽ đưọc kết quả tốt đẹp.  Sẽ mang đến cho chúng ta sự tự tại, vì ta không còn đôn đáo tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài ta, mà nương trú nơi chính bản thân.  Không cần phải tìm kiếm nơi đâu, không phải nhọc sức làm gì, tất cả đều ở trong ta.  Sự bình lặng đó mang đến cho ta cảm giác có mặt đúng lúc, đúng nơi.  Nó khiến tâm an tịnh, và từ đó diệt bỏ đưọc lòng hoài nghi (vicikiccha).

   Sự bình lặng khiến cho tâm dễ nhập định.  Chính khổ đau giúp ta tìm đưọc đúng đề mục thiền quán, nếu ta thực sự hiểu đưọc tính chất của khổ đau.  Ta không nên trốn chạy khổ đau, coi nó như một số phận nghiệt ngã hay oán trách người khác đã gây ra đau khổ cho mình.  Chánh định giúp tâm thêm rộng mở.  Trong khi tâm cố chấp, nhỏ hẹp, ô nhiễm khó thể thâm nhập pháp vi diệu.  Nó có thể linh cảm có cái gì đó siêu việt hơn cái đang cóù, nhưng không thể nào đến đưọc đó.  Trừ khi tâm đã đưọc an định.  

   Tâm định lúc đó có thể "tri kiến đưọc thể tánh như như của sự vật", một câu nói Đức Phật thường dùng để diễn tả một cách nhìn sự vật rất khác với cái nhìn sự vật bằng con mắt xét đoán hay bằng sự ao ước chúng phải như thế này,thế kia.  Cho đến giờ phút này, chúng ta đã có khái niệm rõ ràng về những điều ta không thích, như những lúc sự việc xảy ra làm sụp đổ niềm tin về tự ngã, những lúc cái ta không muốn lại xảy ra cho ta.  Nhưng khi đã biết nhìn và hiểu sự vật bằng chính bản thể của nó, trí tuệ của ta sẽ trở nên sâu xa hơn.  Chúng ta sẽ nhận ra rằng trong thế giới của vô thường, khổ đau và vô ngã, ta không thể nắm giữ điều gì, không có gì bền vừng mãi, và có thể đem lại hoàn toàn thoả mãn cho ta.  Không có ai, không có của cải, không có suy tưởng, không cảm thọ nào cả.  Tất cả không có gì bền vững, chắc chắn để ta có thể nương tựa vào.  

   Đó là chánh kiến, khác hẳn với cái nhìn bình thường hằng ngày.  Nó là kết quả của chánh định, từ thái độ không coi đau khổ như thù địch, tiêu cực.  Vì khi ta tìm cách thoát khỏi đau khổ bằng cách cố quên nó, trốn chạy nó, đổ lổi cho người khác, buồn phiền vì nó, hay tự trách mình, chúng ta chỉ tạo thêm đau khổ.  Tất cả những cách đó đều chỉ là tự dối mình.  "Nhìn sự vật đúng như bản thể của chúng" là bước khởi đầu trên con đường đạo của nội tâm; còn lại tất cả chỉ là những công tác chuẩn bị.

   Đôi khi sự hiểu biết của ta có thể ví như những bức tranh bí mật trẻ con thường chơi.  Có lúc bạn thấy nó, có lúc không.  Khi có đưọc tri kiến về bất cứ khía cạnh nào của Pháp, ta phải thường quán chiếu trở lại tri kiến đó.  Nếu thật sự có đưọc tri kiến đó, đau khổ không còn làm đau đớn được ta, ta chấp nhận chúng như mọi việc khác đã xảy đến cho ta.  Sự lão hoại, bịnh hoạn, chết chóc không còn làm ta phải sợ hãi nữa.  Còn gì nữa để sợ khi ta biết rằng tất cả vạn vật đều hoại diệt không ngừng.  Thân ta ngày một hoại, tâm thì thay đổi từng phút giây.

   Không có tri kiến về thực tại này, việc thực hành của ta không đưọc dễ dàng.  Ngược lại với tri kiến sáng suốt, việc thực hành của ta trở nên là điều duy nhất ta thấy cần phải làm.  Mọi thứ khác đều tạm bợ, đều làm ta sao lãng việc thực hành.  Nhờ có tri kiến sáng suốt đó, ta mới khởi đưọc lòng nhàm chán đối với mọi quyến rủ của cuộc đời.  Tất cả những hào nháng chỉ là thỏi vàng tầm thường của kẻ ngu, đem lại hạnh phúc cho ta phút này, thì phút sau đã đem đến bất hạnh.  Các cảnh trần trên thế gian dễ đánh lừa ta, nhưng ta vẫn đeo bám theo chúng, do tập khí lâu đời mà ra.   Vì thế ta sẽ tiếp tục chịu khổ đau cho đến khi ta nhìn ra đưọc sự thật.

   Ở Úc có một tấm biển đề: "Cuộc sống:  Hãy hòa nhập vào đó".  Có lẽ tốt hơn nên đề: "Cuộc Sống:  Hãy xa rời nó".  Cuộc sống và sự hiện hữu của ta bị trói buộc bởi những chuyển biến không ngừng của các trần cảnh -khi căn tiếp xúc với trần: nghe, thấy, nếm, xúc, tưởng.  Chỉ khi nào ta đã có đưọc cái nhìn rõ ràng về sự vật, ta mới biết nhàm chán, khi ấy dù cho cảnh trần có tuyệt vời đến đâu, cũng không lay chuyển đưọc ta.  Quỷ Ma Vương, kẻ dụ ta làm điều tội lỗi, sẽ phải bó tay, vì ta đã đuổi đưọc hắn ra khỏi cửa.  Nhưng hãy nhớ, hắn sẽ đợi ngoài cửa ngõ, rình chờ cơ hội đầu tiên để có thể xuất hiện trở lại,  điều ấy có thể lắm chứ, nhưng chắc rằng hắn sẽ không bao giờ có thể ung dung tự tại bước vào nhà ta nữa.

   Tri kiến này mang đến cho ta bao niềm tin, khiến lòng ta cảm thấy mãn nguyện nhường bao.  Ta sẽ khó thể bị lôi kéo khỏi con đường tu tập của mình.  Khi Ma Vương còn ở bên cạnh ta, ta còn chưa đưọc hoàn toàn bình an.  Ta còn phải lo sợ với những điều mới lạ khác có thể rù quến đưọc ta.  Tuy nhiên khi đã có đưọc cái nhìn rõ ràng về sự thật của mọi vật, ta sẽ có đưọc lòng nhàm chán, ta sẽ nhận ra con đường Đức Phật dẫn dắt ta đến tự tại, bình an, tận diệt mọi khổ đau.

   Thực ra khổ đau chính là người bạn thân thiết nhất, trung thành nhất.  Ta khó lòng tìm đưọc người bạn nào có thế giúp ích đưọc ta nhiều như thế, nếu ta có cái nhìn đúng đắn về khổ đau, không chống cự, không phản kháng lại nó.  Lúc ấy ta có thể dùng khổ đau làm lực đẩy để ta tu tập, trân trọng, biết ơn mỗi khi nó dấy khởi.  Điều đó khiến nỗi đau của ta không còn sắc bén, mà khổ đau đã đưọc chuyển hóa thành những kinh nghiệm quí báu nhất của chúng ta.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8064_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét