Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Giảm thiểu khổ đau

batchanhdao

GN - Hiểu sâu sắc quy luật duyên sinh và nhân quả, con người sẽ hạn chế được rất nhiều nỗi khổ, xảy ra cho mình và người khác.

Khổ là sự khó chịu, bất như ý, bất toại nguyện, là trạng thái tâm lý trái ngược với vui, sung sướng, hạnh phúc, thoải mái, dễ chịu, hài lòng, hân hoan, thỏa mãn…  Nỗi đau đớn, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, bất mãn, thất vọng, tuyệt vọng v.v… được xem là khổ.

Khổ biểu hiện ở hai phương diện: thân khổ và tâm khổ. Thân khổ là nỗi khổ ở thân (cơ thể), chẳng hạn như cảm giác đau đớn, khó chịu do đói khát, lạnh nóng, tai nạn, bệnh tật. Tâm khổ là nỗi khổ ở tâm (có thể tạm  hiểu là tâm lý), chẳng hạn như buồn phiền, bất mãn, căng thẳng, bực bội, lo lắng, sợ hãi, bất an.

Thật ra thân và tâm có mối tương quan mật thiết, do đó những nỗi khổ ở thân sẽ dẫn đến những nỗi khổ ở tâm và ngược lại, những nỗi khổ ở tâm cũng dẫn đến những nỗi khổ ở thân. Ví dụ, khi thân đau nhức thì tâm trạng khó chịu, bực bội, dễ sinh nóng giận. Khi tâm âu lo, buồn phiền, căng thẳng thì cơ thể uể oải, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu tình trạng đó kéo dài dễ sinh các bệnh đau dạ dày, tim mạch, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.

Thường người ta dùng từ “khổ đau” để chỉ nỗi đau đớn, khổ sở nói chung. Tuy nhiên có thể nói nỗi đau là những gì khó chịu nơi thân và nỗi khổ là những gì khó chịu nơi tâm. Bởi vì có nhiều trường hợp có đau nhưng không có khổ, hoặc chỉ có ít nỗi khổ. Có trường hợp có khổ nhưng không có đau, hoặc chỉ có ít nỗi  đau. Điều này tùy thuộc vào khả năng chịu đựng và nhất là tâm lý, ý chí của mỗi người. Ví dụ, người lớn bị đứt tay chỉ có đau chứ không có khổ, nhưng trẻ em đứt tay thì có cả nỗi đau lẫn nỗi khổ. Một người có rèn luyện thân thể, ý chí như các võ sĩ chẳng hạn, khi bị các vết thương nơi thân, họ cảm nhận nỗi đau ít hơn so với những người bình thường khác. Những vị tu hành có định tuệ, có năng lực quán chiếu thâm sâu thì những nỗi khổ, nỗi đau bị hạn chế đến mức tối thiểu, hoặc hơn thế nữa là chúng không xuất hiện như thiền chứng của Diệt thọ tưởng định.

Có rất nhiều loại nỗi khổ niềm đau, nhưng chúng đều xuất hiện và tồn tại trên nền tảng chấp ngã và tham ái. Càng chấp ngã, càng tham ái thì càng có nhiều nỗi khổ niềm đau. Những người có nhan sắc, yêu chuộng vẻ đẹp dung mạo, hình thể sẽ đau khổ gấp nhiều lần so với người khác một khi nhan sắc bị tàn phai. Người có lòng tự tôn, tâm ngã mạn càng cao thì càng dễ bị sốc, dễ bị tổn thương và khổ não càng nhiều khi bị coi thường, bị xúc phạm.

Ai tham luyến nhiều thì khi đối diện với cái chết, họ rất lo sợ, tâm lý khủng hoảng. Nhưng người hiểu chuyện tử sinh là lẽ thường, mọi thứ đều do duyên sinh, vô ngã, vô thường, không gì tồn tại thường hằng bất biến, hiểu được như thế nên tâm buông xả, không tham luyến, nhờ đó mà không lo lắng sợ hãi, không khổ não bất an khi mình lâm trọng bệnh hoặc khi sắp từ giã cõi đời.   

Nỗi đau, nỗi khổ cũng dễ bị khuếch đại, làm tăng lên do cái “tưởng” của con người. Tưởng là tri giác, hồi ức, hình dung về những gì mình thấy nghe, kinh nghiệm. Ví dụ một người bệnh không đến nỗi nào, nhưng cứ nghĩ mình bị bệnh nan y nên ngày đêm lo sợ, khiến cho anh ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần mệt mỏi, bệnh tật càng trở nên trầm trọng. Tất cả đều do “tưởng” mà ra.

Người ta thường cho rằng nghèo là một cái khổ. Nhưng nếu nghèo là khổ thì những người giàu không khổ, cớ sao những người giàu vẫn khổ. Bởi vì khổ hay vui là trạng thái của tâm, những điều kiện bên ngoài có sức tác động, ảnh hưởng nhiều hay ít đều tùy thuộc vào tâm lý tiếp nhận của con người. Mà tâm lý tiếp nhận của con người tùy thuộc vào nhận thức, năng lực tu tập. Đây là điểm mấu chốt khiến cho con người vui, khổ nhiều hay ít, sống có an lạc hạnh phúc hay không trên cuộc đời này.

Kỳ thật nỗi khổ do thiếu thốn, vất vả nhọc nhằn thì ít, mà nỗi khổ do tự mình tạo ra thì nhiều: Do tâm so sánh, do tâm nhận thức sai lầm, do tâm tham muốn nhưng không toại nguyện…, vì những tâm tưởng như thế mà khổ não, bất an.          

Khi có nhận thức đúng đắn, tích cực, hiểu được bản chất, quy luật của đời sống, của các sự vật, hiện tượng trong thế giới quanh ta và trong chính chúng ta; khi có sự rèn luyện tâm lý, ý chí thì chúng ta có thể làm giảm thiểu những nỗi khổ niềm đau mà mình gặp phải và không tạo ra cho mình những nỗi khổ mới. Nếu hiểu sâu sắc quy luật duyên sinh và nhân quả, con người sẽ hạn chế được rất nhiều nỗi khổ, niềm đau xảy ra cho mình và người khác.

Phan Minh Đức

http://giacngo.vn/phathoc/2013/04/11/12D60A/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét