Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Giai thoại về mỹ nhân được đức Phật ca tụng

Người con gái có vẻ đẹp hoàn mỹ và tấm lòng vị tha này từng được đức Phật Thích Ca Mâu Ni xưng tụng rằng: 'Visakha chính là người đứng đầu trong những nữ thí chủ bảo hộ cho tăng đoàn.

Mỗi ngày, Visakha đều tìm thời gian và cơ hội để cung dưỡng cho các tỳ kheo, lễ bái các chùa, đồng thời đảm bảo lương thực, quần áo, nơi ở cũng như thuốc thang cho các tỳ kheo và tỳ kheo ni. Điều quan trọng là, dù bận bịu tới mấy, Visakha cũng dành thời gian để nghe Phật pháp.

Cô gái “ngũ mỹ”

Visakha sinh ra tại thành phố Saketa, một thành trì nằm gần thủ đô Savatthi của nước Kosala. Cha bà là  Dhananjaya, con trai của Mendaka, một người rất giàu có và có hảo tâm lớn ở nước Anga.

Thời bấy giờ tại thủ đô Kosala có một nhà giàu khác tên là Migara. Con trai của Migara là Punnavaddhana đã tới tuổi trưởng thành nên cả Migara và vợ đều thúc giục chàng ta mau chóng kết hôn. Tuy nhiên, anh kiên quyết rằng chỉ lấy vợ khi nào tìm được người phụ nữ có đủ “ngũ mỹ” (5 thứ đẹp) là: tóc đẹp, người đẹp, răng đẹp, da đẹp và trẻ đẹp.

Để đáp ứng nguyện vọng của con trai, cha mẹ anh đã mời một đội Bà la môn đi khắp nơi tìm cô gái có đủ ngũ mỹ như yêu cầu của con trai. Những thầy tu Bà la môn đi khắp nơi trong cả nước Kolasa, song không thể tìm thấy cô gái nào có đủ cả ngũ mỹ như yêu cầu. Cô được cái này thì mất cái kia, được răng đẹp thì tóc lại xấu, mà được người đẹp thì da lại xấu.

Chán nản, các thầy tu Bà la môn quyết định trở về. Trên đường về, họ đi qua thành Saketa đã bắt gặp Visakha, khi đó chỉ mới 14 – 15 tuổi. Ngay lập tức họ bị vẻ đẹp của cô gây chú ý. Quan sát một hồi, các thầy tu Bà la môn khẳng định rằng, ở cô có 4 yếu tố đẹp, duy chỉ có răng là không nhìn thấy nên không biết có đẹp hay không. Để nhìn thấy răng của bà, họ đã quyết định tới gần trò chuyện.

Lúc bấy giờ, bà đang giặt quần áo cùng chúng bạn bên bờ sông. Đúng lúc đó thì trời đổ mưa to, các cô gái khác đều chạy vào trong tìm chỗ trú, duy chỉ có mình bà là đi rất chậm rãi. Các thầy tu Bà la môn thấy vậy liền chạy tới hỏi: “Vì sao cô lại không vội vàng tìm chỗ trú mưa như các cô bạn của mình?”.

Visakha đáp: “Giống như quốc vương không chạy trú mưa như những người dân bình thường, các cô gái trong một gia đình tốt cũng không chạy trú mưa. Ngoài ra, là một cô gái chưa kết hôn, tôi phải chăm sóc bản thân như một món hàng đợi giá, tránh làm tổn thương bản thân mà trở thành một người vô dụng”.

mynu2

Visakha cùng cha mẹ chồng đảnh lễ đức Phật.

Các thầy tu Bà la môn rất ấn tượng với lối đối đáp của cô nên quyết định tìm cha mẹ cô để cầu hôn cho cậu chủ của mình. Cha cô đã đồng ý lời thỉnh cầu của các thầy tu Bà la môn. Các thầy tu trở về vui vẻ báo tin với Migara và cậu chủ của mình. Ít lâu sau, Migara và con trai cùng toàn bộ gia đình đã tới Saketa để đón cô dâu trở về nhà. Quốc vương của Kosala nghe tin này cũng dẫn toàn bộ những người trong cung tham gia vào đoàn người đón cô dâu mới của nhà Migara.

Để đón chào sự kiện trọng đại trong cuộc đời Visakha, các thợ kim hoàn trong thành Sateka, những người đã chịu ơn bố của cô, quyết định làm tặng cô những món đồ châu báu đẹp nhất. Tuy nhiên, 3 tháng sau, món đồ vẫn chưa làm xong trong khi củi nấu cơm để đãi các vị khách từ thủ đô tới thì đã hết.

Trong hai tuần sau đó, các thợ kim hoàn trong thành Sateka đã quyết định dỡ nhà của mình để lấy củi nấu cơm đãi khách. Dù vậy, món đồ trang sức vẫn chưa thể làm xong. Để lưu các vị khách từ nhà trai tới, chờ cho món đồ làm xong mới đưa cô dâu trở về, những người trong thành Sateka một lần nữa phải lấy toàn bộ quần áo trong tủ, tẩm dầu rồi mang tới làm củi nấu cơm. Thêm hai tuần nữa trôi qua, cuối cùng món đồ trang sức đã hoàn thành, cô dâu Visakha đa có thể theo tân lang trở về.

Cha của Visakha cũng cho con gái hàng trăm xe chất đầy tơ lụa, vàng bạc, cũng như các người hầu. Ông còn cho Visakha rất nhiều gia súc, mà số lượng của chúng có thể đứng kín tất cả con đường của thành Sateka. Nhờ có những món tài sản khổng lồ này, Visakha mới trở thành người “bố thí số một” trong số các nữ đệ tử của đức Phật.

Độ hóa cha mẹ chồng

Ngày tới thủ đô Savatthi, Visakha nhận được cơ man lễ vât của tất cả các tầng lớp dân cư trong thành. Tuy nhiên, sẵn tấm lòng từ bi, lại nhân hậu và rộng rãi, cô cảm ơn rồi đem những món lễ vật ấy tặng lại cho họ một cách thành kính. Tất cả những người dân trong thành Savatthi tới chúc mừng, dù thân phận, địa vị ra sao, bà đều cư xử một cách thân tình, giống như anh em ruột thịt của mình. Nhờ hành động đáng quý này, ngay từ ngày đầu tiên ở nhà chồng, bà đã nhận được sự yêu mến của tất cả dân chúng trong thành.

Migara, cha chồng của bà, không theo Phật giáo. Vì vậy, mặc dù khi đó đức Thích Ca Mâu Ni sống tại một tự viện ngay ở gần nhà, ông chưa bao giờ mời ngài tới nhà cung dưỡng. Sau ngày hôn lễ của con trai không lâu, để tạo phúc cho con cháu sau này, ông đã mời rất đông các sa môn tới nhà để cung dưỡng. Khi các sa môn tới, ông nói với Visakha: “Tới đây, con ta! Hãy kính lễ với các A La Hán”.

Bà nghe thấy ba tiếng “A La Hán” thì rất vui, vội vàng chạy tới sảnh chính, những mong được gặp các tỳ kheo Phật giáo. Tuy nhiên, khi tới nơi, bà chỉ nhìn thấy những sa môn với thái độ ngạo mạn và vô lễ. Bà trách cha chồng rồi quay về phòng, không tiếp đãi đám sa môn ngạo mạn. Các sa môn này thấy thế tức giận đòi Migara đuổi cô con dâu ra khỏi nhà.

Một ngày khác, Migara đang ăn cháo mật thì một vị tỳ kheo tới nhà khất thực. Visakha lúc đó đang đứng quạt cho cha chồng, vội đứng lên để nhìn thấy vị tỳ kheo này và mang đồ cung dưỡng cho ông ta. Tuy nhiên, vị tì kheo này không hề được Migara để ý. Ông giả như không nhìn thấy, tiếp tục ăn bát cháo của mình. Visakha thấy thế giận lắm, vội tiến tới nói với tỳ kheo: “Đi đi, tôn giả! Cha chồng tôi đang ăn thứ không sạch sẽ gì!”.

Migara thấy con dâu nói vậy rất tức giận, muốn đuổi cô ra khỏi nhà. Tuy nhiên, các gia nhân mà bà mang theo từ nhà mình tới nhất định không chịu làm theo yêu cầu của ông. Sau chuyện này, Visakha nói với chồng mình là muốn trở về nhà cha mẹ đẻ. Cha chồng của cô lúc này đã biết lỗi, cô mới đồng ý ở lại. Điều kiện mà cô đưa ra là cho phép bà mời một tăng đoàn tới nhà cung dưỡng.

Cha chồng đồng ý, tuy nhiên, do là người theo tôn giáo khác, ông sẽ không tự mình tiếp đón mà chỉ đứng ở phía sau rèm nghe đức Thích Ca Mâu Ni khải thị. Nhưng, những gì xảy ra sau đó đã vượt khỏi dự kiến của ông. Những lời giảng giải thâm sâu của Phật đã đánh động tâm hồn của ông. Vì vậy, ông đã bước ra, đảnh lễ với đức Phật và xin được quy y tam bảo. Mẹ chồng của Visakha thấy vậy cũng xin được gia nhập tăng đoàn của đức Phật. Visakha trở thành người độ hóa cho chính cha mẹ chồng của mình.

Mỗi ngày, Visakha đều tìm thời gian và cơ hội để cung dưỡng cho các tỳ kheo, lễ bái các chùa, đồng thời đảm bảo lương thực, quần áo, nơi ở cũng như thuốc thang cho các tỳ kheo và tỳ kheo ni. Điều quan trọng là, dù bận bịu tới mấy, Visakha cũng dành thời gian để nghe Phật pháp. Vì thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng: “Visakha chính là người đứng đầu trong những nữ thí chủ bảo hộ cho tăng đoàn”.

Bà sống tới năm 120 tuổi mới mất, tuy nhiên, cho tới lúc chết, hình dáng bà vẫn xinh đẹp như hồi còn trẻ.  Người ta nói rằng, điều này chẳng phải phép thần thông gì mà chính là nhờ bà luôn luôn vui vẻ, sẵn sàng làm phúc cho những ai nghèo khó hơn mình.

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/phuoc-duc-cong-duc/13063-giai-thoa-i-ve-my-nhan-duo-c-duc-pha-t-ca-tung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét