PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010
Xây Dựng Nền Tảng
Trong các bài giảng của Đức Phật, ta thường nghe thấy rằng 'tâm dễ uốn nắn, dễ thay đổi, dễ sử dụng nhưng cũng rất kiên định’. Làm sao tâm lại có thể có những đặc tính như mâu thuẩn nhau? Tâm của kẻ phàm phu, không biết tu lại có đặc tính cố chấp. Lúc nào nó cũng nhớ về những tổn thương, đau khổ, lúc nào cũng so sánh quá khứ với hiện tại, và luôn chấp chặt vào các khổ đau. Hơn thế nữa, chúng ta phần đông đều tin vào những suy nghĩ, các dự tính tràn đây trong tâm. Tâm chúng ta giống như bị rào bó trong một cái khung, trong đó chứa đựng tất cả những hiểu biết của chúng ta.
Có bao giờ ta nghĩ ra đưọc điều gì mới mẻ không, điều gì chưa từng đi qua tâm trí ta? Có lần nào ta chiêm nghiệm đưọc một chân lý vũ trụ? Nếu không có những sự kiện đó, tâm ta khác nào một cây kim quay mòn trên cái đĩa hát cũ, cứ chơi mãi một điệu nhạc nhàm chán ngày này qua tháng nọ.
Khi ta có thể chú tâm, ngưng suy nghĩ lung tung, ta mới có thể biết đưọc sự trong sáng của tâm. Lúc đó tâm có thể đưọc uốn thành một hình dáng mới thay vì chỉ cứng nhắc một khuôn mẫu cũ. Chỉ khi nào ta phát hiện ra đưọc điều gì hoàn toàn mới trong tâm, ta mới biết đưọc rằng tâm có khả năng suy nghĩ khác trước.
Ta nên thận trọng đối với những suy tưởng diễn ra suốt ngày trong tâm, vì chúng không có nền tảng đích thực; chúng chỉ là những bóng ảnh của bản ngã, của lòng tham muốn, và thói quen từ bao đời của ta. Chúng không dựa vào chân lý tuyệt đối. Nói thế không có nghĩa là ta có thể vứt bỏ chúng ngay, nhưng ta cần thận trọng đối với chúng. Chúng chỉ là những thói quen, chẳng tốt đẹp gì, chẳng dẫn đưa ta đến bình an, hạnh phúc.
Khi chúng ta chánh niệm hơn với những suy nghĩ của mình, ta sẽ kinh nghiệm đưọc thế nào là sự kiểm soát những cái ta nghe, ta nhìn, ta cảm xúc -- ta có sự khám phá của trẻ thơ, dưới trí tuệ của người lớn. Tâm trẻ con không hoàn toàn trong sạch như ta nghĩ, nhưng chúng cảm nhận sự vật trực tiếp, không bị ảnh hưởng của những suy nghĩ như người lớn. Một khi đã trưởng thành, ta vẫn có thể cảm nhận sự vật như trẻ con, như thể ta chưa từng nghe, chưa từng thấy, nếm, xúc chạm hay nghĩ tưởng về điều đó bao giờ. Với cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về các xúc cảm của mình, ta có thể nhận chân đưọc sự thật như như - dầu chỉ là trong thoáng chốc.
Khi chúng ta chú tâm, chánh niệm, ta có thể nhận thấy rằng tâm bị chi phối bởi các thói quen thường nông nổi, thiếu trưởng thành, ngây ngô chứ không phải ngây thơ. Ta cũng sẽ nhận thấy là tâm có khả năng thay đổi, dễ uốn nắn. Biết đưọc như thế là ta đã biết đưọc con đường trở về với nội tâm.
Đức Phật đã so sánh tâm với vàng. Khi còn ở trạng thái thô ráp, chưa qua toi luyện, trong kim loại bằng vàng này còn có năm thứ kim loại khác. Những cặn bã này làm cho nó dòn, dễ vỡ, vì thế người thợ trang sức trước hết phải đun nóng vàng lên, để những chất cặn bả có thể đưọc chiết lọc ra. Rồi người thợ đó sẽ dùng các dụng cụ của mình để uốn nắn vàng thành đủ loại trang sức. Đức Phật đã dùng truyện ngụ ngôn này để chỉ về năm chướng ngại trong tâm ta: đó là tham, sân, trạo cữ, hôn trầm và mạn nghi.
Tâm có thể giúp ta đạt đưọc Giác Ngộ, nếu nó đã diệt trừ đưọc năm chướng ngại đó, và trở nên trong sạch như vàng ròng. Lúc đó ta sẽ tìm đưọc sự bình an cho tâm, và sống hòa hợp với mọi người chung quanh.
Quá trình tu tập thiền định có thể giúp ta kinh nghiệm đưọc nhiều trạng thái của tâm thức, không giống như tâm bình thường ta hằng biết. Ý niệm về vô ngã hẳn là rất khác với những ý niệm ta đã từng biết. Nếu ta đưọc nghe nói nhiều về vô ngã, ta có thể tạm biết về nó, nhưng sẽ không có gì thay đổi ở nội tâm nếu ta không thực sự thực tập vô ngã. Nếu bất cứ điều gì phát khởi trong tâm, ta đều đối mặt với nó như thể ta chưa từng thấy hay nghe về điều đó trước đây, thì -dù chỉ trong phút chốc, khi tâm hoàn toàn chìm sâu trong thiền định- mọi tập khí cũ sẽ tiêu tan.
Nếu ta không thể chuyển hóa, làm mới tâm, thì suốt đời ta chỉ lẩn quẩn với tâm cùn cụt. Nó cũng chỉ luôn là "cái tôi và những gì tôi muốn", hay 'cái tôi và những gì tôi không muốn'. Tâm hạn hẹp, tham lam đó không lợi ích gì cho hạnh phúc và an vui. Vì cái tôi mới nhỏ bé làm sao! So với vũ trụ bao la này, nó chưa bằng một đầu kim. Hãy luôn nhớ như thế để hạn chế sự bành trướng của cái ngã.
Khi nào ta có một sáng kiến hoàn toàn mới, một điều ta chưa bao giờ nghĩ đến, tâm ta theo đó cũng đưọc phát triển. Sự mới mẻ đó đưọc coi là tri kiến. Tuy nhiên nếu điều ta tri kiến đưọc không ảnh hưởng gì đến hành động, tư tưởng của ta, có nghĩa là ta đã không thực sự hiểu ý nghĩa của nó, hay có hiểu cũng chỉ là một tri thức vô dụng.
Tâm phóng khoáng có thể quan sát mọi sự vật quanh mình một cách khách quan. Phiền não, vô thường và vô ngã là những định luật tự nhiên trong vũ trụ, cũng như ái và các chấp thủ khác. Khi chúng ta nhớ đưọc điều đó, những gì ta đã trãi qua không còn là của riêng ta, không còn đầy kịch tính nữa. Trái lại, ta cần nhớ đến sự bao trùm của vạn pháp, đến thực tại tương đối mà ta sống trong đó. Cho đến lúc đó - cho đến khi ta có thể nhận biết và chuyển hóa cách suy nghĩ, hành động của ta- nếu không ta khó thể bước chân vào thế giới của các chứng nghiệm mới.
Tâm dễ chuyển hóa phóng khoáng, có thể thay đổi, dễ dàng chấp nhận tất cả pháp. Mỗi khi ta nhận biết đưọc một chuyển đổi mới nào trong tâm, ta cần phải duy trì, ghi nhớ để có thể biến chúng thành quán tính, một bản năng. Một trong những dấu hiệu của các chuyển đổi đó là sự bớt đòi hỏi các tiện nghi, bớt quan tâm tới của cải, bớt ham muốn hay cố chấp. Thay vào đóù ta lại suy nghĩ xem có thể bố thí những gì, làm sao để phát triển đạo tâm, để tạo các nghiệp thiện. Tiến sâu hơn nữa, ta có thể tập từ bỏ làm một cá thể riêng biệt, mà hãy là một phần của vạn vật quanh ta, dù chỉ trong chốc lát. Vì khi ta còn bị vướng mắc vào sự phân biệt thân tâm của mình, ta khó tìm đưọc chân hạnh phúc. Là ta tự giam mình trong ngục tù của 'tự ngã', chờ đợi ai đó giải thóat cho chúng ta. Trong khi chìa khóa nằm trong lòng bàn tay của ta.
Các phiền não ràng buộc tâm ta bằng những lậu hoặc sâu dầy, nhưng nếu chính ta không tự nhận biết như thế, thì sẽ không có sự thay đổi nào có thể xảy ra. Chúng ta không thể chờ đợi người khác giải phóng cho tâm trí mình. Sự giải thoát (mobbama) và bánh xe luân hồi (samsara), cả hai đều ở trong tim ta. Đôi khi, trong những giây phút ta tạm quên cái ngã của mình, khi ta hoàn toàn không quan tâm lo cho chính mình, ta có thể kinh nghiệm thoáng qua trạng thái của Niết bàn: đó là lúc 'cái tôi' của ta không còn quan trọng nữa, khi ta không có một định kiến nào trong đầu, khi chỉ có sự tỉnh thức mà không có chút tham ái nào. Lúc đó có thể ta mới ý thức tự ngã không phải là cái gì ta tưởng nghĩ, và diệt bỏ nó.
Đối với đa số chúng ta việc diệt bỏ cái ngã không phải là chuyện dễ làm, vì ta sẽ nghĩ rằng chính ta tự đánh mất mình khi không có tự ngã. Trong khi thực ra là chúng ta có đưọc tất cả -mọi giáo lý tâm linh đều đồng ý trên điểm đó. Bất cứ thứ gì ta sử dụng để xác định mình đều là tù ngục của chính ta. Buông bỏ là giải thoát. Khi chúng ta kinh nghiệm đôi phút giây của buông xả, ta thường nhầm lẫn đó là do hoàn cảnh hay người nào đó đã đem lại cho chúng ta. Thực ra, bất cứ khi nào chúng ta diệt bỏ được các chấp thủ, ta sẽ đưọc gỉai thoát. Hãy nhường nhịn đôi chút, hãy buông bỏ đôi điều, đó là ánh sáng le lói ở cuối đường hầm, để báo hiệu cho ta biết sự tự do, giải thoát là có thật.
Niết bàn và luân hồi đều ở trong tâm. Luân hồi khổ ải có mặt khi ta còn có ý thức về ngã, và Niết bàn, chân hạnh phúc sẽ phát khởi khi ta có thể diệt trừ ngã chấp. Không có gì trên thế gian này -của cải vật chất, vinh quang, sự tán thưởng, danh vọng, tiếng tăm hay trí tuệ- có thể mang đến cho ta sự tự do và bình an vô hạn như thế.
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8064_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét