Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Chuyển hóa phiền giận, sống đời an vui

Thich_Nhat_Hanh

Dưới đây là một bài Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh tại trường trung học Kenmore, Arlington, Virginia, Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 10 năm 1997.

Xin mời quý vị thở theo tiếng chuông. Trong khi các thầy và các sư cô niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta không cần niệm theo. Chúng ta chỉ cần thở những hơi thở cho dài, cho sâu, để cho năng lượng của đức Bồ Tát Quán Thế Âm đi vào trong người của chúng ta, và chúng ta sẽ được bảo hộ bởi năng lượng đó. Mỗi khi nghe tiếng chuông, chúng ta thực tập thở vào và thở ra có ý thức. Thở vào, tôi biết là tôi đang còn sống. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi. Breathing in, I know that I am alive. Breathing out, I smile to live within me and around me. Thở vào, tôi biết là tôi đang có mặt. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống. Mỗi khi nghe tiếng chuông, chúng ta hãy thở như vậy và cảm thấy mình đang thật sự có năng lượng của sự sống trong mình. Những bài kệ chuông mà chúng ta sẽ thực tập đều bằng tiếng Việt. Sư chú Pháp Hiền sẽ đọc bằng tiếng Anh. Thầy Pháp Niệm sẽ xướng lên bằng nhạc điệu cổ truyền tiếng Việt. Mỗi khi nghe tiếng chuông, chúng ta thở vào, thở ra có ý thức. Chúng ta biết rằng chúng ta đang có mặt, và chúng ta mỉm cười mỗi khi thở ra. Sau khi đã thực tập những bài kệ nghe chuông, chúng ta sẽ lắng nghe danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta không cần phải niệm theo. Chúng ta chỉ cần thở và lắng nghe để cho năng lượng của đức Bồ Tát đi vào cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Khi quý vị nghe tới danh hiệu Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, quý vị có thể chắp hai tay lại.

Những bài kệ chuông tiếng Việt và Anh ngữ:

Body, speech, and mind in perfect oneness.
I send my heart along with a sound of the bell.
May the hearers awaken from forgetfulness and transcend the path of anxiety and sorrow.

Ba nghiệp lắng thanh tịnh. Gửi lòng theo tiếng chuông.
Nguyện người nghe tỉnh thức. Vượt thoát nẻo đau buồn.

Listen, listen. This wonderful sound of the bell brings me back to my true home.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe.
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

May the sound of this bell penetrate deeply into the cosmos.
Even in the darkest places, may living beings hear it clearly
So that understanding comes to their heart
And without hardship, they transcend the path of sorrow and anxiety.

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới.
Khắp nơi u tối mọi loài nghe.
Siêu nhân vượt thoát vòng sanh tử.
Giác ngộ tâm tư một hướng về.

Listening to the bell, I feel the affliction in me begin to dissolve.
My mind becomes calm, my body relaxed
And the smile is born on my lips.
Following the sound of the bell, my breath guides me back to the safe island of mindfulness.
In the garden of my heart, the flower of peace blooms beautifully.

Nghe chuông phiền não tan mây khói.
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười.
Hơi thở nương chuông về chánh niệm.
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.

The universal dharma door is opened.
The sound of the rising tide is clear, and the miracle happens.
A beautiful child appears in the heart of the lotus flower.
A single drop of the compassionate water is enough to bring back the refreshing springs to the mountains and rivers.
Namo Avalokitesvara. (3 times)

Phổ môn vọng tiếng triều dâng.
Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen.
Cam Lộ một giọt tưới lên.
Xuân về trên khắp mọi miền núi sông.
Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm (3 lần)

Kính thưa quý vị, có những ngày chúng ta cảm thấy là chúng ta không được may mắn. Có thể là vì chúng ta vụng về hay là chúng ta thiếu sự chú ý, cho nên vô tình mà chúng ta gây ra những lầm lỡ. Chúng ta nói những câu làm cho người kia đau buồn mà thực sự ta không muốn nói những câu như vậy. Chúng ta làm những cử chỉ làm cho người kia đau buồn, nhưng thực sự chúng ta không muốn làm những cử chỉ như vậy. Chúng ta có đủ thông minh. Chúng ta có dư thông minh để biết rằng nếu chúng ta đã nói những điều như vậy, nếu chúng ta đã làm những điều như vậy, thì chúng ta sẽ gây đổ vỡ trong chúng ta, và giữa chúng ta với người chúng ta thương. Nhưng mà sự thực là chúng ta đã làm cái điều đó, và chúng ta đã nói những điều đó, và chúng ta đã gây nên những đổ vỡ.

Sau khi sự đổ vỡ đã gây ra rồi, chúng ta rất hối hận. Không biết ma xui quỷ khiến gì mà hôm đó mình nói câu đó, và mình làm điều đó. Mình rất giận mình, và mình rất thành thật hối cải. Mình nói rằng kỳ sau nhất định mình sẽ không nói những câu như vậy nữa, kỳ sau mình nhất định không làm những hành động như vậy nữa. Chúng ta rất thành thật là có tổ tiên, có Bụt, có các vị Bồ Tát chứng giám. Chúng ta rất thành khẩn. Chúng ta rất thành thật với mình. Chúng ta quyết tâm rằng lần sau nhất định sẽ không nói như vậy nữa, sẽ nhất định không làm như vậy nữa.

Nhưng mà cái ngày xui nó đến. Chúng ta lại nói lại những câu như vậy, và chúng ta sẽ làm lại những điều mà chúng ta đã làm, và chúng ta đau khổ nữa. Ðiều này xảy tới rất nhiều lần. Có khi chúng ta thất vọng. Chúng ta nghĩ rằng cái lực lượng ma quái đó ở trong ta nó xúi chúng ta nói những câu như vậy, nó xúi chúng ta làm những hành động như vậy, để chúng ta gây đổ vỡ ở trong gia đình của chúng ta. Chúng ta gây đổ vỡ giữa ta và người chúng ta thương. Tiếng Anh nói là "It's stronger than me". Cái ma quái đó ở trong đạo Bụt gọi là tập khí. Tập khí là một năng lượng của thói quen. Năng lượng đó có thể đã được trao truyền từ những thế hệ tổ tiên, qua cha mẹ, và đến chúng ta. Cái năng lượng đó ghê gớm lắm.

Cố nhiên tổ tiên và cha mẹ đã trao truyền cho chúng ta những năng lượng tốt, những tài năng, những hạnh phúc, những đức hạnh. Nhưng tổ tiên và cha mẹ cũng đã trao truyền cho chúng ta những năng lượng tiêu cực, những tập khí xấu, những thói quen xấu. Và nếu chúng ta không có khả năng nhận diện được năng lượng tiêu cực đó, thì những năng lượng đó tiếp tục xúi ta, thúc đẩy ta làm những điều mà ta không thực sự muốn làm, nói những điều mà ta không thực sự muốn nói. Chúng ta đã biết rằng hễ nói điều đó hoặc làm điều đó là chúng ta gây đổ vỡ. Vậy mà chúng ta vẫn cứ đã nói, vẫn cứ đã làm. Vì vậy chúng ta nên biết rằng cái lực lượng ma quái đó mạnh hơn chúng ta.

Ðức Thế Tôn có dạy rằng chúng ta phải tu tập để có được một năng lượng thứ hai, một năng lượng mới có khả năng nhận diện được năng lượng của tập khí. Mỗi khi ta nhận diện được năng lượng ma quái kia, thì năng lượng kia không tác yêu tác quái được. Nếu chúng ta không thực tập thì thôi. Nếu chúng ta thực tập, thế nào chúng ta cũng đạt được cái kết quả là chúng ta sẽ làm chủ được tình trạng, và chúng ta sẽ không để cho cái năng lượng ma quái kia xúi đẩy chúng ta nói và làm những điều chúng ta không muốn nói và không muốn làm.

Có một anh thiền sinh Hoa kỳ qua Làng Mai tu tập cách đây mười năm. Anh ta qua khóa tu mùa đông, rồi anh ta qua khóa tu mùa hè. Trong khóa tu mùa hè anh ta ở trên Xóm Thượng và đã thực tập ba tuần lễ rất hạnh phúc. Trên Xóm Thượng có rất nhiều thầy, rất nhiều sư chú, và có một số các cư sĩ, trong đó có các vị đã thọ giới Tiếp Hiện, các vị giáo thọ. Trong ba tuần lễ, anh thực tập rất hạnh phúc vì ngày nào cũng được đi thiền hành, cũng ăn cơm trong chánh niệm, cũng tập thở, cũng làm việc trong bếp trong chánh niệm, cũng nấu cơm, cũng rửa bát, cũng quét nhà giống hệt như các thầy và các sư chú, và các thiền sinh khác. Chung quanh anh ta có các vị xuất gia và các vị tại gia thực tập rất vững chãi, đi đứng trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, ăn uống trong chánh niệm, cho nên anh ta được thừa hưởng cái năng lượng tập thể đó. Vì vậy cho nên anh ta rất có hạnh phúc. Tới tuần thứ tư, anh được các thiền sinh bạn người Mỹ phái anh đi chợ để mua thức ăn về nấu một món để cúng tổ tiên.

Tại Làng Mai mỗi mùa hè chúng tôi có tổ chức một lễ gọi là lễ Tạ Ơn, "Thanks Giving day" theo kiểu Phật giáo. Trong ngày lễ Tạ Ơn đó chúng ta tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy, bạn bè, và tất cả mọi loài chúng sanh, cây cỏ, và đất đá. Tứ ân là ơn cha mẹ tổ tiên, ơn thầy, ơn bạn, và ơn chúng sanh. Bàn thờ là bàn thờ chung. Thiền sinh mỗi nước tụ tập nhau lại để bàn cách nấu một món có vẻ quốc hồn quốc túy và đặt lên trên bàn thờ để cúng. Thiền sinh Hòa Lan nấu món Hòa Lan. Thiền sinh Pháp nấu món Pháp. Cố nhiên thiền sinh Mỹ nấu món Mỹ. Anh thiền sinh Hoa Kỳ đó được lệnh đại diện những thiền sinh Mỹ đi ra chợ của thành phố Saint Foy-La-Grande để mua đồ.

Trong khi anh đang đi mua đồ ăn ở ngoài chợ, tự nhiên có một năng lượng tiêu cực phát hiện. Năng lượng đó là cái năng lượng vội vã, hấp tấp, bất an, vụt chạc. Lạ quá. Trong ba tuần lễ mình ở trong Làng, mình thực tập, chưa bao giờ cái năng lượng nầy trào lên hết. Bây giờ mới đi ra ngoài chợ có nửa giờ đồng hồ, cái năng lượng vụt chạc, hấp tấp, bất an đã phát hiện. Nhưng lần này, anh đối xử khác tại vì trong ba tuần lễ anh ta đã thực tập chánh niệm, theo dõi hơi thở, bước những bước đi thiền hành có ý thức. Vì vậy anh ta có được một ít năng lượng gọi là năng lượng chánh niệm, the energy of mindfulness, và nhờ đó cho nên anh ta nhận diện được cái năng lượng tiêu cực kia, cái năng lượng vội vã, vụt chạc, hấp tấp, bất an ở trong anh. Và anh ta phát giác ra rằng anh ta có một tuệ giác: đây là năng lượng của má anh trao truyền cho anh vì má anh luôn luôn là như vậy. Má anh luôn luôn vội vã, vụt chạc, hấp tấp, bất an. Anh đã thừa hưởng cái năng lượng tiêu cực đó của mẹ. Khi anh thấy được điều đó, anh ta bắt đầu thở vào, thở ra có ý thức, và anh ta gọi tên má anh. Anh ta gọi "Hello mommy, I know you are there" thì tự nhiên cái năng lượng hấp tấp, bất an đó biến mất. Và từ đó trở về sau anh ta cẩn thận. Anh ta bước những bước rất là vững chãi. Anh ta theo dõi hơi thở. Từ lúc đó cho đến khi mua thức ăn xong và lên xe trở về, năng lượng tiêu cực đó không phát hiện lại một lần nào nữa cả.

Qua câu chuyện đó chúng ta học được cái gì? Trong người của chúng ta cái năng lượng tiêu cực có thể đã được các thế hệ cha mẹ trao truyền lại. Năng lượng đó là một năng lượng lâu đời, và vì vậy nó âm thầm chi phối cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta không nhận diện được nó thì nó tiếp tục tác yêu tác quái và xúi xử chúng ta làm những điều chúng ta không muốn làm, nói những điều mà thật sự chúng ta không muốn nói. Và chúng ta gây đổ vỡ.

Phương pháp là phải tu tập để có một năng lượng mới để có khả năng nhận diện được cái năng lượng cũ. Và mỗi khi nhận diện được như vậy rồi, năng lượng cũ không làm được gì mình nữa hết. Muốn có cái năng lượng mới đó, năng lượng chánh niệm, chúng ta phải biết tập đi thiền hành, đi mà ý thức được từng bước chân. Chúng ta phải tập thở chánh niệm, thở vào biết rằng chúng ta đang thở vào, thở ra biết là chúng ta đang thở ra. Mỗi động tác của chúng ta hằng ngày, chúng ta biết và chúng ta thấy rõ các động tác đó. Khi ăn thì mình biết là mình đang ăn. Khi ngồi mình biết là mình đang ngồi. Chánh niệm là cái năng lượng giúp cho mình biết được cái gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Tiếng Anh gọi là mindfulness. Mindfulness is the kind of energy that helps us to know, to be aware of what is going on in the present moment.

Ví dụ tôi đang uống nước. Nếu trong khi uống nước mà tôi biết rằng tôi đang uống nước thì lúc đó là tôi có chánh niệm. Nếu trong khi uống nước mà không biết mình đang uống nước, tâm mình để ở chỗ khác, tâm mình bị quá khứ kéo đi, hay bị tương lai kéo đi, hay bị những lo lắng, sầu muộn kéo đi, thì mình uống nước mà không biết là mình đang uống nước. Ðó gọi là thất niệm. Thất niệm là mất chánh niệm. Thất niệm tiếng Anh gọi là forgetfulness. Trái lại nếu trong khi uống nước mà mình biết là mình đang uống nước, lúc đó chánh niệm có mặt. Ðó gọi là uống nước có chánh niệm. Tiếng Anh gọi là mindful drinking. Trong khi mình đi có chánh niệm thì gọi là mindful walking. Trong khi mình thở, nếu có chánh niệm, thì gọi là mindful breathing. Và người tu là phải thực tập mindfulness, nghĩa là phải có chánh niệm trong khi đi, trong khi đứng, trong khi ngồi, trong khi làm việc.

Có một lần có một nhà triết học đến thăm đức Thế Tôn và ông ta hỏi Bụt như thế nầy: "Thưa ngài, giáo lý của ngài đặc biệt ở chỗ nào?" Và sau khi hỏi câu đó thì ông muốn hỏi một câu chắc ăn hơn "nghĩa là mỗi ngày thì quý vị làm gì ở trong tu viện Kỳ Viên nầy? What do you do exactly during the daily life in the bamboo ground?". Ðức Thế Tôn mỉm cười. Ngài nói rằng: "Thì chúng tôi cũng đi, cũng đứng, cũng nằm, cũng ngồi, cũng giặt áo, cũng rửa bát". Nhà triết học đó nói: "Như vậy thì có khác gì chúng tôi đâu. Ngoài đời thì chúng tôi cũng đi, đứng, nằm, ngồi, nấu cơm, rửa bát". Ðức Thế Tôn nói "Khác, khác nhau nhiều lắm, tại vì trong khi chúng tôi đi, chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đi; khi chúng tôi ngồi, chúng tôi biết chúng tôi đang ngồi; khi chúng tôi đứng, chúng tôi biết chúng tôi đang đứng; khi giặt áo, chúng tôi biết chúng tôi đang giặt áo. Tâm của chúng tôi hoàn toàn để ở nơi giây phút hiện tại, trong khi ở ngoài đời thì người ta sống không phải như vậy".

Nghĩa là theo lời đức Thế Tôn người tu sống trong chánh niệm, người không tu thường thường sống trong thất niệm. Khi mình biết sống trong chánh niệm, mình sẽ sống từng giây phút của đời sống hiện tại sâu sắc. Ví dụ mình đang được ngồi ăn cơm với những thành phần khác của gia đình mình. Trong khi ăn cơm mình chỉ ăn cơm thôi. Mình không để trí óc mình suy nghĩ vẩn vơ, lo buồn, giận ghét, và những chuyện khác. Trong khi ăn cơm, mình chỉ chú ý tới thức ăn và tới những người thân đang ngồi quanh bàn ăn mà thôi. Tâm của mình không rong ruổi về quá khứ, không phiêu lưu trong tương lai, không bị cái giận, cái hờn, cái vọng động, hay những dự án xa vời kéo mình đi. Mình thật sự an trú trong hiện tại. Establish yourself in the present moment. An trú trong giây phút hiện tại, dwelling peacefully in the present moment, là sự thực tập của chúng ta.

Nếu trong bữa cơm gia đình mà quý vị có thể an trú trong hiện tại, quý vị chú ý tới thức ăn và những người thân chung quanh, thì cái hạnh phúc của bữa cơm sẽ tăng tiến gấp 10 lần hoặc là 20 lần. Nếu khi chúng ta ngồi ăn cơm với nhau mà tâm của chúng ta rong ruổi, chúng ta không có mặt tại đó, thì bữa cơm đó không có giá trị, và chất lượng của hạnh phúc rất là thấp. Cũng như khi chúng ta uống trà với người bạn từ phương xa mới tới. Chúng ta pha một bình trà rất ngon, rất quý, và hai người bạn ngồi đối diện nhau. Ðiều kiện căn bản để hai người có hạnh phúc là sự có mặt của nhau. Tôi hoàn toàn có mặt, và anh cũng hoàn toàn có mặt. Thân và tâm của tôi hợp nhất. Thân và tâm của anh cũng hợp nhất. Và chúng ta thiết lập sự có mặt của chúng ta vững chãi trong giây phút hiện tại. Lúc đó chén trà mà tôi pha mới có cái giá trị của nó. Còn nếu tôi suy nghĩ, lo lắng, giận hờn, buồn bã, trách móc, anh cũng đang suy nghĩ, lo lắng, giận hờn, buồn bã, trách móc, thì sự có mặt của tôi đối với anh không có nghĩa gì cả, và chén trà mà tôi dâng lên cho anh nó cũng không có nghĩa gì cả. Do đó thiết lập sự có mặt của mình một cách vững chãi trong giây phút hiện tại là điều kiện căn bản nhất của hạnh phúc.

Chánh niệm là năng lượng giúp ta có mặt một cách đích thực trong giây phút hiện tại. Và khi chúng ta đã có mặt đích thực trong giây phút hiện tại rồi thì chúng ta có thể nhận diện được bất cứ cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Ví dụ như khi chúng ta đang đứng ngắm trăng tròn vừa mới lên cùng với một số các bạn ta. Mặt trăng rất tròn, rất tươi mát, rất đẹp. Nhưng nếu chúng ta không có mặt thật sự, nghĩa là tâm của chúng ta không có đó, chúng ta đang lo lắng về tương lai hoặc sầu muộn về quá khứ, thì mặt trăng mầu nhiệm đó không phải là cho ta. Những người khác, vì họ không lo lắng, vì họ có mặt thật sự, cho nên họ có thể tiếp xúc với mặt trăng một cách sâu sắc, và mặt trăng là mặt trăng của họ. Còn về ta, ta đang lo lắng, đang sầu khổ, cho nên ta không tiếp xúc được với mặt trăng.

Món quà quý giá nhất mà mình có thể tặng cho người thương của mình là món quà gì? Theo tôi món quà đó là sự đích thực có mặt của mình. Nếu mình thương mà mình không có mặt cho người đó thì mình đâu có thương được. How can you love if you are not there? Mình có thể đi làm đem về rất nhiều tiền cho người kia, nhưng mà không bao giờ có mặt cho người đó. Cái đó không phải là thương. Thương nghĩa là hiến tặng cho người mình thương sự có mặt của mình. Tôi nhớ có một cậu bé mười hai tuổi. Có một hôm bố nó nói: "Mai là ngày sinh nhật của con, con muốn cái gì bố sẽ mua cho". Cậu bé không biết là mình muốn cái gì nữa. Bố của nó là một người thương gia rất giàu có. Hễ nó muốn cái gì là bố nó có thể mua được liền lập tức. Nhưng mà nó không có thiết một cái gì hết. Nó chỉ cần có một cái thôi, mà cái đó hình như là xa vời vô cùng. Ðó là sự có mặt của bố nó. Bố nó rất giàu. Và khi người ta giàu, người ta không có thể có nhiều thì giờ để dành cho người mình thương. Phải bận bịu tối ngày. Phải dùng thì giờ và năng lượng của mình để tiếp tục làm giàu. Và vì vậy cho nên cái quý nhất mà người thương mình đòi hỏi là sự có mặt của mình bên họ thì mình không thể hiến tặng được. Ðứa bé suy nghĩ một hồi rồi nói: "Daddy, I want you." (con chỉ muốn bố thôi). Con không muốn món quà nào hết.

Thực sự là như vậy. Khi mà mình thương ai, món quà quý giá nhất mình tặng cho người đó là sự có mặt đích thực của mình. Và vì vậy cho nên nếu mình tập đi thiền hành, tập thở cho có ý thức, và có mặt thực sự, rồi mình tới ngồi bên người mình thương và nói rằng: "Con ơi, bố đang có mặt thực sự cho con đây, con có bằng lòng không?" thì em bé sẽ rất hạnh phúc. "Em ơi, anh đang có mặt cho em đây" thì người thương của mình sẽ có hạnh phúc. "Anh ơi, em đang có mặt cho anh đây" thì người thương của mình sẽ có hạnh phúc. "Darling, I'm here for you". "Tôi có mặt đây" không phải là một lời tuyên bố suông tại vì mình phải thực sự có mặt mới được. Thân và tâm của mình phải hợp nhất. Mình phải thật sự có mặt với người thương của mình thì mình mới có thể mở miệng nói: " I'm here for you". Nếu mình tuyên bố mình thương mà mình không có mặt ở đó cho người mình thương, thì mình thật sự không có thương gì hết. Vì vậy nếu mình là một người thương đích thực, mình phải thực tập chánh niệm. Mình làm thế nào để cho mình thực sự có mặt, và mình đem sự có mặt đó để hiến tặng cho người mình thương.

Khi mình có mặt rồi, mình có thể làm được công việc khác mà người không có mặt không thể làm được: công nhận sự có mặt của người mình thương. Ðây là một hành động thương yêu đích thực. Khi người thương của mình không chú ý đến mình, người đó không thực sự là người yêu của mình. Khi mình bị người kia lơ là, người kia không chú ý, mình đâu có cảm tưởng mình đang được thương. Vì vậy khi mình quả thực đang thương, mình phải làm thế nào để công nhận sự có mặt của người mình thương. Mình phải tới với người mình thương bằng sự có mặt đích thực của mình, và mình nói với người đó: "Anh ơi, em biết anh đang có mặt đó. Em đang có hạnh phúc". Mình phải nói như vậy. "Darling, I know you are there, and I'm very happy". Trong khi mình nói như vậy, mình phải thực tập. Mình phải thực sự có mặt, và mình sẽ đem năng lượng của chánh niệm ôm lấy người mình thương. Người mình thương lúc bấy giờ nở ra như một bông hoa, vì người đó biết rằng mình đang có mặt cho người đó, mình đang công nhận sự có mặt của người đó.

Phương pháp thực tập hơi thở có ý thức, phương pháp đi thiền hành bước những bước chân có ý thức, có liên hệ trực tiếp tới đời sống hằng ngày của mình. Quý vị chỉ cần đi thiền hành trong vòng năm phút, mỗi bước chân vững chãi, thảnh thơi và có chánh niệm; quý vị chỉ cần thực tập thở vào và thở ra có ý thức trong năm phút, mỗ hơi thở vào, mỗi hơi thở ra vững chãi và sâu sắc, thì quý vị đã có thể đem lại sự có mặt đích thực của mình. Và sự có mặt đích thực đó là một món quà rất quý giá mà quý vị có thể đem hiến tặng cho người mình thương. Khi mình có mặt rồi, mình cũng công nhận sự có mặt của người kia. Khi mình nói: "Em ơi, anh biết rằng em đang có mặt, và anh rất lấy làm hạnh phúc", người mình thương sẽ nở ra như một bông hoa. Người con công nhận sự có mặt của người cha. Người cha công nhận sự có mặt của người con. Người chồng công nhận sự có mặt của người vợ, và người vợ công nhận sự có mặt của người chồng. Ðó là điều mình có thể làm trong đời sống hằng ngày. "I'm here for you. I know you are there, and I am very happy". Ðó là những câu nói của tình thương đích thực.

Trong khóa tu ở trường đại học tại Santa Barbara, có một người cha trẻ tới khóc với tôi và nói rằng: "Thưa Thầy, con vừa mới mất một đứa con. Con đau khổ quá chừng". Ðó không phải là thiền sinh duy nhất than thở là mình vừa mất một người thương. Có rất nhiều người Hoa Kỳ trong khóa tu đã tới khóc, đã tới than thở rằng vừa mất một người thương. Nếu nhìn sâu vào trong bản chất của niềm đau của người vừa mất một người thương, mình sẽ tìm thấy nhiều lý do, nhiều nguyên tố ở trong đó. Trong khi người mình thương còn sống, mình rất là lơ là. Mình không làm những cái mình có thể làm để cho người đó có hạnh phúc. Vì vậy khi người đó chết đi, mình đau khổ vô cùng. Ðau khổ không phải chỉ vì mình mất người đó, mà đau khổ là do mình hối hận là trong thời gian người đó còn sống, mình đã sống rất lơ là với người đó, mình đã không làm những điều mình có thể làm để cho người đó có hạnh phúc.

Tôi thấy có một gia đình trong đó tất cả những đứa con đều giàu có. Những đứa con gái đều đã đi lấy chồng, và chồng họ là những người rất giàu có. Khi họ nghe tin là người cha của họ chết, họ trở về rất là đầy đủ. Trong tang lễ họ khóc và đau khổ vô cùng. Tôi hỏi thăm và biết được nguồn gốc của sự đau khổ đó. Tuy họ giàu có như vậy, tuy họ có thương cha của họ, nhưng họ sống cuộc đời rất bận rộn. Họ không có thì giờ để chăm sóc cha của mình. Vì vậy khi cha chết rồi, họ đau khổ vì sự hối hận rất nhiều. Họ đấm ngực. Họ bứt tóc. Họ nằm lăn ra giữa đất. Họ khóc. Họ gào. Họ than. Tôi nhìn vào đó thì tôi biết rằng phần lớn chất liệu của đau khổ nầy là sự hối hận. Nếu trong thời gian cha mình còn sanh tiền mà mình cố gắng tìm ra được thì giờ tới chơi với ba mình, và có thể làm được bất cứ cái gì mà mình có thể làm để cho ba mình có hạnh phúc, thì đến khi ba mình qua đời, mình không đau khổ đến mức đó.

Do đó ta nên biết rằng ta phải nhìn cho ra bản chất của sự đau khổ. Tôi nói với người kia: "Anh đau khổ vì anh vừa mất một người thân. Ðiều đó tôi hiểu. Anh nói rằng vì cái đau khổ đó cho nên anh không ngủ được, không ăn được, không làm ăn được gì hết. Ðiều đó tôi cũng hiểu. Và tôi khuyên anh: "Anh nên nhớ rằng anh vừa mất một người thương, nhưng mà anh vẫn còn những người thương khác đang sống. Nếu anh tiếp tục không ăn không ngủ khổ đau như vậy, anh đang làm khổ những người thương đang còn sống của anh. Tôi khuyên anh nên trở về chăm sóc cho những người thân của anh hiện đang còn sống bên anh và làm những gì anh có thể làm hôm nay để cho họ có hạnh phúc. Nếu anh làm được điều đó, người khuất mặt sẽ mỉm cười được. Và đến khi một người thân khác của anh qua đời, anh sẽ không đau khổ như anh đang đau khổ kỳ này". Người đó đã hiểu và người đó đã bớt đau khổ rất nhiều. Người đó đã trở về làm theo những điều tôi khuyên nhủ.

Giáo huấn trên được căn cứ vào tuệ giác về vô thường. Nếu chúng ta không tập sống sâu sắc trong giây phút hiện tại, sau nầy chúng ta sẽ hối tiếc. Muốn sống sâu sắc được những giây phút hiện tại, chúng ta phải tập như thế nào để cho thân và tâm của chúng ta trở về trong giây phút hiện tại: thân tâm nhất như. Những phương pháp đức Thế Tôn đã đem ra để dạy chúng ta rất là cụ thể. Có nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng tu là phải tụng kinh thật nhiều, hoặc là đốt nhang thật nhiều, hoặc là cúng chuối, cúng xôi cho thật nhiều, hoặc là lạy cho thật nhiều. Tôi đã học Phật. Tôi đã nghiên cứu. Và tôi rất lấy làm ngạc nhiên thấy rằng đức Thế Tôn có dạy rất nhiều phương pháp rất cụ thể, có thể làm cho tăng tiến hạnh phúc trong đời sống hằng ngày rất là mau chóng mà rất ít người thực tập. Họ chỉ biết lạy, biết cúng, biết đốt nhang, biết tụng kinh mà thôi.

Bụt dạy rằng chúng ta có thể sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Cái giáo pháp đó chữ Nho gọi là "hiện pháp, lạc trú", hiện pháp là giây phút hiện tại, lạc trú là sống hạnh phúc. Ngài nói rằng anh và chị có thể sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta có hiểu được cái giáo lý đó hay không? Tại sao trong khi tu chúng ta cứ mơ tưởng tới cái an lạc và hạnh phúc trong tương lai mà thôi. Chúng ta muốn cầu về cõi này hoặc cõi kia, mà ta không biết cách làm thế nào để có thể sống hạnh phúc, an lạc trong giờ phút hiện tại. Giáo lý hiện pháp lạc trú chúng ta không có nghe và không có thực tập.

Ðức Thế Tôn dạy rất rõ. Ngài nói rằng ví dụ chúng ta cầm một cục đá và buông xuống giòng sông thì cục đá sẽ chìm. Chúng ta lấy cục đá nhỏ hơn, chỉ nặng vài chục gram thôi, và bỏ xuống nước. Nó cũng vẫn chìm như thường. Nhưng nếu chúng ta có một chiếc thuyền, chúng ta có thể chở 200 ký lô đá mà không chìm xuống nước. Ðức Thế Tôn nói rằng dầu anh, dầu chị có những nỗi khổ niềm đau ở trong lòng, nhưng nếu anh chị biết thực tập, thì anh chị sẽ không bị đắm chìm vào biển khổ. Ðức Thế Tôn dạy những điều như vậy. Dù trong tâm mình có niềm đau nỗi khổ rất nhiều, nếu mình biết nương tựa vào Phật, vào Pháp, vào Tăng, mình biết thực tập hiện pháp lạc trú, mình vẫn có thể có hạnh phúc trong giây phút hiện tại như thường. Những giáo lý đó tại sao chúng ta không nghe và không đem vào để thực tập?!

Hiện pháp là gì? Hiện pháp tức là the present moment, là giây phút hiện tại. Thường thường chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là khi chúng ta đạt được, khi chúng ta thỏa mãn với những tìm kiếm của chúng ta. Ðó là đối tượng của những thèm khát của chúng ta. Trước hết là chúng ta thèm khát sự giàu có, tiền tài. Rồi đến chúng ta thèm khát cái danh. Nếu không có cái danh đó, nếu không có cái bằng cấp đó, nếu không có uy tín đó, mình sẽ không có hạnh phúc. Và thứ ba là sắc dục. Nếu chúng ta không thỏa mãn được sắc dục đó thì ta không có hạnh phúc. Và thứ tư là thức ăn ngon. Tài, sắc, danh, thực, thụy. Tài tức là money; sắc là sex; danh là fame; thực là good food. Ta nghĩ rằng hạnh phúc làm bằng những đối tượng của sự thèm khát và là ngũ dục.

Ðức Thế Tôn nói rằng người đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo đối tượng của sự thèm khát cũng giống như người cầm đuốc mà đi ngược gió. Ngọn lửa của cái đuốc đó sẽ làm cháy tay mình. Có biết bao nhiêu người chạy theo đối tượng của sự thèm khát và những người đó đều là những người đang đau khổ. Trái lại nếu chúng ta biết bỏ, biết dừng lại và đừng chạy theo đối tượng của những sự thèm khát, chúng ta biết trở về với giây phút hiện tại, chúng ta sẽ khám phá ra rằng trong cái giây phút hiện tại này ta có rất nhiều những yếu tố của hạnh phúc. Và chúng ta sẽ ngạc nhiên mà khám phá ra rằng những điều kiện của hạnh phúc mà ta có, ta đang có trong giờ phút hiện tại nó nhiều hơn là chúng ta cần tới, và chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây với những điều kiện hiện tại. Ðó gọi là hiện pháp lạc trú.

Bây giờ tôi xin chứng minh cho quý vị bằng một vài sự thực tập. Ví dụ quý vị thực tập như thế này: tôi đang thở vào và ý thức được rằng tôi có hai mắt; tôi thở ra và mỉm cười với hai mắt của tôi. Ðó là một bài thực tập đức Thế Tôn đã đề nghị với chúng ta: "breathing in, I am aware of my eyes; breathing out, I smile to my eyes". Mình thở như vậy để có năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm đó, mình tiếp xúc được với hai con mắt của mình. Khi có chánh niệm, mình sẽ tìm ra rằng hai con mắt của mình đang tốt, mở ra là có thể thấy được trời xanh, mây trắng, và khuôn mặt của người mình thương. Ðó là một trong những điều kiện của hạnh phúc. Khi mình cười với hai mắt mình, mình đang cười với một điều kiện của hạnh phúc mình đang có. Những ai trong chúng ta đã bị mù rồi thì đâu còn cái hạnh phúc đó nữa, không còn thấy gì hết. Còn chúng ta, những người đang còn có hai mắt tốt, chỉ cần mở ra là sẽ thấy được trời xanh, mây trắng, hoa cỏ, sông núi, và khuôn mặt của những người mình thương.

Chúng ta có một thiên đường, một thiên đường của mầu sắc, một thiên đường của hình bóng nhờ chúng ta có hai mắt. Chúng ta chỉ cần đi vào trong rừng vào mùa thu, mở hai mắt ra, và nhìn những ngọn lá vàng, lá đỏ rơi rất là ngoạn mục. Chúng ta có thể có hạnh phúc rất nhiều, với điều kiện là trong khi đi từng bước vững chãi trong rừng thu, thân và tâm của ta an trú trong giây phút hiện tại. Quý vị thử đi, mùa thu đang còn đó. Hãy để mười lăm phút đi vào trong rừng thu, đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng suy nghĩ về tương lai, biết rằng mình có đôi mắt đang còn tốt, hai chân đang còn khỏe, thở cho sâu sắc và tiếp xúc với rừng thu, quý vị sẽ thấy rằng quý vị có rất nhiều hạnh phúc. Còn những người đã mù rồi, họ biết rằng cái thiên đường của màu sắc đã mất. Bây giờ nếu có một bác sĩ đem lại cái thấy của ngày xưa, họ sẽ thấy như được trở về thiên đường lần thứ hai. Chúng ta là những người đang ở thiên đường. Chúng ta đang chối từ thiên đường của chúng ta vì chúng ta không biết trở về với giây phút hiện tại. Chúng ta để cho chúng ta bị kéo theo bởi sự cám dỗ của những đối tượng thèm khát của chúng ta.

Tôi đang thở vào và có ý thức về trái tim của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với trái tim của tôi. Ðó là bài thực tập thứ hai. Khi mình thở như vậy, tất cả sự chú tâm của mình, tất cả năng lượng chánh niệm của mình dồn vào trái tim. Chúng ta ôm trái tim của chúng ta với năng lượng chánh niệm của chúng ta. Breathing in, I am aware of my heart. Breathing out, I smile to my heart. Nếu quý vị thở như vậy chừng ba bốn lần, quý vị sẽ bắt đầu thấy được trái tim của quý vị. Trái tim của quý vị đang hoạt động bình thường. Ðó là một tin rất vui tại vì có những người trong chúng ta có trái tim không hoạt động bình thường. Họ có thể bị đứng tim bất cứ lúc nào. Sự mong ước sâu sắc nhất của những người đó là có một trái tim bình thường như trái tim của chúng ta. Chúng ta là những người đang có trái tim bình thường. Chúng ta đang có một điều kiện rất lớn của hạnh phúc. Chúng ta ban đêm có mấy giờ đồng hồ để ngủ, còn trái tim của chúng ta phải làm việc suốt cả ngày đêm để bơm máu tới các tế bào trong cơ thể. Có thể đây là lần đầu chúng ta tỏ lòng ưu ái của chúng ta đối với trái tim. Thở vào tôi có ý thức về trái tim của tôi, thở ra tôi mỉm cười với trái tim của tôi. Trái tim có thể nói: " Dữ không, bây giờ mới chú ý tới tôi. Mấy chục năm nay tại sao không chú ý một chút cho tôi nhờ". Mà kỳ thực chúng ta sống trong thất niệm, cho nên chúng ta đối xử rất tàn tệ với những điều kiện hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta đã ăn, chúng ta đã uống những chất rất là độc hại cho trái tim. Mỗi lần chúng ta đốt lên một điếu thuốc để phì phà, chúng ta đang là kẻ thù của trái tim và lá phổi của chúng ta. Hút thuốc là một hành động rất là thù nghịch đối với phổi và tim của mình. Mỗi khi chúng ta giận hờn, chúng ta hận thù, chúng ta thức khuya, là chúng ta đang có những thái độ thù nghịch đối với trái tim của chúng ta. Chúng ta đang làm hại trái tim của chúng ta mỗi ngày mà chúng ta không biết. Bây giờ, nhờ trở về ôm lấy trái tim của mình bằng chánh niệm, chúng ta bắt đầu khám phá ra rằng chúng ta đã không dễ thương với trái tim của chúng ta, và tự nhiên chúng ta trở thành giác ngộ. Chúng ta biết rằng từ nay về sau mình nên và không nên làm cái gì để cho trái tim của mình dễ thở, tại vì đó là một trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc và an lạc của mình.

Thở vào tôi có ý thức về lá gan của tôi, thở ra tôi mỉm cười với lá gan của tôi. Lá gan của mình có thể là bốn năm năm nay đang gửi cho mình một thông điệp cầu cứu: "Ông ơi, ông đừng uống rượu nữa, tôi khổ lắm rồi". Mình không có nghe. "Ông ơi, ông đừng ăn nhiều chất mỡ quá, tôi khổ lắm rồi, ông có nghe không?" Vì mình sống trong thất niệm, mình không bao giờ nghe được thông điệp của lá gan của mình. Bây giờ mình thực tập: thở vào tôi ý thức về lá gan của tôi; thở ra tôi mỉm cười với lá gan của tôi. Chánh niệm đưa mình tới sự tỉnh thức và mình nhận ra được lá gan của mình trong tình trạng hiện tại. Mình bắt đầu nghe được tiếng lá gan của mình, và mình bắt đầu biết rằng lá gan của mình nó muốn mình ngưng rượu và ngưng ăn những chất béo quá nhiều.

Thực tập chánh niệm là thực tập thương yêu và hiểu biết. Khi mình hiểu được tình trạng của người mình thương, tự nhiên mình có thể thương được. Ðã thương rồi, mình có thể làm được những điều mà trước kia mình không làm được. Lá gan của tôi ơi, tôi biết là em đang có mặt đó, tôi biết là em đang đau khổ, và tôi sẽ cố gắng để cho em đừng đau khổ nữa. Lá gan như vậy đâu có khác gì một người mà mình thương! Người thương của mình có thể đang chết dần chết mòn vì mình đang làm khổ người đó. Mình nghĩ là mình thương, nhưng mình chưa biết cách thương, càng thương càng làm cho người đó đau khổ. Cũng như con của mình, mình tin chắc một trăm phần trăm mình đang làm những điều để cho nó có hạnh phúc. Nhưng có thể mình đang làm cho con của mình cực kỳ đau khổ mà mình không biết. Mình làm nhân danh tình thương, nhưng người con của mình đang chết vì tình thương đó. Vì vậy mình phải nhìn cho kỹ. Mình phải thấy được, phải hiểu được tình trạng của người mình thương.

Trong đạo Bụt, chúng ta học được rằng cái thương đích thực, true love, được làm bằng cái hiểu. Nếu không hiểu thì không thể thương được. Càng thương mình càng làm cho người mình thương đau khổ. Cái hiểu, danh từ là trí; cái thương, danh từ là bi. Trí và bi viên mãn. Trí và bi đi đôi với nhau. Understanding and love are two aspects of the same thing. Nếu mình thương người đó mà mình không hiểu được những khó khăn, những đau khổ, những cái kẹt của người đó, mình không thấy được những ước mơ sâu sắc của người đó, thử hỏi làm sao mình có thể thương được người đó và làm cho người đó có hạnh phúc. Càng thương người kia thật nhiều, người kia càng khô héo, càng chết dần chết mòn. Cho nên mình phải có thì giờ, mình phải có mặt thật sự, rồi mình chiếu ánh sáng của chánh niệm vào người mình thương. Có thể mình có ý chí muốn thương và muốn làm cho người đó có hạnh phúc, nhưng vì mình chưa hiểu được, chưa thấy được, cho nên mình đã không thương mà mình còn làm cho người đó khổ. Mình đã làm khổ trái tim của mình. Mình đã làm khổ lá gan của mình. Và biết đâu mình đã làm khổ rất nhiều bộ phận khác trong cơ thể của mình, mà mình vẫn tiếp tục và nghĩ rằng mình đang thương mình.

Ðức Thế Tôn có nói rằng phần lớn người ta nghĩ rằng mình là người thương số một của mình. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, mình có thể đang là kẻ thù số một của mình. Ðó là câu nói của đức Thế Tôn nói với vua Ba Tư Nặc. Và xin quý vị suy nghĩ. Mình có thể nghĩ rằng mình là người thương số một của mình. Nhưng nếu nhìn kỹ, mình có thể khám phá ra rằng mình có thể đang là kẻ thù số một của chính mình. Mình đang là người làm cho mình khổ nhất trên đời. Nếu mình cho mình là một người thương đích thực, mình là người cha, người chồng, người mẹ, hay người con, nếu mình nghĩ rằng mình có tình thương đích thực, thì mình đừng có chắc lắm. Mình phải trở về để nhìn cho kỹ cách mình thương, cách mình hiểu, rồi mình sẽ thấy rằng khi chúng ta không hiểu được người ta thương, chúng ta không thể nào thực sự thương và làm cho người kia có hạnh phúc.

Tôi là một người rất sợ trái sầu riêng. Nếu quý vị thương tôi mà ép tôi ăn sầu riêng thì quý vị làm cho tôi rất khổ. Con của quý vị cũng vậy. Nếu quý vị không hiểu con, thì càng thương con quý vị càng làm khổ con. Nếu quý vị không hiểu chồng, càng thương chồng quý vị càng làm khổ chồng. Vì vậy cái hiểu là chất liệu để làm ra cái thương. Tôi đề nghị là chiều hôm nay quý vị về nhà thực tập ngồi độ chừng ba bốn phút, quý vị thực tập hơi thở chánh niệm, thở vào tôi biết là tôi đang thở vào, thở ra tôi biết là tôi đang thở ra. Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười chừng ba bốn phút. Hoặc là quý vị thực tập đi thiền hành, đi từng bước vững chãi, thảnh thơi. Rồi quý vị tới với người thương của quý vị và hỏi một câu. Người thương của quý vị có thể là con trai hoặc con gái của quý vị, có thể là người hôn phối của quý vị. Quý vị hỏi: "Em ơi, em có nghĩ rằng anh hiểu em không? Trong khi anh thương em, anh có làm em đau khổ không?" Hỏi thử đi. Có thể quý vị chưa bao giờ dùng ngôn từ như vậy, chưa bao giờ hỏi những câu hỏi như vậy. Nhưng đó là những câu hỏi rất quan trọng vì có thể trong năm năm hoặc mười lăm năm vừa qua, mình đang làm cho người thương mình đau khổ mà mình không biết. "Darling don't you think that I understand you enough? Do you think that by loving you I'm making you suffer?" Hỏi như vậy đi rồi quý vị sẽ thấy. Có thể sau khi nghe câu hỏi đó, người mình thương bắt đầu khóc nức nở vì đã chịu đựng bao nhiêu năm. Người mình thương đã không hiểu gì mình hết, đã ép mình làm những cái mà mình rất đau khổ.

Tôi còn nhớ hồi đó tôi còn trẻ lắm, tôi đang tụng kinh Pháp Hoa. Tôi tụng không nổi vì trên bàn thờ có một trái sầu riêng. Tôi không tập trung tâm ý được để tụng cho xong phẩm Pháp Hoa. Cuối cùng tôi đứng dậy và lấy cái chuông úp trái sầu riêng lại. Sau khi tụng hết phẩm Pháp Hoa, tôi giải phóng trái sầu riêng. Bữa đó tôi tụng bằng mõ chứ không tụng bằng chuông. Nếu quý vị nói rằng tội nghiệp thầy Nhất Hạnh quá, đi dạy nhiều quá chắc là cực lắm, bây giờ phải bắt thầy ăn trái sầu riêng, tôi sẽ đau khổ vô cùng. Tôi nhớ có một bữa trai tăng, tôi đang ôm bình bát với các thầy khác thì có một vị thí chủ tới. Họ có xôi sầu riêng và rất lấy làm hạnh phúc được cúng dường thầy xôi sầu riêng. Từ khi người đó chưa tới gần, tôi đã biết cái đó là cái gì rồi. Tôi rất sợ nhưng không có lý mình nói tôi không nhận. Người đó đang có niềm vui rất lớn là được cúng dường một thứ xôi rất ngon và rất quí. Khi vị đó bỏ vào bình bát của tôi miếng sầu riêng, tôi rất đau khổ, nhưng không dám nói ra vì sợ mất niềm vui của người đó. Từ đó về sau tôi không ăn được miếng nào nữa hết.

Cũng vậy, nếu chúng ta không hiểu được người ta thương, chúng ta không thể nào đem lại hạnh phúc cho người ta thương được. Người thương phải giúp nhau. Người thương phải biết hỏi nhau: "Tôi thương em như vậy có được chưa? Tôi thương em như vậy có làm cho em đau khổ không? Em nói đi, em giúp tôi đi". Nếu mình nói với một tâm trạng rất là thành khẩn, với ngôn từ rất hòa ái, người kia sẽ nói cho mình biết. Tôi nghĩ là quý vị thương con. Chắc chắn là quý vị thương rồi. Cha mẹ nào mà không thương con. Loài thú vật còn biết thương con nó huống hồ là loài người. Chắc chắn là chúng ta thương con chúng ta rồi.

Nhưng cách mà chúng ta thương con có làm cho con chúng ta có hạnh phúc không? Ðó là câu hỏi. Chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta thương con. Là người cha hay người mẹ, chúng ta có thể vẫn hỏi con chúng ta: "Nầy con, cha rất muốn thương con và muốn cho con có hạnh phúc, muốn cho con nên người, nhưng con hãy nói cho cha biết là cha có hiểu được con không? Cha có hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những chỗ kẹt của con không? Cha có thấy được những ước muốn sâu sắc nhất của con không? Con hãy nói lên để cho cha hiểu vì cha biết rằng nếu cha không hiểu thì cha không thể nào thương con được và làm cho con có hạnh phúc". Nếu chúng ta biết nói với con ta bằng ngôn từ như vậy, chúng ta sẽ là người thương đích thực. Chúng ta sẽ lắng nghe. Ðiều nầy cũng đúng với vợ, với chồng, với anh, với em, với bạn của mình, vì chúng ta học được bài học là nếu không hiểu thì không thể nào thương được. Cái thương được làm bằng cái hiểu.

Chúng ta biết rằng hạnh phúc đích thực là khi chúng ta đã được hiểu và đã được thương. Chúng ta ai cũng đói hai cái đó. Người nào cũng đói được hiểu và đói được thương. Nhưng chúng ta phải hỏi câu hỏi rằng chúng ta có thể chế tác được hai chất liệu đó không? Chúng ta có khả năng hiểu và khả năng thương hay không? Trên thế giới người nào cũng cần được hiểu và cần được thương. Sự thực tập giáo pháp của đức Thế Tôn là sự thực tập để chế tác ra hai chất liệu đó. Chất liệu hiểu tức là prajna (bát nhã) và chất liệu thương tức là karuna (từ bi). Vì vậy chúng ta phải học những phương pháp để có thể chế tác được những chất liệu đó.

Muốn thực tập chúng ta phải có thầy có bạn để chỉ dẫn cho chúng ta đường đi nước bước, để làm thế nào để chúng ta có thể về với giây phút hiện tại để chúng ta nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có trong giây phút hiện tại. Khi đã được nuôi dưỡng bằng những chất liệu của hạnh phúc rồi, chúng ta mới có thể phân phát, chia sẻ cái hạnh phúc đó cho những người khác. Nếu chúng ta không trở về được giây phút hiện tại, nếu chúng ta tiếp tục chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc, nếu chúng ta tiếp tục chạy theo đối tượng của sự thèm khát lợi danh và sắc dục, chúng ta sẽ làm tiêu mòn thân thể, sức khỏe, và tâm hồn của chúng ta. Do đó chúng ta không có gì hiến tặng cho người ta thương cả.

Hiện pháp lạc trú nghĩa là trở về với giây phút hiện tại để khám phá và nhận diện được những điều kiện của hạnh phúc đang thật sự có mặt. Khi nhận diện được rồi, chúng ta sẽ tự khắc có hạnh phúc liền lập tức. Có một hôm tôi đi lên đồi. Ở trên Xóm Thượng, tôi có một cái am nhỏ tên là Thất Ngồi Yên, có một con đường đưa lên đồi. Tôi bước từng bước vững chãi, thảnh thơi, chân dẫm lên trên những lá vàng của mùa thu. Chỉ cần đi 30 bước tôi đã lên được chỗ đồi đó. Mặt trăng tròn hiện ra rất là mầu nhiệm. Mỗi bước như vậy tôi tiếp xúc được với mầu nhiệm của sự sống có trong tôi và chung quanh tôi. Mỗi bước như vậy đều có thể đem lại hạnh phúc. Khi tôi thấy mặt trăng xuất hiện, tôi nhìn lên và tôi thở theo phương pháp chánh niệm. Thở vào tôi biết mặt trăng có đó; thở ra tôi mỉm cười với mặt trăng. Tôi thực tập câu mà tôi vừa mới chia sẻ với quý vị. Breathing in, I know you are there, the bright moon; breathing out, I feel very happy.

Mặt trăng tròn là một trong những mầu nhiệm của sự sống. Nếu mình có mặt, mặt trăng sẽ có mặt, và hàng triệu điều kiện khác của hạnh phúc cũng sẽ có mặt. Mình dư sức để có hạnh phúc. Tại sao mình phải đuổi theo những đối tượng của sự thèm khát? Khi đã có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại rồi, chúng ta biết rằng năng lượng chánh niệm của chúng ta đã đủ để chúng ta có thể ôm ấp những nỗi khổ và niềm đau của chúng ta, và chuyển hóa những nỗi khổ và niềm đau đó. Khi lá gan của chúng ta đang khổ, nếu chúng ta biết dùng năng lượng chánh niệm để ôm lá gan, lá gan sẽ bớt đau khổ nhiều. Chánh niệm là năng lượng có khả năng giúp mình hiểu và giúp mình thương. Khi quý vị có một vùng đau nhức trong cơ thể, thường thường chúng ta đi kiếm một vị bác sĩ để người bác sĩ đó cho chúng ta một thứ thuốc uống vào để trừ sự đau nhức, và hy vọng sự đau nhức đó sẽ đi. Nhưng chúng ta cũng có thể giúp bác sĩ bằng cách sử dụng phương pháp chánh niệm. Thở vào, chúng ta để ý tới vùng đau nhức đó; thở ra, chúng ta gửi nụ cười và niềm ưu ái của chúng ta tới vùng đau nhức đó. Nếu chúng ta tiếp tục làm như vậy, chúng ta sẽ làm cho sự đau nhức thuyên giảm, sự trị liệu đi tới rất là mau chóng. Chúng ta biết ôm ấp lấy nỗi khổ, niềm đau ở trong cơ thể chúng ta bằng sự ưu ái của chúng ta mà chất liệu của nó là chánh niệm thì chúng ta có thể chữa trị được những khổ đau ở trong cơ thể bằng năng lượng của chánh niệm. Và khi chúng ta có những vùng đau nhức ở trong tâm hồn, chúng ta cũng có thể làm như vậy vì những vùng đau nhức đó cần tới sự chú ý của chúng ta. Khi chúng ta có năng lượng chánh niệm rồi, chúng ta có thể đưa năng lượng chánh niệm đó ôm lấy niềm đau nỗi khổ. Khi chúng ta ôm lấy niềm đau nỗi khổ đó bằng chánh niệm, niềm đau nỗi khổ đó sẽ từ từ thuyên giảm.

Khi chúng ta giận, thường thường chúng ta muốn bớt khổ. Khi chúng ta giận ai, nhất là người mà chúng ta thương, chúng ta đau khổ vô cùng. Nếu người khác nói điều đó và làm điều đó, chúng ta sẽ ít giận hơn. Nhưng tại vì người mà mình thương nhất ở trên đời đã nói điều đó và làm điều đó, chúng ta đau khổ gấp mười lần. Thường khi đau khổ như vậy, ta muốn làm cái gì đó để cho ta bớt khổ. Chúng ta muốn có một sự thuyên giảm (relief). Và cách chúng ta hành xử là chúng ta nói một câu rất nặng, làm một hành động rất nặng để trừng phạt người kia. Chúng ta nghĩ rằng trừng phạt người kia thì tự nhiên ta bớt khổ.

Nhưng thường thường mỗi khi ta trừng phạt người kia, người kia sẽ khổ hơn. Khi khổ hơn rồi, người kia cũng tìm cách để bớt khổ. Người kia sẽ nói lại một câu nặng hơn nữa làm ta khổ thêm, và chúng ta leo thang trong sự làm khổ nhau. Chúng ta có nhiều người đã lớn rồi, có người đã trên 50 tuổi, 60 tuổi rồi, và chúng ta vẫn theo cái phương pháp con nít đó, nghĩa là khi khổ đau, khi giận hờn, chúng ta cứ nghĩ rằng cứ nói một câu cho thật nặng làm cho người kia khổ cho nhiều thì mình sẽ bớt khổ. Chúng ta vẫn tin một cách ngây thơ như vậy, dù chúng ta đã biết rất rõ và đã có kinh nghiệm rằng làm như vậy chỉ gây thêm sự đổ nát và làm cho cả hai bên khổ.

Ðức Thế Tôn dạy chúng ta đừng nên làm như vậy. Khi giận người kia, mình biết rằng mình không nên nói hoặc làm gì hết. Quý vị hãy phát nguyện với đức Thế Tôn đi: "Lạy đức Thế Tôn, con xin nguyện với ngài là từ nay trở về sau, mỗi khi giận thì con sẽ không nói gì hết và con không làm gì hết. Con trở về và dùng chánh niệm của con ôm lấy cái giận của con". Ðó gọi là thực tập chánh niệm về cái giận, mindfulness of anger. Vì cơn giận là một vùng năng lượng có thể gây đổ vỡ, nếu mình là một người tu, mình phải làm thế nào để chế tác một nguồn năng lượng khác, nguồn năng lượng của chánh niệm, và dùng nguồn năng lượng chánh niệm đó ôm lấy nguồn năng lượng của sự giận hờn. Trong khi thực tập như vậy, mình phải tiếp tục đi thiền hành, phải tiếp tục hơi thở có ý thức, để có thể duy trì được nguồn năng lượng thứ hai để ôm ấp lấy nguồn năng lượng thứ nhất. Cũng giống như khi luộc khoai hay luộc bắp, quý vị phải để lửa ít nhất là hai mươi phút hay là hai mươi lăm phút thì khoai bắp mới chín được, mà ở trên phải đậy nắp.

Thực tập chánh niệm cũng vậy. Nếu mình có một cơn giận mà chỉ đi thiền hành chừng năm hoặc mười bước rồi mình nghỉ, thì đâu có đủ sức mà ôm ấp cái giận. Cho nên chừng nào còn giận, chừng đó mình phải đi thiền hành và phải thực tập hơi thở có ý thức. Ðó là lời căn dặn của đức Thế Tôn. Nếu quý vị tự nhận mình là đệ tử của đức Thế Tôn, quý vị phải làm như vậy, nghĩa là khi mình giận lên, mình phải lập tức trở về thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm. Hơi thở và bước chân chánh niệm liên tục sẽ chế tác ra chất liệu chánh niệm và chúng ta sẽ dùng chất liệu chánh niệm đó ôm lấy chất liệu của hờn giận. Embracing your anger with the energy of mindfulness. Cũng như căn phòng của mình, khi đi xa về mình sẽ thấy lạnh buốt. Mình tới mở máy phóng nhiệt (radiator) ra. Sau khi lò sưởi được mở ra, những luồng không khí nóng được chế tác và đi ra. Những luồng không khí nóng đó không đánh lộn với không khí lạnh. Chúng tới ôm lấy những luồng không khí lạnh và sau đó nửa giờ thì căn phòng mình ấm lên. Cũng vậy, khi mình có năng lượng của cái giận, cái buồn, mình phải chế tác ra một năng lượng khác, năng lượng của chánh niệm, và dùng năng lượng của chánh niệm ôm lấy năng lượng của cái giận, cái buồn. Nửa giờ đồng hồ sau mình sẽ bớt giận, mình sẽ hết giận. Ðó là sự thực tập.

Nếu đích thực mình là con của đức Thế Tôn, mình phải hành sử như vậy: mỗi khi mình giận không được nói gì hết, không được làm gì hết, tại vì nói và làm trong khi giận sẽ gây đổ vỡ. Mình phải trở về chăm sóc cái giận của mình. Taking care of your anger. You have to go back to yourself and take care of your anger. Ở Làng Mai có phương pháp như thế này: khi mình giận, mình phải thực tập. Muốn cho cái giận của mình xuống mau, trong vòng 24 giờ đồng hồ mình phải cho người kia biết là mình đang giận, đang khổ. Ðôi khi sự thực tập của mình chưa vững vàng, để quá 24 giờ đồng hồ, cơn giận sẽ làm độc trong tâm của mình. Vì vậy trước thời hạn 24 giờ, mình phải nói cho người kia biết là mình đang giận, đang khổ, và phải nói bằng ngôn từ rất bình tĩnh. Nếu tới 24 giờ đồng hồ rồi mà chưa khôi phục lại sự bình tĩnh, sợ trong giọng nói của mình có sự oán trách, mình sẽ lấy một miếng giấy và viết: "Darling, I am angry at you. I suffer. Anh ơi, em đang giận anh và em đang khổ". Mình sẽ đưa miếng giấy cho người đó trước thời hạn 24 giờ đồng hồ để cho người đó biết. Sau khi đưa tờ giấy rồi mình sẽ bớt khổ, vì nếu mình đau khổ mà người thương của mình không biết, mình còn tiếp tục đau khổ lâu dài. "Em ơi, anh đang giận em, anh đang khổ, và anh muốn em biết điều đó".

Nếu quý vị là một người thực tập giỏi hơn, quý vị thêm một câu thứ hai: "anh đang cố gắng thực tập theo lời thầy dạy, anh đang đi thiền hành đây, anh đang thực tập hơi thở đây, anh đang cố gắng ôm ấp cái giận của anh bằng chánh niệm đây". Nếu quý vị viết được câu thứ hai, người kia sẽ nể quý vị lắm. Và nếu giỏi hơn nữa, quý vị viết thêm câu thứ ba: "em hãy giúp anh" hay "anh hãy giúp em". Phương pháp này rất hay và có thể dùng cho cha con nữa. Nếu con giận cha, con cũng có thể làm như vậy; cha giận con, cha cũng có thể làm như vậy. Vì tất cả chúng ta là đệ tử của đức Thế Tôn, chúng ta phải làm theo lời đức Thế Tôn. "Con ơi, ba đang giận con, ba đang khổ, ba muốn con biết điều đó". Tại sao mình không thể làm như vậy được. Con của mình là người thương của mình mà. "Con ơi, ba đang giận con, ba đang khổ, ba muốn con biết điều đó". Nếu mình giỏi hơn, mình thêm câu thứ hai: "ba đang cố gắng thực tập theo lời thầy dạy". Nếu mình giỏi hơn nữa, mình thêm vào câu thứ ba: "con hãy giúp ba", tức là chúng ta hai người đều thực tập. Còn nếu quý bà mà giận quý ông, trong vòng 24 giờ đồng hồ, quý bà phải đưa cho quý ông thông điệp: "Anh ơi, em đang giận anh, em đang khổ, em muốn anh biết điều đó". Và quý bà có thể thêm câu thứ hai: "em đang thực tập, em đang cố gắng". Nếu giỏi hơn nữa, quý bà thêm câu thứ ba: "anh giúp em đi". Và nếu có nhiều ký lô, quý bà có thể thêm một câu: "Anh liệu hồn". Nhưng câu này chỉ nên xài khi mình có nhiều ký lô lắm. Nếu không có nhiều ký lô, ông sẽ nói: "Em đi đâu thì em đi đi".

Ở trong nhà của chúng ta, chúng ta nên thiết lập một thiền phòng nho nhỏ, một phòng thở (breathing room). Trong nhà của chúng ta có đủ phòng cho tất cả mọi thứ, có phòng khách, có phòng ăn, có phòng ngủ, có nhà bếp, nhưng chúng ta không có một chỗ nào để chúng ta khôi phục được sự an lạc, tĩnh tâm của chúng ta. Vì vậy trong thế kỷ thứ 21, mỗi gia đình gọi là văn minh phải có một căn phòng như là một chánh điện nho nhỏ. Khi mình có khổ đau và mất đi sự thăng bằng, hoặc khi mình bất an, mình vô đó và thực tập. Trong căn phòng đó mình có thể có một tượng Phật nho nhỏ và một cái chuông nho nhỏ. Mỗi khi đau buồn, giận hờn và bất an, mình phải tìm vào căn phòng đó, xá tượng Bụt, rồi mình ngồi xuống.

Trong căn phòng đó không cần phải trang trí nhiều. Chỉ cần có một cái bàn nho nhỏ để một bình bông và một cái chuông. Nếu có tượng Phật đẹp thì mình nên thỉnh, không thì mình nên chờ đợi chớ đừng thỉnh bất cứ một tượng Phật nào về. Phải đợi khi thấy được một tượng Phật rất đẹp và hoan hỷ, mình mới thỉnh về mà thôi. Mỗi khi mình đau buồn, thất vọng, chán nản, mình phải đi vào trong đó, thỉnh chuông, và thở. Thỉnh một tiếng chuông rồi phải thở ba hơi: thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, hoặc là lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. Thỉnh ba tiếng chuông chúng ta sẽ có cơ hội thở chín hơi thở, và tâm của chúng ta sẽ có cơ hội lắng đọng lại.

Ví dụ, ông vừa nói một câu gì có vẻ không dễ thương, làm cho bà bị tổn thương nặng. Thay vì nói lại một câu khác hoặc tỏ lộ sự giận giữ, bà đứng dậy đi thiền hành (tức là đi từng bước vững chãi, theo dõi hơi thở của mình) vào phòng thở. Bà mở cửa phòng thở đó ra, ngồi xuống, thỉnh chuông và thở. Như vậy, ông sẽ biết là bà đang khổ và đang giận mình. Ông sẽ biết rằng ông đã nói, đã làm gì cho bà khổ. Nếu bà làm gì hoặc nói gì làm cho ông khổ, thay vì la mắng hay nói nặng bà, ông cũng đứng dậy và thong thả, nhẹ nhàng bước từng bước về phòng thở. Ông mở cửa ra và đi vào trong đó. Phòng thở đó là lãnh thổ của đức Thế Tôn. Khi bước vào, mình bước từng bước trang nghiêm, trân trọng, như bước vào trong Tịnh Ðộ, và mình đóng cửa rất nhẹ nhàng.

Mọi người trong gia đình phải đồng ý với nhau là khi có một người đang thực tập trong phòng thở, đang thỉnh chuông, dưới bếp cũng như trong phòng khách mọi người phải im lặng, tôn trọng sự thực tập đó. Nếu đang coi TV mà nghe tiếng chuông của người đang thực tập trong phòng thở, mình phải tắt TV đi. Nếu đang làm việc ở dưới bếp mà nghe có người thỉnh chuông và đang thở, mình phải nhẹ tay lại đừng làm ồn. Hai vợ chồng và những đứa con phải cùng ký với nhau một hiệp ước là tất cả phải tôn trọng phòng thở. Ðó là tòa đại sứ của đức Thế Tôn ở trong nhà của mình. Mỗi khi có một người trong gia đình sử dụng phòng thở, thỉnh chuông để thở, tất cả những người khác phải giữ im lặng, và nếu có thể được thì cũng theo dõi hơi thở và thực tập với người kia.

Mỗi buổi sáng trước khi ông đi làm, mặc áo và chuẩn bị xong rồi, ông vào phòng thở và lạy đức Thế Tôn ba lạy, rồi ngồi xuống, thỉnh tiếng chuông, thở ba hơi thở, rồi ông đi làm. Và ông dạy cho cháu trước khi cháu đi học, cặp táp đầy đủ, mặc áo đầy đủ rồi, cháu đi vào trong phòng thở, cháu lạy đức Thế Tôn ba lạy, ngồi xuống, thỉnh một tiếng chuông, và thở trước khi đi học. Ðó là một sự thực tập rất là đẹp. Thường thường chúng ta hay chúc nhau là have a good day, have a wonderful day, have a great day. Nhưng đó là sự chúc tụng thôi. Nếu mỗi buổi sáng chúng ta bắt đầu ngày của chúng ta bằng sự thực tập hơi thở và những bước chân chánh niệm, chúng ta thực sự bắt đầu ngày của chúng ta rất là khôn ngoan, khéo léo, và đẹp đẽ.

Rồi buổi tối trước khi đi ngủ, tại sao chúng ta không kéo nhau vào phòng thở để lạy và để nghe chuông. Khi một gia đình cùng ngồi trong phòng thở để thực tập tiếng chuông và hơi thở, tôi thấy đó là một cảnh tượng rất là đẹp. Quý vị có thể có nhiều tiền. Quý vị có thể mua một bức tranh Van Gogh mấy trăm ngàn đô về treo trong nhà. Nhưng bức tranh đó vẫn không đẹp bằng cảnh tượng cả nhà ngồi im lặng, lắng nghe tiếng chuông, và thở với nhau. Ðó là một khung cảnh rất đẹp, và chúng ta tạo ra một môi trường rất lành mạnh cho con cháu chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong truyền thống tâm linh của đất nước chúng ta.

Thưa quý vị, kỳ này sang Bắc Mỹ, chúng tôi may mắn được có gần bốn mươi các vị xuất gia tháp tùng trong những khóa tu và những ngày chánh niệm. Kỳ này chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tu cho đồng bào và cho người Hoa Kỳ. Chúng tôi đã bắt đầu bằng một khóa tu tại miền nam California tại Camp Sealy. Vì số trẻ em quá đông, chúng tôi phải giảng bằng tiếng Anh trong phần đầu để cho các em hiểu và thực tập được. Phần thứ hai của pháp thoại chúng tôi mới nói tiếng Việt, và khóa tu rất là hạnh phúc.

Chúng tôi cũng đã tổ chức một khóa tu khác cho đồng bào miền bắc Cali tại Camp Swig, Saratoga. Vì khóa tu này trễ hơn khóa tu kia nên không có trẻ em, và khóa tu rất sâu sắc, rất hạnh phúc. Rồi chúng tôi tổ chức một khóa tu cho người Mỹ tại University of California tại Santa Barbara, có 1300 người tham dự trong khóa tu. Vì cư xá đại học có nhiều chỗ ở, chúng tôi có thể mở một khóa tu lớn như vậy. Chúng tôi đã đi thiền hành ở một bãi biển rất là đẹp và có sự chuyển hóa rất lớn. Phần lớn những thiền sinh tới tham dự khóa tu đó là những đọc giả sách của chúng tôi xuất bản bằng tiếng Anh.

Vào ngày chót của khóa tu, nếu quý vị trông thấy sẽ rất cảm động, trên 600 người đã quỳ lên để tiếp nhận Tam Quy và Ngũ Giới. Tại miền bắc, chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho 1200 người Mỹ tại Omega Institute ở Rhinebeck, miền bắc tiểu bang Nữu Ước. Khóa tu đó mới chấm dứt cách đây có mấy hôm thôi, và số người quy y và thọ năm giới là năm trăm mấy chục người. Nói như vậy không có nghĩa là những người kia không thọ giới. Những người kia, rất nhiều người đã thọ Tam Quy và Ngũ Giới trong những khóa tu trước.

Tại New York city, chúng tôi có tổ chức một buổi thuyết giảng cho người Mỹ tại Lincoln Center có 2500 người đến tham dự. Tại Santa Monica, miền nam Cali, có một buổi thuyết giảng cho 3000 người Mỹ.

Tại thành phố Berkeley chúng tôi đã có một buổi thuyết giảng cho 4000 người Mỹ ngồi đầy chật ních thính đường. Có một ông nhà báo tờ San Francisco Chronicle tới nghe buổi thuyết giảng ấy. Sau đó ông ta tới tu viện Kim Sơn để phỏng vấn tôi. Ông ta nói rằng tại sao có 4000 người mà im lặng tới cái mức đó, chắc quý vị phải đè nén dữ lắm mới có thể im lặng như vậy. Tôi nói rằng đâu có đè nén gì đâu, sự im lặng đó rất là dễ chịu. Lâu lâu mới được im lặng như vậy. Ông ta đã đăng bài phỏng vấn đầy hết một trang tờ San Francisco Chronicle.

Có một ngày tu ở Spirit Rock ở miền bắc California cho 2800 người từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều, rất hạnh phúc. Kỳ này tính ra những người tơi tu học trực tiếp với chúng tôi trong những khóa tu là 25000 người. Khóa tu chót chúng tôi sẽ cống hiến cho người Hoa Kỳ là khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu (psycho-therapists) ở tại Key West ở Florida.

Sau khi đã có ngày quán niệm và buổi thuyết giảng cho người Hoa Kỳ tại Washington DC, chúng tôi sẽ đi Florida để hướng dẫn khóa tu về tâm lý trị liệu của đạo Bụt, vì nền tâm lý học của đạo Bụt rất sâu sắc và mầu nhiệm. Có khoảng 600 người hoặc là hơn 600 người thuộc mọi giới, bác sĩ, y tá, tâm lý trị liệu, và những người trong giới gọi là helping profession, sẽ tới học về phương pháp tâm lý học áp dụng của đạo Bụt để có thể thành công hơn trong việc chữa trị và săn sóc bịnh nhân của họ. Xong khóa tu đó chúng tôi sẽ bay về Pháp.

Thích Nhất Hạnh, 1997

Nguồn: Làng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét