Tác giả: Larry Cappel, Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
Vô sanh là thoát ly sanh tử, nhưng muốn vô sanh thì phải chứng quả vô sanh tức là quả a la hán. Còn nếu chưa chứng quả a la hán là còn sanh tử luân hồi. Nhưng để chứng quả a la hán tôi không nghĩ đấy là một chuyện dễ dàng.
Lời người dịch
Sanh tử sự đại là một đề mục lớn của Thiền Tông, và sanh tử luân hồi là một chủ đề phổ thông của Phật Giáo. Nói đến sanh tử luân hồi thì người Phật tử nào cũng nghĩ đến việc thoát ly sanh tử luân hồi. Có sanh là có tử, dường như đấy là một đề tài tiêu cực. Tôi nghĩ rằng chữ sanh chỉ tích cực khi nó đi liền với vô sanh, vãng sanh, và độ sanh.
Vô sanh là thoát ly sanh tử, nhưng muốn vô sanh thì phải chứng quả vô sanh tức là quả a la hán. Còn nếu chưa chứng quả a la hán là còn sanh tử luân hồi. Nhưng để chứng quả a la hán tôi không nghĩ đấy là một chuyện dễ dàng.
Độ sanh, thì đây là hạnh nguyện của Bồ tát và Phật, là những bậc đã chứng quả, những bậc đã thoát ly sanh tử nhưng còn trở lại cõi tử sanh để hóa độ chúng sanh thoát khổ.
Duy chỉ có vãng sanh là nhờ nương nơi tha lực của Đức Phật Di Đà mà Phật tử mới có thể thoát ly sanh tử một cách tương đối phổ thông hơn.
Tâm thành nguyện hướng Vô Lượng Quang
Công đức Thế Tôn khó nghĩ bàn
Sáu chữ Di Đà không tưởng khác
Chẳng tốn khảy tay đến Lạc Bang
Chứng ngôi bất thối vô sanh nhẫn
Phân thân vô số độ trần gian
Tuy vậy, trong Phật tử lại có người nghi ngờ về một cõi như vậy, người thì nói là Đức Phật không đến, như kinh tạng Nam truyền của Theravada chẳng hạn; người thì lại nói "tịnh độ duy tâm". Theo Thiền sư Nhất Hạnh thì Kinh Ðại Thiện Kiến vương (Mahàsudassana sutta) của Trung A Hàm có mô tả những chi tiết tương tự như cõi Cực Lạc. Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nói rằng " Vô số ngôi sao và chòm sao mà chúng ta thấy ngày nay đã được hình thành và khám phá từ từ, nhưng điều hấp dẫn là khi dùng những viễn vọng kính càng tối tân, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều hơn và nhiều hơn những ngôi sao và sự sống. Do vậy, càng có năng lực để nhìn thấy sự vật, chúng ta càng có nhiều sự kiện hơn để nhìn thấy." Đại sư Vạn Đức Trí Tịnh thì nói rằng người tu Tịnh Độ chứng đạo thì, "Muốn về Cực lạc lúc nào thì về" đây quả là minh chứng của câu: "Lục tự Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương" chứ không phải là một câu để đọc lên nghe cho sướng lỗ tai.
Về điểm thứ hai là những người thuộc Bắc Tông, nhưng lại cho là "tịnh độ duy tâm" nên không có cõi Cực Lạc nên không cần cầu đến đấy, nhưng không lẽ như thế thì "ta bà duy vật" . Thật sự người ta nói như thế nhưng lại quên có món nào lại không duy tâm, như câu "ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo". Nhưng có một câu cụ thể hơn, để đáp lại câu "tịnh độ duy tâm" đấy là "tam giới duy tâm" là thế giới con người đang hiện diện. Trong bài dưới đây, nhà tâm lý trị liệu Larry Cappel cũng dùng luận chứng trên và nói rằng " chúng ta cần nhớ giáo lý về tánh không và nhớ rằng tất cả lục đạo tồn tại trong tâm thức," và để chuyển hóa tâm thức đến thế giới Cực Lạc vì " Chúng ta trải nghiệm trái đất và thế giới của chúng ta như là rất thật, và Cực Lạc (Dewachen) có thể như thật đối với chúng ta như trái đất và thế giới con người đối với chúng ta hiện nay. Chúng là thật trong một ý nghĩa tương đối: chúng rõ ràng thực tiển, là điều thật sự không thể tách rời với những gì chúng ta gọi là tánh không." Và nếu ai tin Long Thọ[1] mà không tin cõi Cực Lạc thì nghĩ cũng lạ.
Không nghi ngờ gì, thế giới ta bà hay thế giới chúng ta hiện hữu là do tập hợp nghiệp lực của tất cả chúng ta hình thành nên. Nếu chúng ta có thể chuyển hóa thế giới này thành một cõi Cực Lạc thì chúng ta không cần phải mong cầu đến Cực Lạc, mà như thế thì mỗi chúng ta cùng phát nguyện để biến thế giới chúng ta thành Cực Lạc, bằng không có những thệ nguyện bồ tát độ sinh mạnh mẽ lớn lao như vậy thì chúng ta phải phát nguyện thoát ly sinh tử khổ đau (và phải chứng quả vô sinh giải thoát) hay phát nguyện vãng sinh Cực Lạc vì như chúng ta đã biết cõi Cực Lạc do thệ nguyện của Đức Phật Di Đà tạo nên, nhưng cũng có thể nói Cực Lạc là do nghiệp thanh tịnh của chúng sinh tạo thành, nên chúng ta có thể cùng tạo nghiệp thanh tịnh,cùng tạo nhân tương ưng , cùng phát nguyện sinh để hòa nhập vào thế giới Cực Lạc. Và khi đã hoàn thành đạo nghiệp giác ngộ ở Cực Lạc thì chúng ta có thể tùy duyên hóa độ chúng sinh ở cõi Ta bà chứ không an nhàn nơi cõi tịnh mà thôi. Đấy là ý nghĩa tích cực của Tịnh Độ tông.
"Tịnh độ duy tâm" một câu nghe lý tưởng và hơi huyền ảo nhưng lại rất thực vì như thế chúng ta có thể chuyển hóa tâm thức chúng ta. Khi đọc Duy biểu học ngay bài đầu:
Tâm là đất gieo hạt
Bao hạt giống gieo đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy.
Vì thế chắc chắn rằng mỗi suy nghĩ tương ưng, mỗi hành vi tương ưng là mỗi bước thể nhập. Nếu có lòng tin Đức Phật Di Đà, có phát nguyện vãng sanh Cực Lạc thì mỗi câu niệm Nam mô A Di Đà Phật của tôi cũng là 'mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ[2]', một hạt giống để tạo nhân thể nhập Cực Lạc của Phật A Di Đà vậy.
Tay lần tràng hạt cõi Ta bà
Cầu nguyện thân quyến khắp gần xa
Hiện tại an vui tăng phước huệ
Mai sau hẹn gặp cõi Di Đà
Nam mô A Di Đà Phật
Thành kính dâng lên Đức Phật Vô Lượng Quang nhân ngày Thánh đản 17/11/Nhâm Thìn - 29/12/2012
Tuệ Uyển
PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH CỰC LẠC
Trong hai lời hồi hướng chúng tôi thường hát tại Sukhasiddhi chúng tôi nguyện cầu đi đến Cực Lạc vào lúc cuối cuộc đời này. Trong bài ca của Milarepa, chúng tôi hát, "Kiếp sống tới, xin cho chúng con gặp nhau ở thế giới Tịnh độ", liên hệ đến cõi tịnh độ của Đức Phật A Súc Bệ, và trong bài ca của Khenpo Tsultrim, "Nguyện cho quý vị được sinh ra trong cõi Cực Lạc phương Tây" là cõi tịnh độ của Đức Phật Di Đà, cũng được biết trong Phạn ngữ là Sukhavati và Tạng ngữ là Dewachen. Cực Lạc của Phật Di Đà được xem như là cõi tịnh độ khả dĩ nhất cho con người đạt đến sự thâm nhập. Trong năm gia đình Phật[3], Đức Phật Di Đà là vị Phật chính của gia đình Hoa Sen, thường có hình trong hướng Tây của mạn đà la gia đình Phật. Mỗi Đức Phật có một cõi tịnh độ, nhưng như được dạy rằng tất cả những cõi tịnh độ khác đòi hỏi những điều kiện khó thâm nhập hơn nhiều so với cõi Cực Lạc của Đức Phật Di Đà.
Ngày nay, những gì được gọi là pháp môn Tịnh Độ của Đạo Phật là thường thấy nhất ở những trường phái Phật Giáo Nhật Bản. Tịnh Độ tông thỉnh thoảng được gọi là trường phái "tha lực" của Đạo Phật, tập trung trên tín, hạnh và nguyện như con đường để giác ngộ. Điều này tương phản với Thiền tông một cách lịch sử tập trung hơn trên "tự lực", thực tập cần mẫn trong tham thiền và hành động để giải quyết những vấn đề của tự thân như con đường giác ngộ. Truyền thống Tây Tạng bao hàm cả những quan điểm này như hai trong nhiều phương tiện thiện xảo cho việc đạt đến giác ngộ. Trong cả hai bài ca này bởi những đại đạo sư của chúng tôi, chúng tôi được khuyến khích để phát triển niềm tin, và hồi hướng cũng như hoạt động cần mẫn trong tham thiền.
Theo những gì mà Đức Phật Thích Ca đã dạy trong kinh Tiểu bổn và Đại bổn Di Đà, nhiều kiếp xa xưa Pháp Tạng Tỳ Kheo đã phát nguyện rằng một khi đạt đến Quả Phật, tất cả những ai tin tưởng trong Ngài và trì niệm danh hiệu Ngài có thể sinh ra trong thế giới Tịnh độ của Ngài và ở đấy cho đến khi đạt đến Niết Bàn. Pháp Tạng sau đó đã dành nhiều a tăng kỳ kiếp tích tập phước đức và tuệ trí cần thiết để trở thành một vị Phật. Sau đó Ngài đã dùng công đức để tạo nên cõi Cực Lạc để hoàn thành đại nguyện và trở thành Đức Phật A Di Đà. Như một kết quả của đại nguyện, cõi Tịnh độ của Ngài, Cực Lạc, hình thành hiện hữu và được xem như là cõi tịnh độ dễ thâm nhập nhất cho chúng ta, những chúng sinh bình thường. Việc đạt đến tùy thuộc trên sức mạnh và lòng chân thành của nguyện ước để đến đấy, sự hồi hướng của chúng ta, và trong rèn luyện trong sự thực tập Phowa[4], sự thực hành chuyển hóa tâm thức. Hồi hướng đến Đức Phật Di Đà có nghĩa hồi hướng đến những gì Ngài biểu hiện: lòng từ bi vô lượng của Ngài và sự đáp ứng vô biên của thể trạng tỉnh thức đến những chúng sanh khổ đau. Trong truyền thống Kim Cương thừa chúng tôi xem Đức Phật Di Đà không tách rời với tâm tỉnh thức của chính vị đạo sư của chúng tôi.
Đức Phật Thích Ca đi đến giải thích rằng cõi Cực Lạc là môi trường lý tưởng để học tập và thực tập giáo pháp và đạt đến giác ngộ. Trong tiểu kinh Cực Lạc (tiểu bổn Di Đà) Đức Phật Thích Ca đã nói với đệ tử Xá Lợi Phất rằng:
Những chúng sanh ấy nghe [lời này] nên phát nguyện, 'tôi nguyện xin được sanh về nước ấy.' Và tại sao? Những người đạt đến là tất cả những người siêu việt và hoàn hảo, tất cả cùng đến trong một nơi. Xá Lợi Phất, người ta không thể dùng chút ít căn lành, gia hộ , đạo đức và nhân duyển để được sanh trong cõi ấy. Xá Lợi Phất, nếu có người nam lành hay nữ lành người được nghe nói đến 'A Di Đà Phật' và thọ trì danh hiệu, cho dù một ngày, hai ngày, ba, bốn, năm ngày, sáu ngày, dài như bảy ngày, với tâm không rối rắm, khi người này sắp chấm dứt đời sống, trước mặt người ấy sẽ xuất hiện Đức Phật Di Đà và tất cả các hàng Thánh Chúng. Khi lâm chung tâm người ấy không bị đảo lộn; trong cõi Cực Lạc của Phật Di Đà người ấy sẽ được tái sinh. Xá Lợi Phất bởi vì ta thấy lợi ích này, ta nói những lời này: nếu chúng sanh được nghe lời này họ nên phát lời nguyện, 'tôi sẽ được sanh trong cõi ấy.'
Sẽ hoàn toàn không đúng để nghĩ vê Cực Lạc như một vị trí vật chất, một thế giới nào đó mà chúng ta đi đến. Nhằm để thấu hiểu điều này, chúng ta cần nhớ giáo lý về tánh không và nhớ rằng tất cả lục đạo tồn tại trong tâm thức[5], điều gì đấy khó để nhớ khi những hoàn cảnh hằng ngày dường như được làm phù hợp một cách hoàn hảo theo những kiểu mẫu nghiệp chướng hoạt hóa. Từ một quan điểm tương đối, chúng tôi nói về Cực Lạc như một chốn được tạo nên bởi chư Phật vì lợi ích của chúng ta. Nhưng từ một quan điểm tuyệt đối thì Cực Lạc là cái thấy thuần khiết của chúng ta. Do vậy, khi chúng ta 'đi' đến Cực Lạc thì chúng ta không phải đang đi đến một thế giới vật chất khác biệt. Thay vì thế chúng ta đang chuyển hóa tâm thức của chúng ta đến một sự tỉnh thức mới với những nhận thức khác biệt, một thể trạng của tâm thức[6] dễ lãnh hội hơn để đạt đến giác ngộ. Cực Lạc không là một sự giác ngộ hoàn toàn, nhưng là một nơi chư Phật và Bồ Tát liên tục cung ứng những giáo pháp trong một môi trường tuyệt hảo nhất cho việc phát triển trên con đường giác ngộ. Chúng ta trải nghiệm trái đất và thế giới của chúng ta như là rất thật, và Cực Lạc hay Dewachen có thể như thật đối với chúng ta như trái đất và thế giới con người đối với chúng ta hiện nay. Chúng là thật trong một ý nghĩa tương đối: chúng rõ ràng thực tiển, là điều thật sự không thể tách rời với những gì chúng ta gọi là tánh không.
Trong kinh Đại Bổn Di Đà (Vô Lượng Thọ kinh) Đức Phật Thích Ca diễn tả trong chi tiết tỉ mỉ hơn những gì ở Cực Lạc ra sao. Nó giống như một nơi huy hoàng rực rở, nơi những con chim hát lời diễn giảng giáo Pháp, những ao hồ tuyệt đẹp tự động thay đổi nhiệt độ và chiều sâu của chúng, tất cả cây cối có hoa trái chín muồi thật ngon lành, giáo huấn Pháp bảo tự vang âm đồng thời, và nhiều nhiều chi tiết sáng chói khác nữa. Tất cả những điều này, được hoàn thành để tạo nên một môi trường lý tưởng để chúng ta học hỏi và thực tập giáo Pháp mà không có những xao lãng như chúng ta trải nghiệm ở đây trong thế giới tham dục. Như những pháp đồ chuyên dụng, những người học hỏi một cách cần mẫn và phát triển những phẩm chất sùng tín, phước đức, trí tuệ, tất cả chúng ta đều được hoan nghênh ở Cực Lạc. Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ lại gặp nhau ở Cực Lạc và khao khát như Khenpo Tsultrim chỉ dạy trong bài ca của ngài: "Và một khi sinh ra ở đấy, chúng ta hoàn tất các địa (thập địa Bồ Tát[7]) và những con đường (năm con đường: tích tập, chuẩn bị, thấy đạo, thiền định, và hoàn thành[8].)"
Larry Cappel là một nhà tâm lý trị liệu ở Denver và Louisville Colorada và cũng là thủ lĩnh của Community Dharma được ủy quyền bởi Tổ Chức Sukhasiddhi, một trung tâm Phật Giáo Tây Tạng. Có thể tìm hiểu thêm và liên lạc với ông theo địa chỉ sau: www.downtowndenvertherapy.com hay www.therapylouisvilleco.com
Nguyên tác: "May You Be Born in the West in Sukhavati"
Ẩn Tâm Lộ ngày 08-04-2012
Các bài liên hệ:
LONG THỌ VỚI PHẬT DI ĐÀ VÀ CÕI TỊNH ĐỘ
BÀI PHÁT NGUYỆN VÃNG SINH CỰC LẠC
CỰC LẠC VÀ LUÂN HỒI: BẤT NHỊ TRONG TỊNH ĐỘ TÔNG
THIỀN QUÁN VỀ ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG
[1] LONG THỌ VỚI PHẬT DI ĐÀ VÀ CÕI TỊNH ĐỘ
[2]Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ
Mỗi cái nhìn thấy được pháp thân
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ - Nhất Hạnh
[3] Trung ương: Phật Tỳ Lô Giá Na, Đông phương: Phật A Súc Bệ, Nam phương: Phật Bảo sinh, Tây phương: Phật A Di Đà, và Bắc phương: Phật Bất Không Thành Tựu.
[4] THIỀN QUÁN VỀ ĐỨC PHẬT VÔ LƯỢNG QUANG
[5] Tam giới duy tâm
[6] Tịnh độ duy tâm
[7] (1-Hoan hỉ địa, 2-Ly cấu địa, 3- Phát quang địa, 4- Diệm huệ địa, 5- Nan thắng địa, 6- Hiện tiền địa, 7- Viễn hành địa, 8- Bất động địa, 9- Thiện tuệ địa,10- Pháp vân địa).
[8] Tương đương với: Tư lương đạo, Gia hạnh đạo, Kiến đạo, Tu tập đạo, và Cứu kính đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét