PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010
Những Điều Cốt Lõi
Chân lý giữ một vị trí quan trọng trong giáo lý Đức Phật. Giáo lý Bốn Sự Thật Cao Cả (Tứ Diệu Đế) là trục của bánh xe Pháp, và chân thật (sacca) cũng là một trong mười điều thiện để vun trồng cho cây thanh tịnh. Nếu chúng ta muốn tận diệt khổ đau, ta cần phải tìm ra đưọc chân lý tuyệt đối về khổ đau. Giới luật, kể cả 'không nói dối', là những điều căn bản giúp ta thực tập buông xả, là điều ta cần phải thực hành, nếu như ta muốn đạt đưọc chân lý tuyệt đối của vạn pháp. Điều đó có nghĩa là buông xả mọi sự bám víu, chấp chặt, dầu là có nhiều cái chấp ta còn chưa ý thức đưọc.
Để có thể đạt đến sự tận cùng, tuyệt đối của chân lý, ta cũng phải suy xét đến tận cùng trong nội tâm ta. Điều đó không dễ thực hiện, vì chúng ta không biết yêu thương chính mình. Lý do tại sao chúng ta không biết yêu thương chính bản thân, và lý do tại sao ta muốn biết cách thương yêu chính mình tốt hơn là vì trong lòng ta đầy những sân hận, chúng ta ghét cả chính bản thân mình, và vì chúng ta vướng mắc trong thế giới của nhị nguyên.
Khi nào còn sống trong thế giới nhị nguyên, chúng ta còn sống xa rời chân lý tuyệt đối. Trong kinh Nipata, có lời khuyên ý nhị rằng, muốn khỏi bám víu, ta không nên có liên đới. Như thế ta sẽ không có yêu hay ghét, mà chỉ có tâm bình đẳng -đến với mọi loài chúng sinh- là còn tồn tại. Với tâm bình đẳng (xả) chúng ta không còn vướng mắc giữa hai cái tốt và xấu, yêu và ghét, bạn và thù, nhưng có thể buông xả tất cả, để đạt đến cái tận cùng, nơi chân lý tuyệt đối hiện hữu.
Hãy nghĩ đến mặt biển rộng mênh mông, sâu thẳm. Nếu chúng ta bám víu vào cái gì đó, ta sẽ không thể nào lặn xuống đến tận lòng biển cả. Những cái chấp của chúng ta -về người, quan điểm hay ý kiến, mà ta tự cho là của mình, và tự cho rằng chúng là đúng, là lợi ích- sẽ cản trở chúng ta đến đưọc với chân lý tuyệt đối. Cách ứng xứ của ta, yêu và ghét, khiến ta vướng mắc. Dầu rằng nếu chúng ta thích điều gì đó hay người nào đấy, cảm thọ ưa thích đó sẽ dễ chịu hơn. Sự yêu ghét của chúng ta là những cái chấp. Cũng như các ảo giác chúng ta cảm nhận khi ngồi thiền. Chúng ta có thể chấp vào món ngon cho thân, thì ta cũng có thể bám víu vào các món ngon tinh thần. Chúng ta suy nghĩ việc này, việc nọ, nhặt nhặng những thứ mình thích thú. Chúng ta nhảy từ tư tưởng này đến hơi thở và lại trở về suy nghĩ, vướng mắc trong thế giới phân biệt, và sẽ không bao giờ với tới sự tận cùng.
Trí tuệ sâu sắc giúp ta biết rằng việc giải thoát khỏi khổ đau là việc có thể thực hiện đưọc. Khi chúng ta vào sâu trong thiền định, và không bám víu vào bất cứ điều gì, ta sẽ biết buông bỏ cả đến những cái chấp tinh tế, sâu thẳm nhất. Dầu những gì ta biết về mình có làm chúng ta thấy khó chịu hay vui mừng, đều không có gì khác nhau. Tất cả các trạng thái tinh thần mà ta nghĩ là của mình và trân quý, đều giữ chúng ta lại trong nhị nguyên, trong lơ lửng, trong sự bất an, và không thể nào giúp ta chấm dứt được khổ đau. Phút trước đó, ta có thể bằng lòng với tất cả, thương yêu tất cả, nhưng chỉ năm phút sau, ta có thể đảo ngược lại hoàn toàn.
Dầu chúng ta có tin lời Phật dạy, có tán thán Phật pháp, nhưng nếu không tự chứng những điều đó, Pháp Phật cũng chẳng ích lợi bao nhiêu. Để tự chứng đưọc, ta phải như hòn đá kia, không trói buộc vào bất cứ thứ gì, tự thả mình xuống đáy biển sâu của mọi chướng ngại. Để nhìn ra đưọc sự thật, ta cần có tâm dũng mãnh, tâm kiên cố. Khi nào tâm còn vướng vào những cái vụn vặt tầm thường, tâm sẽ không có đủ sức mạnh để đạt đưọc tri kiến.
Tâm chúng ta đa số đều yếu ớt như một võ sĩ hạng bét. Cái đấm của một võ sĩ thượng hạng hẳn là mạnh mẽ hơn nhiều. Tâm của kẻ yếu đuối bám víu vào rất nhiều thứ, vào người, vào ý kiến của họ, vào không gian, vào sự phân biệt phải trái, tốt xấu.
Tại sao ta cứ chấp mọi thứ vào ta, mà không coi đó chỉ là những hiện tượng trong vũ trụ? Đó có thể là sự khác biệt lớn nhất giữa một người sống với tâm an bình, dễ dải và một người cố chấp với mình, với người. Sân hận, tham ái, không phải là tâm hành của riêng một cá nhân nào, không ai làm chủ chúng, chúng là bản tính của tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta biết buông thả, không quá bám víu vào các trạng thái của tâm, là ta đã hủy diệt đưọc một chướng ngại trọng đại nhất. Không thể phủ nhận sự có mặt của tham ái và sân hận. Ngưọc lại vô sân, vô si cũng hiện hữu. Ta có làm chủ tất cả cùng một lúc không? Hay ta chỉ có thể làm chủ từng thứ, từng thứ, phút này qua phút khác? Tại sao lại muốn làm chủ của những cảm thọ này? Chúng có mặt, và chỉ có thế. Khi nhận ra đưọc như thế, là chúng ta đã bước sâu vào thế giới Phật pháp.
Chân lý thâm sâu nhất trong những lời dạy của Đức Phật là không có một cá thể riêng biệt nào hiện hữu. Chúng ta có thể chấp nhận điều này trong tư duy, và tự chứng chúng ở mức độ tình cảm nào đó, nhưng một khi chúng ta còn chưa buông bỏ ý nghĩ thân và tâm thuộc sở hữu của ta, thì ta còn tiếp tục coi mình là quan trọng. Điều này đòi hỏi một quá trình khắc phục lâu dài.
Khi hành thiền, chúng ta thực tập buông bỏ các suy nghĩ, các vọng tưởng, để chỉ chú tâm đến đề tài thiền quán. Nếu không buông xả, ta không thể đi sâu vào thiền định. Trong trường hợp này, tâm cũng phải là một võ sĩ nặng cân. Tâm của người tầm thường nhảy lăng xăng trên các ngọn sóng của vọng tưởng và cảm thọ, dầu đang trong thiền quán. Nếu không thực tập thiền quán suốt trong ngày, việc hành thiền của ta sẽ gặp trở ngại, vì trước khi ngồi xuống chiếu thiền, tâm ta không ở tư thế sẳn sàng. Nếu suốt trong ngày, ta luôn biết buông xả, tâm đã đưọc chuẩn bị, khi tọa thiền, tâm cũng dễ dàng buông xả, để có thể tìm đưọc hạnh phúc, sự trong sáng cho tâm.
Đôi lúc người ta nghĩ đến Phật pháp như là một phương pháp trị liệu, điều đó hẳn nhiên rồi, nhưng đó không phải là mục tiêu tối hậu. Mục đích của Phật pháp là để giúp chúng ta diệt trừ đưọc khổ đau, một lần và mãi mãi, chứ phải chỉ là những giải pháp tạm thời khi đối mặt với khổ đau.
Đã có kinh nghiệm buông xả, dầu chỉ một lần, chứng tỏ là ta đã chất chứa trong lòng những gánh nặng của sân hận, tham ái. Trút bỏ đưọc gánh nặng đó, ta tự giải thoát mình khỏi sự phán đoán tốt xấu, hay dở của nhị nguyên. Thật là thoải mái, khi tâm không phải suy tư, vì tâm hành chỉ mang lại khổ đau.
Nếu mỗi ngày, ta có thể tập bỏ đưọc một hay hai các phán đoán, khen chê, là ta đã tiến một bước khá xa. Ta sẽ nhận biết với lòng khoan khoái rằng khi một cảm thọ dấy khởi lên, ta không cần phải mang nó theo ta suốt ngày. Sự nhẹ nhỏm, khoan khoái trong lòng chứng tỏ rằng ta đã thực hiện đưọc một cuộc khám phá nội tâm vĩ đại và sự giản đơn của tính bất nhị nguyên dẫn ta đến với chân lý.
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8066_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét