Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Cơm chay thực dưỡng

thucduong 009

Rau củ xào nấm, xào  chỉ nêm muối, thật là nhẹ nhàng

thucduong 021

Cơm thực dưỡng ba món gồm món xào, kho và canh. Mâm cơm này dọn cho Thầy.

thucduong 025

Chả chay và bì chay ăn với bún hay mì Nhật và nước tương pha. Còn món kho ăn với canh chua chay

thucduong 027

Nước hạt chia với mật ong, theo thực dưỡng thì mình không uống lạnh, nên không cho nước đá vào thẳng trong nước chia, mà chỉ cho nước đá vòng vòng tô cho lành lạnh thôi.

thucduong 033

Mọi người ăn 1 tô cháo thực dưỡng  trước khi chia tay.

Buổi họp mặt này thật là thú vị vì mình vừa được học cách nấu thực dưỡng, vừa được nghe Thầy thuyết Pháp về nhân quả và vừa được niệm Phật chung với bạn đạo. Mọi người ra về với tâm hồn an vui nhẹ nhàng, cảm nhận được thân tâm mình vừa được tưới tẩm với những gì tinh khiết nhất. Cảm ơn Loan đã chia sẻ các món ăn thực dưỡng đến với mọi người.

Chúc các bạn có được nhiều ngày họp mặt thật ấn tượng.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Diệu Sương

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Mì Nhật với Tekka – Loan

thucduong 013

Loan mua mì Nhật ở chợ Hàn Quốc, luộc ra ăn với Tekka rất ngon. Mì luộc thì dễ, ai làm cũng được, nhưng Loan muốn giới thiệu đến các bạn 2 loại mì mà Loan thường dùng.

thucduong 012

Công thức Tekka có ở đây: http://www.amthucchay.org/2012/07/tekka-mon-ngon-bo-duong.html

thucduong 032

Chúc các bạn nấu được nhiều món thực dưỡng thật ngon.

Loan

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Chương Trình Ánh Sáng Phật Pháp Kỳ 41 – ĐĐ Thích Minh Thành

Ngày 14/07/2013 nhằm (07/06 Quý Tỵ), hàng ngàn thiện nam tín nữ Phật tử đã về chùa Hoằng Pháp tham dự một ngày tu niệm Phật.

Vào 7h30, thiện nam tín nữ Phật tử vân tập về các khu vực giảng đường để tham dự Chương Trình Ánh Sáng Phật Pháp Kỳ 41 qua phần giải đáp của Đại đức Thích Minh Thành - giảng viên các trường Phật học tại TP. HCM, và phần nhận định của Thượng tọa Trụ trì Thích Chân Tính - chủ nhiệm chương trình.

Dưới đây là phần nội dung cụ thể các câu hỏi chương trình Ánh Sáng Phật Pháp Kỳ 41.

4

Câu 1: Kính bạch quý Thầy!

Trong quá trình hội nhập, xã hội hiện nay phát triển một cách rất đa dạng và phong phú, nhất là sự phát triển như vũ bão của nền khoa học công nghệ. Tuy nhiên mặt trái của sự phát triển ấy là những giá trị đạo đức của con người đang đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng. Con người vì lợi nhuận bất chấp thủ đoạn để giết hại nhau, môi trường sống xung quanh tràn lan những tệ nạn và sự bất an. Trước những thực trạng trên thì đạo Phật có vai trò như thế nào để góp phần tạo nên một xã hội trong sạch, lành mạnh và bình yên. Kính mong quý Thầy hoan hỷ chỉ dạy!

Câu 2: Kính bạch quý Thầy!

Trong đời sống gia đình, tình cảm và nhất là trong công việc đôi khi chúng con rơi vào những trạng thái căng thẳng, bế tắc thậm chí nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Những lúc như vậy chúng con cảm thấy chán nản và thất vọng, không có chút sinh lực nào để vượt qua những khó khăn, vất vả ấy. Mong quý Thầy chỉ dạy cho Phật tử chúng con một phương pháp thực tập để có được sự bình an, thảnh thơi trong cuộc sống đầy tất bật này. Chúng con xin biết ơn quý Thầy!

Câu 3: Kính bạch quý Thầy!

Con có cha mẹ già, nhưng ông bà lại không biết đến chùa, không tin Phật pháp. Mỗi khi nhắc đến chùa chiền là ông bà lại gạt phắt đi. Nay con muốn khuyên cho cha mẹ con biết đến Phật pháp để sau này an vui tuổi già cũng như để khỏi phải đau khổ. Nhưng con không biết phải khuyên và làm như thế nào để cha mẹ con tin và nghe theo. Kính mong quý Thầy chỉ bày cách thức cho con. Thành kính tri ân quý Thầy!

Sau khi chương trình kết thúc, thiện nam tín nữ Phật tử bước vào thời công phu niệm Phật, kinh hành.

Vào 15h, ngày tu kết thúc. Trong ngày tu, BTC đã phục vụ thiện nam tín nữ Phật tử về dự tu 2000 phần bánh mì dùng điểm tâm sáng, 27.000 phần ăn trưa và gửi tặng VCD Thọ trì tịnh giới, sổ tay Nội quy, nghi thức khóa tu Phật thất và tờ bướm Điều cần biết về chùa Hoằng Pháp.

Ốc đảo tự thân: Chương 18 – Đối với bản thân

ayya-khemaokỐC ĐẢO TỰ THÂN
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

Hoàn Thiện Con Đừơng Tu

Chương 18
Đối Với Bản Thân

   Kinh Từ Bi đã chỉ cho hành giả biết phải đối xử với tha nhân như thế nào -phải thương yêu họ như thương người thân.  Nhưng kinh này không dạy chúng ta phải đối với bản thân phải như thế nào.  Dĩ nhiên là ta phải đối với bản thân giống như ta đối với tha nhân.

   Vì tất cả chúng sanh ai cũng đều lo cho chính bản thân trước hết, nên điều quan trọng là ta cần phải biết vấn đề mình đang đối đầu là gì.  Với sự có mặt của tha nhân ở chung quanh, ta có ảo giác mình đang phải đối đầu với thế giới quanh ta.  Trên thực tế, chính là chúng ta luôn luôn phải đối mặt với tâm bất tịnh, hay thanh tịnh của mình.  Tất cả những ngoại cảnh diễn ra quanh ta chỉ là một chuỗi những chất xúc tác làm ngòi nổ cho các hành động của mình.

   Thế giới quanh ta có thể là các hoàn cảnh, kinh nghiệm hay con người mà ta tiếp xúc qua các giác quan.  Một trong những giác quan nhạy bén nhất là tâm với khả năng suy tưởng của nó.  Tiếc thay, tâm tưởng lại có khuynh hướng bay khỏi tầm kiểm soát của ta.  Chúng ta thường không để ý đến cái trước mặt mà nghĩ tưởng cái có thể là.  Chúng ta một là lo sợ cho tương lai, hay là mong mỏi những điều tốt lành nhất.  Sự mong muốn chỉ là ảo tưởng, còn nỗi sợ hãi chỉ là những lo lắng không đâu.  Cả hai đều dẫn đến phiền não, rắc rối.  Vì có mong muốn, nên ta sinh lòng sợ hãi -sợ hãi rằng những mong ước của ta sẽ không thành tựu.  Ngược lại vì sợ hãi, nên ta có ước mong -mong rằng nếu ta hành động khôn khéo thì những lo âu, sợ hãi của ta sẽ không biến thành hiện thực.  Hơn nữa, ta còn lo sợ rằng mình không đủ sức chịu đựng những gì sẽ xảy ra cho ta.

   Do đó ta tự cảm thấy lo lắng, bất an, những khổ thọ mà ta trốn tránh bằng nhiều hình thức như: ăn uống, tiêu khiển, chuyện trò, ngủ nghê, đọc báo, xem truyền hình, dùng điện thoại- bất cứ thứ gì trong tầm tay ta.  Nếu không tìm đưọc gì, ta trở nên trầm uất hay sân giận.

   Trên thực tế tất cả những biến thái này (papanca) đều do tính chất không thể kiểm soát của tâm.  Chúng ta để nó đi tán loạn, nghĩ về tương lai với hy vọng và âu lo, nhớ tưởng quá khứ với niềm hối tiếc, xót thương, thay vì tập trung tất cả chú tâm vào những gì đang xảy ra trước mắt.

   Chú tâm vào ngay giây phút hiện tại, đó là ý nghĩa của chánh niệm.   Khó có thể có đưọc tâm chánh niệm hoàn toàn vì tâm thường lăng xăng.  Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn chú tâm ở từng phút giây, thì làm sao lăng xăng xuất hiện.  Nhưng chỉ tự nhắc nhở mình phải có chánh niệm không thôi thì chưa đủ.  Ta còn cần phải có các sự hỗ trợ khác.  Biết chấp nhận, biết đánh giá cao chính bản thân là một sự hỗ trợ tinh thần không thể thiếu.  Đó không phải là sự tự đề cao, liệt kê tất cả những kiến thức mình có.  Giữa hiểu biết đến hành động có thể cách nhau một khoảng xa.  Nhưng nếu ta có thể tự đánh giá đưọc những việc mình đã làm thì rất hữu ích.  Không có gì đáng kể ngoài các hành động của ta.  Những hiểu biết của ta như thế nào không thành vấn đề, nhưng những gì ta thực sự làm sẽ đem lại hậu quả.  Nếu cần phát triển cách đánh giá cao về mình, ta cần phải nhớ đến những nghiệp thiện của mình.

   Ngoài ra, ta cũng cần biết tự bằng lòng với chính mình, nếu không ta sẽ không bằng lòng với bất cứ điều gì, bất cứ ai hay ở đâu.  Trong hoàn cảnh hiện tại, ta đành chấp nhận còn phải bám víu vào 'cái tôi' này -bám víu vào cái vừa là thầy mình, mà cũng vừa là kẻ phá hoại mình.  Điều quan trọng nhất là ta phải tự bằng lòng với mình, để từ đó có thể nhận ra đưọc những bản tính thiện căn bản của nhân loại.  Điều này đã đưọc trình bày rất rõ trong kinh Từ Bi.  Kinh nói rằng chúng ta cần phải biết bằng lòng và dễ dàng chấp nhận.  Kinh nói đến mười lăm điều kiện có thể mang đến cho ta sự bình an.  Nếu chúng ta không thể tìm thấy những đặc tính này trong ta, thì sự bình an trong nội tâm không thể có đưọc.

   Biết an vui nghĩa là biết bằng lòng với những gì ta có, biết chấp nhận hình dáng, cách nói năng, cách sống, cách xử sự của mình.  Điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không phải sửa đổi cho tốt hơn.  Nhưng nếu ta luôn mặc cảm về con người mình, thì sẽ ảnh hưởng đến thái độ, cách cư xử của chúng ta.  Người ta thường có ước muốn đưọc hơn cái mình có.  Càng bỏ đưọc các ước muốn này, ta càng bớt khổ.  Nhưng muốn thực hiện đưọc điều đó, ta cần phải biết bằng lòng với cái trước mắt, dầu cho đó không phải hoàn toàn như ý ta mong muốn.  Chúng ta thường có những mong mỏi, đòi hỏi nơi chính bản thân mình và ở tha nhân, dầu những điều đó không thực tế.  Vì ta thường quên vạn pháp đều vô thường.  Tất cả vạn vật đều luôn thay đổi.  Có những điều hôm qua hoàn toàn đúng, thì hôm nay lại sai.  Làm sao để sống an vui trong những hoàn cảnh ta cho là khó chấp nhận?  Trước nhất, ta phải xét hoàn cảnh đó cho kỹ càng?  Tại sao khó chấp nhận nó?  Nó sai sót ở đâu?  Không thoả mãn bản ngã chăng?  Không phải điều ta mong đợi chăng?  Một khi đã hiểu rõ tại sao một việc gì đó không toàn hảo, ta sẽ thấy nó quá nhỏ mọn, không đáng để tâm.

   Khi có những việc luôn tạo khổ đau trong ta, khiến ta không toại nguyện ước mơ, thì ta hãy tự nhủ: "Ta rồi cũng chết, ta không thể thắng đưọc sự chết".  Tại sao không luôn nghĩ về sự chết?  Quán tưởng về cái chết sẽ không mang đến cho ta sự bi thương hay trầm uất, nhưng nó mang ta đến gần hơn với thực tế.  Liệu chúng ta có cau có, bực bội khi biết mình chỉ còn mười phút nữa để sống?  Nếu thật sự ta chỉ còn sống đưọc thêm mười phút nữa, thì không ai trong chúng ta còn bực bội, khó chịu.  Có thể do ghét, ta sinh lòng sợ hãi, nhưng tại sao phải ghét điều ta không thể tránh khỏi?  Tại sao ta lại phải ghét cái điều chắc chắn sẽ xảy ra, vì nó sẽ xảy ra?  Đó là một trong muôn vàn cái vô minh của ta.  

   Bằng lòng cũng hàm chứa ý nghĩa chấp nhận, chịu ơn chính bản thân mình.  Khi tất cả mọi thứ quanh ta dường như đảo điên, hỗn loạn, chúng ta vẫn có thể quay về với nội tâm của sự thánh thiện, hoàn mỹ.  Nếu chúng ta không có những sự thuần khiết căn bản trong nội tâm, thì không có lý do gì để ta tiếp tục tu tập nữa.  Tuy nhiên, ta có thể nuôi dưỡng, vun trồng cho nội tâm trong sạch lớn mạnh thêm, và phát triển sự nhận thức về nó.  Bất cứ khi nào có khó khăn, sợ hãi, bất như ý hay khổ đau vì những ước muốn không thành tựu, chúng ta đều có thể quay vào bên trong ta, nơi an vui trú ngụ. 

  Chúng ta thường lầm tưởng rằng sự an vui của mình tùy thuộc vào hoàn cảnh hay con người nào đó.  Làm sao nó có thể tùy thuộc vào một điều gì đó bên ngoài chúng ta?  Nếu chúng ta muốn đưọc sự an vui thật sự, thì phải tùy thuộc vào những gì bên trong ta.  Như thế ta có thể phát khởi sự an vui liên tục.  Trái lại nếu phải tùy thuộc vào người hay hoàn cảnh để có đưọc sự an vui, thì ta có khác nào là nô lệ cho chúng.  Trong khi con đường đạo của Đức Phật là con đường dẫn tới tự do, giải thoát.

   Cũng giống như sự an vui, lòng biết ơn cũng giúp rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta.  Lòng biết ơn không cần phải nhắm vào một người nào hay một điều gì đặc biệt.  Có thể là lòng biết ơn đối với những duyên nghiệp khiến cho các nỗ lực của ta đưọc thành tựu, hay đưọc có một cơ thể khá tốt.  Nó giúp cho ta không coi nhẹ những gì mình có đưọc .  Người càng giàu sang, càng coi những thứ họ có đưọc là chuyện đương nhiên.  Càng có sức khỏe hay nhiều may mắn, ta càng coi thường chúng.  Thái độ đó sẽ không giúp ta biết an vui, bằng lòng.  Chỉ có lòng biết ơn mới đem đến an vui.

   Nếu không có thái độ đúng, biết tự bằng lòng, biết để lòng thanh thản, không vướng bận, ta sẽ không tìm thấy tổ ấm dù ở bất cứ nơi nào.  Sự yên ổn, tổ ấm là ở nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài.  Khi ta biết mở  lòng ra, để có lòng biết ơn, cảm nhận, bằng lòng với chính mình thì ta có thể tìm thấy tổ ấm, dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất hay trong vũ trụ này.

   Một căn nhà chỉ là một nơi chốn với bốn bức tường bọc quanh.  Nhưng một căn nhà lý tưởng thì phải có sự ấm cúng, nhất là khi thế giới bên ngoài đầy lạnh giá.  Sự ấm cúng từ đâu ra, nếu không từ những trái tim chúng ta?  Đó là nơi ta cần tạo ra sự thoải mái, hạnh phúc, an bình khó nắm bắt mà ta luôn tìm kiếm.  Trái tim là trung tâm.  Khi mọi việc êm thuận, ta coi đó như là chuyện phải thế, nhưng khi gặp trở ngại, đối đầu với khó khăn, thì ta lại quay ra tìm sự giúp đỡ ở bên ngoài ta, đâu biết rằng chỉ có thể tìm đưọc lời giải nơi trái tim mình.  Nếu chúng ta đã tạo ra đưọc một nền tảng vững bền, ấm áp, đầy thương yêu ở nội tâm, thì ta luôn có thể nương tựa vào đó.

   Phải dựa vào người khác để có đưọc hạnh phúc, thì quá dại khờ; dựa vào họ để đưọc bảo vệ, chở che thì thật kỳ quặc.  Làm sao ta có thể dựa vào họ, khi chính họ cũng đang đi tìm hạnh phúc và sự chở che?  Chỉ có những người đã tìm đưọc kho tàng nội tại mới là người đã tìm đưọc mái ấm của mình.  Dựa vào chính hạnh phúc, sự chở che của bản thân, mới có thể giúp ta chịu đựng đưọc mọi thử thách, khó khăn trong đời.  Không có ai trong thế giới tránh khỏi khổ đau, nên khi đã có một mái ấm nội tâm, ta sẽ biết tìm về nơi đâu trong những khi căng thẳng.  Những căng thẳng này có thể ở mức độ nhẹ như khi ai đó đòi hỏi mình điều gì hay khi những mong ước của chúng ta không thành hiện thực.  Lúc đó ta bước vào mái ấm trái tim của mình, nơi ta sẽ tìm đưọc sự ấm áp, lòng biết ơn, cảm nhận và hoan hỷ.  Bằng cách là diệt bỏ tất cả mọi ý tưởng bất thiện, để chỉ còn có tư tưởng tốt đẹp, hữu ích, tích cực đọng lại.  Càng chất chứa nhiều tư tưởng ô uế, thì mái ấm trái tim ta càng hôi hám, ô nhiễm.  Mỗi khi ta hủy diệt đưọc một tư tưởng bất thiện, ta sẽ có thêm sức mạnh để bỏ nó lần sau, lần sau nữa.  Bằng cách ấy ta đã tự dọn sạch ngôi nhà tâm của mình.  Mỗi ngày ta đều quét phòng, quét ngõ.  Hãy quét dọn tâm ta mỗi ngày như thế!

   Mỗi khi ta dọn sạch cái gì -một khu vườn cỏ dại, một nhà bếp, quần áo dơ- ta cũng nhớ để dọn sạch tâm mình cùng lúc.  Khi tâm ta đã thanh tịnh, bền vững, ta sẽ tràn đầy tình thương cho chính mình, cho mọi người chung quanh.  Lúc đó ta không cần cố gắng để thương yêu tha nhân;  lòng thương đã thành quán tính do ta biết yêu thương chính bản thân mình.  Nhưng đó không có nghĩa là tự dễ dải với chính mình.  Mà chỉ là sự vun trồng tình yêu thương cho bản thân, để rồi ta có thể dễ dàng thương yêu người khác.

   Tha nhân cũng đưọc hưởng lợi lộc do sự vững chải của chúng ta.  Ta là cái neo, là hòn đá để cho người khác tựa vào.  Vì dầu cho có gì xảy ra, chúng ta vẫn luôn cứng rắn, không lung lay.

   Khi tình thương, sự vững chắc đầy trong tim, thì sự hành thiền của ta cũng đưọc tốt đẹp và cuộc đời ta cũng thay đổi.  Chúng ta sẽ cảm giác giống như trước đó cuộc sống của ta không trọn vẹn, nhưng giờ ta cảm thấy toàn vẹn hơn, giải thoát hơn.   Và cuộc sống thánh thiện đâu có gì hơn là được sống trọn vẹn, tràn đầy.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8067_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Canh chua chay – Loan

thucduong 008

Canh chua chay rất khó để nấu theo lối thực dưỡng vì nó có vị ngọt và chua, rất là âm. Nhưng món này Loan nấu cho bớt âm bằng cách không dùng đường nhiều và thay thế giá bằng bắp cải. Để tạo vị chua, mình dầm quả mơ muối thay cho me.

thucduong 022

Nguyên liệu

  • Hầm rau củ lấy nước ngọt
  • Thơm xắt lát
  • Cà chua xắt múi
  • Đậu bắp xắt lát
  • Đậu hũ chiên
  • Bắp cải xắt cọng
  • Nhiều loại nấm xắt lát
  • Đường
  • Muối
  • Quả mơ muối (Salted Apricot, hay Umeboshi Pickle Plum)
  • Ngò om, quế xắt nhuyễn
  • Ớt xắt lát

Thực hiện

1. Bắc nồi nước lèo cho sôi, thả thơm, cà chua, nấm, bắp cải, đậu chiên vào.

2. Cho mơ muối, nêm đường, muối

3. Cho ngò, quế và ớt vào

4. Nhắc xuống bếp

Chúc các bạn nấu canh chua chay ngon.

Loan

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Nấm, cà rốt và đậu hũ kho tiêu – Loan

thucduong 006

Nấm, đậu hũ và cà rốt kho tiêu. Kho với nước tương tamari, không dùng đường vì chất ngọt từ cà rốt và nấm ra là ngọt lắm.

Nguyện liệu

  • Nấm xắt hạt lựu
  • Cà rốt xắt hạt lựu
  • Đậu hũ xắt hạt lựu
  • Nước tương tamari
  • Gừng bằm
  • Tiêu
  • Muối
  • Dầu ô liu

Thực hiện

Cho dầu vào nồi, vì là dầu ô liu nên không cần để dầu nóng quá, cho gừng vào không cần để vàng quá, cho nấm vào xào. Vì nấm là âm nên nêm chút muối cho bớt âm. Cho cà rốt vào xào, xong đậu hũ. Từ từ cho nước tương vào kho cho thấm. Nêm tiêu và đủ nước tương cho vừa ăn, món kho này không dùng đường nên không kho mặn quá, khó ăn lắm, chỉ kho lạt lạt thôi.

Theo thực dưỡng, cà rốt là dương kho với nấm là âm thì món kho được quân bình âm dương.

Chúc các bạn nấu nhiều món thực dưỡng thật ngon.

Loan

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Cơm gạo lứt bằng nồi áp suất – Loan

thucduong 014

Nguyên liệu

  • 1 phần gạo lứt đỏ ngâm 22 tiếng
  • Hơn 1 phần nước
  • 1 tí muối 

Cách nấu

thucduong 016

1. Cho tất cả vào tô, để cái dĩa vào nồi áp suất, để thố gạo lên dĩa

2. Cho nước vào không ngập quá 1/8 tô gạo

3. Vặn lửa nấu sôi, khi áp suất lên thì tắt lửa (thời gian cho nút áp suất bật lên khoảng 15 phút)

4. Tắt lửa để yên 20 phút

5. Vặn lửa lên nấu cho nút áp suất lên lần hai (thời gian khoảng 5 phút)

6. Tắt lửa, khi nút áp suất sụp xuống thì cơm chín (thời gian khoảng 20 phút)

Nấu cách này là cơm ra ngon nhất. Cơm mềm và dẻo lắm. Khi múc cơm ra chén mình sắn từ trên xuống cho có đủ âm dương chứ không có xới lên.

thucduong 015

Chúc các bạn nấu cơm gạo lứt thật ngon.

Loan

Năng lực của sự tùy hỷ – Thích Khế Định

voltaire109642_m

I. MỞ ĐẦU

Tất cả người xuất gia cũng như người tại gia, một khi phát tâm tu hành đều mong muốn bớt khổ được vui, đạt đến con đường vô ngã, thể nhập chân tâm Phật tánh.Nói xa chút nữa, sau khi từ bỏ cõi đời này, nếu chưa được giải thoát sẽ sanh về cõi lành, trở về cõi đời này, được làm người tốt đẹp hơn, gặp được minh sư, gặp được chánh pháp.  Nhưng tại sao có những lúc trong tâm ta nhiều khi không được an ổn, hạnh phúc? Là bởi vì chúng ta còn những kiết sử nên chưa thể nhập được chân tâm Phật tánh của chính mình.

“Kiết” là trói buộc, “sử” là sai khiến. Nếu chúng ta không chánh niệm, tỉnh giác trong giờ phút thực tại này thì những kiết sử sai khiến, trói buộc mình ý nghĩ bậy, thân làm bậy và lời nói không được chánh niệm.
Nếu những hạt giống còn tiềm ẩn trong tâm chúng ta như tật đố, ích kỷ, san tham, nếu chúng ta không khéo chuyển hóa thì sau khi từ giã cõi đời này sẽ đưa mình đến những cảnh giới xấu. Muốn chuyển hóa những hạt giống này phải dùng phương thuốc tùy hỷ.

II. NĂNG LỰC CỦA SỰ TÙY HỶ

Năng lực là một sức mạnh, là chất liệu mà nếu chúng ta không có thì tu mãi cũng vô ích. Tùy là theo, hỷ là vui. Tùy hỷ là vui theo.

Trong Kinh Pháp bảo đàn, Lục tổ lúc còn là cư sĩ ở chỗ Ngũ Tổ, khi được Ngũ Tổ bảo xuống nhà trù liền thưa: “Bạch Hòa thượng, tự tánh con thường sanh trí tuệ, tức là phước điền”.

Không phải quý Phật tử đến chùa bố thí, cúng dường, cất chùa, độ tăng là phước điền. Thấy tất cả mọi sự, mọi việc, chúng ta tùy hỷ, vui theo, cái gì thấy được chỗ đó. Như quý vị làm việc thiện nhưng trong tâm còn tật đố, ích kỷ, san tham thì cái phước đó là phước tạo tác. Còn một người ngộ nhập tri kiến Bát Nhã rồi, từ tự tánh khởi dụng ra thì cái đó là chân thật.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy rất rõ: “ Một người bố thí và một người không bố thí nhưng tùy hỷ thì phước bằng nhau”. Tại sao? Tại vì người bố thí xả bỏ tâm tham, còn người tùy hỷ xả tâm tật đố nên phước bằng nhau.

Đức Phật cũng khẳng định rằng muốn tìm được hạnh phúc, muốn tìm được sự an lạc là ngay trong cuộc sống giữa đời thường này thì phải cần đến năng lực của sự tùy hỷ..

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, có một vị Tỳ kheo đến hỏi Phật:

“Bạch Đức Thế tôn, làm thế nào một người tín thí trong cuộc đời này tu tập được an ổn, được hạnh phúc?”

Đức Phật trả lời:

“Này các Thầy Tỳ kheo, có một người buổi sáng ý nghĩ thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, thân hành động thanh tịnh. Người đó được một buổi sáng an ổn và hạnh phúc.

Này các Thầy Tỳ kheo, buổi trưa có một người ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân hành động lành. Người đó được một buổi trưa an ổn và hạnh phúc.

Này các Thầy Tỳ kheo, có một người buổi chiều ý nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm điều lành. Người đó được một buổi chiều an ổn và hạnh phúc”.

Như vậy, đạo là ở chính mình, nhưng nếu chúng ta không khéo gạn lọc, không khéo chuyển hóa thì thân chúng ta làm điều ác, miệng chúng ta nói lời ác và ý nghĩ về điều ác.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Phật dạy: Người thù địch có bảy điều kiện mong muốn cho kẻ thù mình.

1.    Mong cho kẻ thù mình nhan sắc xấu.

(Mình tu học rồi, niệm dấy lên phải chuyển hóa, không sẽ tạo thành hạt giống xấu, đủ nhân, đủ duyên sẽ phát tác. Tu thiền là phải luôn luôn theo dõi từng tâm niệm của mình).

2.    Mong cho kẻ thù với mình ngủ không được.

3.    Mong cho kẻ thù với mình không được lợi ích, thường tổn giảm.

4.    Mong cho kẻ thù với mình bị phá sản.

5.    Mong cho kẻ thù với mình không được danh vọng.

6.    Mong cho kẻ thù với mình không được bạn bè.

7.    Mong cho kẻ thù với mình chết đọa đường dữ.

Phật thấy được vọng tưởng điên đảo của chúng sanh nên nói ra để chỉ cho mình. Sau khi biết được rồi, lỡ tâm niệm có dấy lên thì tức khắc phải chuyển hóa. Mà muốn chuyển hoá được phải gia công tu tập chứ không chỉ có lý thuyết suông.

III.CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA NỘI TÂM

Con đường chuyển hóa nội tâm này là con đường của GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.

Trong Kinh Pháp cú, Phật nói rõ:

“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo".

Mình phải tùy hỷ, coi tất cả với mình là một.

Thiền sư Thiên Cơ dạy: “Hạ thủ công phu tu thiền hoàn toàn ở chỗ giác ngộ, cần biết phàm phu một niệm giác tức một niệm là Phật. Phật một niệm chẳng giác tức một niệm là phàm phu”.

Tu là phải trên từng niệm. Mình phải tùy hỷ, coi tất cả mọi người và mình là một.

Bởi vì giác tức là Phật, Phật tức là giác. Phật với phàm phu chỉ tại giác cùng chẳng giác mà thôi. Tâm người có giác tức là có Phật. Giác hay mở cửa lục độ, hay vượt qua kiếp hải ba a tăng kỳ, khắp làm lợi ích như cát bụi, khuếch trương phước huệ, được sáu thứ thần thông tròn đầy quả Phật trong một đời. Cảnh khổ trong địa ngục, nào vạc dầu sôi, sông băng nghe đến giác liền biến thành hương lâm (rừng hương), uống nước đồng sôi, nuốt hòn sắt nóng nghe đến giác thảy đều sanh Tịnh độ.

Trong giờ phút thực tại này, nếu chúng ta mê mờ, tật đố, ích kỷ, nhưng sau khi nghe lời dạy của Hòa thượng, lại hạ thủ công phu nữa thì giác được phần nào, giải thoát được phần ấy. Đấy gọi là giác ngộ trong từng niệm.

Có một vị Thiền sư Nhật Bản nói: “Muốn biết người đó mai kia ra đi được tự tại, an ổn, hạnh phúc hay không thì trong cuộc sống giữa đời thường này nhìn vào hành động của người đó”.

Thấy người khác được hạnh phúc, được an ổn, được tài giỏi hơn mình, nếu chúng ta còn tâm cù cặn, tật đố, chắc chắn tu không có kết quả. Ngồi thiền mà chưa quét sạch được những tật đố, san tham thì đó là tướng ngồi thiền chứ không phải tâm ngồi thiền.

Học thiền phải kiểm nghiệm chỗ đó thì tu ít mà có kết quả nhiều. Còn gia công tu hành, làm như khổ hạnh lắm mà không bỏ được tâm tật đố, san tham, ích kỷ thì thậm chí không bằng những người tu có vẻ như chơi, luôn tùy hỷ, tha thứ, có lòng thương, bao dung.

Trong Kinh A Hàm, có một hôm, Ngài A Nan cùng đi khất thực với Đức Phật, đi ngang qua một khu rừng, thấy một thầy Tỳ kheo đang ngủ, Phật mỉm cười. Đi một lúc xuống thành thị thì thấy một thầy Tỳ kheo đang ngồi thiền rất trang nghiêm, Phật nhíu mày. Ngài A Nan rất ngạc nhiên, bèn thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, tại sao một thầy Tỳ kheo nằm ngủ trong rừng mà Thế Tôn lại mỉm cười, còn thầy Tỳ kheo ngồi rất tinh tấn, trang nghiêm ở trong thành thị thì Thế Tôn lại nhíu mày?

Phật đáp: “Thầy Tỳ kheo ở trong rừng, tuy ngủ nhưng dậy là ngồi thiền. Còn Tỳ kheo ở thành thị sau khi xả thiền lại buông lung”.

Do đó, quý vị thấy Phật dạy ở đây là dạy về chuyển hóa nội tâm.

Trong Chuyển nghiệp lục, có một người hỏi một thiền sư: “Tại sao Đề Bà Đạt Đa ở dưới địa ngục lại vui như cõi trời tam thiên?”

Thiền sư trả lời: “Nghiệp tại kỳ trung".

Sống trong cõi dục mà tâm hằng giác tức cõi này là cõi Tịnh độ.

V.CHUYỂN HÓA TÂM THỨC VÀO CUỘC SỐNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thấy người khác được an ổn, hạnh phúc thì mình phải tùy hỷ, còn nếu sinh tâm tật đố, ích kỷ thì đó là bệnh, sẽ phải chịu quả báo xấu.

Một hôm Mạt Lợi phu nhân đến hỏi Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân dung sắc xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, ảnh hưởng uy tín ít?”

Phật nói: “Một số nữ nhân dung sắc xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, ảnh hưởng uy tín ít là hay phẫn nộ, san tham, tật đố, ích kỷ.

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân dung sắc xấu, hình dáng hạ liệt nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, ảnh hưởng uy tín lớn?

Phật nói: “Một số nữ nhân dung sắc xấu, hình dáng hạ liệt là hay phẫn nộ nhưng biết bố thí, biết cúng dường, biết tùy hỷ những sở hữu của người khác.

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân dung sắc đẹp, ưa nhìn nhưng nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?”

Phật nói: “Một số nữ nhân dung sắc đẹp, được ưa nhìn nhưng nghèo khổ, tài sản ít, ảnh hưởng uy tín ít là do ít phẫn nộ nhưng không tùy hỷ, bố thí cúng dường”.

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây một số nữ nhân dung sắc đẹp, ưa nhìn, tịnh tín, giàu sang, tài sản lớn, ảnh hưởng uy tín ít?”

Phật nói: “Một số nữ nhân dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, giàu sang, tài sản lớn, ảnh hưởng uy tín lớn”.

Trong Kinh Bảo Tích, phẩm Văn Thù Sư Lợi thọ ký, Phật dạy: “Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát thấy người được lợi ích sanh lòng tùy hỷ có 4 điều lợi ích:

1.    Thường sanh tâm này, tôi nhiếp chúng sanh phải cho họ được lợi lạc.

2.    Nay họ được lợi lạc nên tôi sanh lòng vui mừng.

(Tu tập là phải luôn luôn kiểm soát được niệm để chuyển hóa từng tâm niệm của mình).

3.    Chỗ ở có tài vật, vua quan, giặc cướp, nước, lửa đều chẳng xâm đoạt được.

4.    Tùy sanh xứ nào, của báu và các con thảy đều đầy đủ, vua còn chẳng đố kỵ huống là người khác.

V. KẾT LUẬN

Vậy sau khi nghe bài này xong, chúng ta phải tu học như thế nào, ứng dụng thế nào trong cuộc sống giữa đời thường này?

Trong Kinh tiểu nghiệp phân biệt, Phật dạy:

“Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông thấy người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sanh tâm tật đố, ôm tâm tật đố. Do nghiệp như vậy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào ác thú, nếu được sanh ở loài người thì nó chỉ được quyền thế nhỏ, con đường đưa đến quyền thế nhỏ. Này thanh niên, tức là tật đố, ôm tâm tật đố”.

“Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông không có tâm tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sanh tâm tật đố. Do nghiệp như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào thiện thú, nếu được sanh ở loài người thì nó được quyền thế lớn, con đường đưa đến quyền thế lớn. Này thanh niên, tức là không tật đố, không ôm tâm tật đố”.

Phải luôn luôn có tâm tùy hỷ đến tất cả mọi người, nếu chưa được giải thoát thì sau khi chết, năng lực tùy hỷ sẽ đẩy mình đến những cảnh giới tốt.

Qua bài pháp này, chúng ta phải tu học để phát triển lòng từ, phát triển tâm tùy hỷ đến tất cả mọi người. chính những nhân tố đó sau này giúp chúng ta tu học thành Phật, tác Tổ.

ĐĐ.Thích Khế Định
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-18761_5-50_6-5_17-420_14-1_15-1/nang-luc-cua-su-tuy-hy.html#detail

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Cháo thực dưỡng – Loan

thucduong 033

Món này Loan nấu cúng dường Thầy và đãi các bạn đạo, ăn với tekka rất ngon. Các bạn thử nấu cho cả nhà mình ăn nhé, con gái của Loan thích lắm, ăn lần 2 tô luôn.

thucduong 019

Nguyên liệu mỗi thứ một ít

Nấm tuyết, ngâm nước, rửa sạch, xắt miếng nhỏ

Gạo lứt đỏ vo sạch

Đậu đỏ lớn vo sạch

Đậu đỏ nhỏ vo sạch

Bí đỏ, gọt vỏ, cắt quân cờ

Các loại hạt: quả óc chó, hạt điều, hạnh nhân…

Nước

Muối đỏ Hy Mã Lạp Sơn

thucduong 034

Sữa hạnh nhân loại không ngọt (unsweetened almond milk)

thucduong 030

Thực hiện

Cho tất cả trừ muối và sữa vô nồi nấu chậm, nấu khoảng 4, 5 tiếng cho mềm

Khi cháo chín, sang qua nồi lớn pha nước cho lỏng, nấu sôi, nêm muối, chế sữa vào nấu sôi.

Món này ăn với tekka

thucduong 032

Tekka: http://www.amthucchay.org/2012/07/tekka-mon-ngon-bo-duong.html

Chúc các bạn nấu cháo thực dưỡng thành công.

Loan

Phật giáo và sức khỏe tâm thần – HT Thánh Nghiêm

Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ.  Chính ở nơi đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói đến những vấn đề của bệnh khổ. Bệnh khổ bắt đầu từ lúc sinh; khi ta được sinh ra, là khổ đau đã bắt đầu. Người chưa từng có bệnh khổ là người chưa có mặt trên cõi đời. Khổ chỉ chấm dứt sau khi chết. Trong cõi đời, chúng ta phải chịu đựng những sự đau đớn, khổ não nơi thân và tâm, nhưng tâm bệnh có thể được chữa khỏi bằng Phật pháp.

Đức Phật nhận thấy rằng cứu chữa cho tâm quan trọng hơn là cho thân. Người có tâm lành mạnh và hành vi thiện lành sẽ ít bị vấn đề nơi thân hơn là người có tâm bệnh. Nếu tất cả những vấn đề của tâm đều được giải trừ, thì đó là giải thoát. Người có thân mạnh khỏe nhưng tâm bệnh sẽ đau khổ nhiều hơn là người chỉ có những vấn đề nơi thân.

Thân bệnh thì đau đớn; tâm bệnh thì khổ não. Phật pháp không thể giúp chúng ta khỏi đau đớn. Phật pháp không phải là thuốc tê, nhưng nó có thể giúp diệt trừ khổ não.

Theo Phật giáo, có ba nguyên nhân gây ra khổ:

1- Vô minh về sự khởi thủy (Không biết về sự không-có cái bắt đầu)

Các tôn giáo ở phương Tây thường thuyết giảng về sự khởi đầu. Khoa học Tây phương đặt giải thuyết về nguồn gốc của trái đất, và vũ trụ. Vấn đề của sự khởi đầu khá khó giải quyết. Đức Phật cho rằng không có sự khởi đầu. Trong một vòng tròn đâu là điểm khởi đầu. Dầu rằng có thể có một điểm khởi đầu, nhưng bạn hãy thử cố gắng đi, bạn sẽ không thể tìm ra nó. Do đó chúng ta nên chấp nhận không có điểm khởi đầu. Nếu bạn hỏi, “Khổ đau từ đâu đến?”, người con Phật sẽ trả lời, “Khổ từ vô thủy đến”.

2- Vòng nhân quả của khổ não

Quả mà ta đang hứng chịu trong hiện tại là do nhân gây ra trước đó. Quả này ngược lại sẽ trở thành nhân cho quả tương lai. Càng sống, chúng ta càng không ngừng tạo ra nhân tương lai.

3- Những khổ não

Có ba nhân tạo ra khổ não:

a) Môi trường:

Trong chuyến đi này tôi thực sự có cơ hội được tận mắt thấy thành phố San Francisco đẹp biết bao.  Nhưng thời tiết rất đa dạng: có sương mù và gió; nhiệt độ biến đổi nhanh chóng từ lạnh đến ấm. Dầu chúng ta có nghĩ San Francisco giống như cõi tiên, thì người sống ở đây cũng bị bệnh.

Sớm hôm nay khi tôi ngồi cùng xe với bà chủ nhà. Lúc bà hắt hơi, tôi hỏi, “Bà bệnh sao?” Bà ấy trả lời, “Không, tôi chỉ bị dị ứng với không khí lạnh. Đúng vậy ngay ở San Francisco cũng có bệnh. Dĩ nhiên là phải có lý do người ta mới xây nhiều bệnh viện to lớn như thế này ở đây. Ngay một nơi như ở đây, với bầu trời quang đãng, không khí trong lành, vẫn có chất ô nhiễm hay mầm bệnh trong không khí hay vi khuẩn trong thực phẩm gây bệnh cho chúng ta. Môi trường có thể là một nguyên nhân lớn trong việc gây ra khổ não cho chúng ta.

b) Các mối liên hệ

Các mối liên hệ có thể mang đến cho chúng ta nhiều phiền não. Ai chịu trách nhiệm cho phần lớn những khổ não của chúng ta? Phần đông nghĩ chính là kẻ thù của họ. Thật ra không nhất thiết là như vậy. Thủ phạm có thể chính là chồng, vợ hay con của ta. Người mà chúng ta thường tranh cãi nhất không phải là kẻ thù của ta mà chính là những người thân thiết nhất của ta. Hàng ngày chúng ta không chỉ phải đương đầu với người thân mà còn bao nhiêu người khác nữa, có người ta biết, người không. Có người giúp ta, người cản trở ta. Chúng sanh không dừng tranh hơn thua với nhau.

Hôm qua khi tôi thuyết giảng tại Đại học Stanford, có thính giả than phiền là những kẻ trí thức thực sự rất ích kỷ. Dĩ nhiên người trí thức là những người thông minh. Lý ra họ phải giúp đỡ và hỗ trợ nhau.  Điều họ không nên làm nhất là xâu xé nhau. Tuy nhiên, ngay chính người thông minh cũng không tránh khỏi thói nhỏ mọn, tỵ hiềm trong bản tánh của con người. Tôi thường hỏi, “Ở đây có ai chưa từng ganh đua với người khác hay không cảm thấy người khác ganh đua với mình? Có ai không?” Câu trả lời luôn là không.

c) Xáo trộn cảm xúc

Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không ở bên ngoài. Chúng ta phiền não phần lớn chính là do tâm ta.  Chúng ta luôn thay đổi cảm xúc. Chúng ta có thể chuyển từ hống hách đến rụt rè, với thời gian chúng ta thay đổi cái nhìn về sự vật. Do đó, chúng ta bị xáo trộn và cảm thấy bất lực, không thể quyết định điều gì. Ta lo lắng về được, mất, phải hay trái, và không thể quyết định phải làm gì. Điều này thực sự là khổ sở. Có nhiều người phải khổ như thế, nhưng lại tin rằng họ không có vấn đề gì. Khi họ phủ nhận rằng họ có vấn đề, họ có thể nhảy cỡn lên, quậy tưng, đưa bản thân đến những trạng thái giận dữ cùng cực. Có lần tôi hỏi một người như thế, tại sao anh có quá nhiều phiền não. “Đâu phải tại tôi”, anh ta phản kháng, “chính là tại mấy kẻ đốn mạt kia đã làm cho tôi khổ thế này”. Thực sự, chính anh ta gây ra phiền não cho mình.

Hôm qua tôi đi cùng xe với bốn người. Mấy người này tham gia vào một cuộc tranh cãi quyết liệt. Một người nói với tôi, “Xin lỗi sư phụ vì chúng tôi tranh cãi quá nhiều”. Tôi trả lời, “Quý vị tranh cãi với nhau, đâu phải chuyện của tôi”. Thực ra tôi có nghe họ cãi vã không? Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi không tham gia câu chuyện. Sáng nay, một trong bốn người đó lại nói với tôi, “Tôi chịu không nổi khi nghe người ta tranh cãi nhau. Âm thanh của nó khiến tôi khó chịu”. Bạn có thể nghĩ là anh ta đang phản ứng lại điều gì đó ở bên ngoài mình. Sự thật chính anh ta mới làm cho mình bị phiền não. Phiền não từ trong anh mà ra.

Phật giáo phân ra năm loại tâm phiền não: tham, sân, si, mạn và nghi. Khi bị xáo trộn, chúng ta có thể cố gắng phân tích trạng thái tâm phiền não đó. Khi đã có thể xếp phiền não của mình vào loại nào, và quán chiếu về nó, thì ta có thể giảm thiểu cường độ của nó. Khi bị tham làm chủ, chúng ta có thể quán: “Tôi đang tham, tôi có những ham muốn mạnh mẽ”. Sau đó trạng thái tâm tham sẽ tự động giảm thiểu.

Khi sân, chúng ta cũng có thể quán: “Tại sao tôi lại sân đến thế? Tôi đang khổ do tâm sân”. Bằng cách đó tâm sân và phiền não sẽ bắt đầu giảm xuống. Ta phải quay nhìn vào, không phải hướng ra ngoài.  Đừng phân tích vấn đề, hãy phân tích chính tâm của bạn.

Khi ta lầm lỗi và cảm thấy hối tiếc về điều gì đó, tốt nhất là ta phải quán chiếu xem mình đã làm gì. Nếu thực sự đó là một hành động bất thiện, hãy quán: “Tôi đã hành động không khôn khéo”. Từ đó ta sẽ bớt phiền não, ân hận.

Mạn, tự nó cũng là một loại phiền não. Nhận biết về các cảm xúc này khi chúng khởi lên, sẽ giúp ta chế ngự được chúng.

Nghi cũng là một loại phiền não. Nghi sẽ cản trở chúng ta quyết định. Ta sẽ không thể tin tưởng tha nhân cũng như bản thân. Đó đúng là phiền não. Nếu bạn biết mình bị tâm nghi hoặc quấy nhiễu, bạn cần phải quán như sau: “Tôi cần phải hoàn thành công việc này, công việc nọ, nên tốt nhất tôi phải tin tưởng rằng mình có khả năng và đó là việc cần phải làm”. Nếu thực sự tin như thế, ta sẽ có thể hoàn thành bất cứ điều gì ta muốn làm.

Trạng thái tâm nghi có thể ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống của ta. Thí dụ một người đã quyết định kết hôn, nhưng quyết định này lại bị lung lay bởi tâm nghi. Người đó ngần ngại không biết cuộc hôn nhân của mình có tan vỡ, liệu người hôn phối có bỏ rơi mình sau khi thành hôn, hoặc người đó có thiếu trung thực, có giấu giếm mình điều gì không? Nếu tâm nghi này không được chế ngự, người đó sẽ rất khổ sở trước ngưỡng cửa hôn nhân và sẽ đau khổ suốt cuộc hôn nhân. Dầu không có lý do gì thực sự có thể khiến cho đôi lứa phải chia tay, nhưng chính tâm nghi sẽ tạo ra lý do để đưa đến những vấn đề trong cuộc sống vợ chồng.

Nếu bạn có những nghi hoặc như thế, hãy tự nhủ: “Nếu tôi thực sự có quá nhiều nghi hoặc, thì quyết định kết hôn là hành động rồ dại. Nếu tôi thực sự muốn kết hôn, tôi cần chấp nhận người phối ngẫu, hoàn toàn chấp nhận người đó”. Nếu ta không thiết lập được một thái độ như thế, thì tốt hơn ta nên sống độc thân, vì hôn nhân sẽ chỉ mang đến cho ta sự khốn khổ. Có ai không có tâm nghi hoặc không? Tôi chưa từng gặp ai hoàn toàn không có tâm nghi.

Theo Phật giáo, có năm nguyên nhân đưa đến sự xáo trộn của tâm:

- Theo đuổi một đối tượng mà không xét đến những ưu và khuyết điểm của mình. Nói cách khác là ta không biết mình có gì và không bao giờ bằng lòng với cái mình có. Hoặc khi phải đối mặt với hoàn cảnh vượt ngoài tầm kiểm soát của mình, ta lại luôn dằn vặt với ước muốn chống lại điều không thể tránh khỏi. Nhiều người, nhất là những người trẻ, tin rằng khả năng của họ là vô hạn. Nhìn những gì người khác đã thực hiện, họ nghĩ rằng, họ cũng có thể làm được như thế. Nhưng khi những điều kiện không thuận lợi phát sinh, họ cảm thấy là cá nhân họ bị trù dập, nên phản kháng lại thay vì chấp nhận những gì đang xảy ra.

- Có ước muốn được phát triển và thành công vô độ. Người có tâm lý xáo trộn này luôn muốn khuếch trương cái mình có. Họ muốn dàn trải tầm ảnh hưởng của mình vượt ngoài mọi giới hạn. Người cố sức tạo danh để cả thế giới biết đến mình. Kẻ lại dùng quyền lực để đè bẹp những ai dám đối đầu với họ.  Những cuộc tranh đấu vì quyền lực như thế có thể xảy ra giữa các quốc gia hay chính trong các gia đình.  Một người vợ có thể cố gắng điều khiển chồng hay ngược lại. Lòng tham muốn thống trị người khác thể hiện một tâm lý bị xáo trộn.

- Khi đạt được một mục đích hay vật chất gì đó, lòng tự mãn phát sinh. Thái độ đó có thể dẫn người ta đến sự vô tâm và coi thường người khác. Người tự mãn có thể nghĩ rằng họ có quyền xúc phạm hay gạt người khác qua một bên tùy theo ý thích cá nhân của mình.

- Khi không đạt được một mục đích gì đó thì sinh tâm chán nản. Người với tâm lý bị xáo trộn này thường dễ chán nản, không còn tự tin nơi bản thân. Người này cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác.

- Nghi hoàn toàn chế ngự tâm. Cảm giác bất an nặng nề. Lòng tự tin mau chóng tàn lụi.

Tôi không phải là nhà tâm lý học hay tâm thần học. Tôi không có kiến thức sâu sắc về tâm lý học cổ điển mà tôi cũng không rành mạch trong việc phân loại các bệnh tâm thần nói chung. Tôi chỉ dựa trên quan điểm Phật giáo phân loại các vấn đề tâm bệnh như trên. Từ năm loại tâm bệnh này có thể sản sinh ra vô số các tâm bệnh khác. Nên nhớ là Phật giáo không quan tâm đến nguyên nhân hay bệnh lý của các yếu tố đặc biệt đưa đến sự khủng hoảng tinh thần của người bệnh. Phật giáo chỉ quan tâm đến việc nhận biết và trừ bỏ các xáo trộn tâm lý.

Giờ tôi sẽ nói về phương cách làm thế nào để quân bình tâm và chữa trị các tâm bệnh.

Chúng ta thường đối mặt với những xáo trộn tâm lý của mình bằng cách sử dụng hai phương cách không hiệu quả. Đầu tiên là sự chối bỏ: “Tôi không có bệnh. Tôi không có vấn đề gì cả. Không có gì sai lệch nơi tôi cả”. Cách thứ hai là tự chữa trị: luôn quay lại trong đầu các sai sót và những gì mà người đó nghĩ là thuốc chữa cho mình. Hành động này thiết lập một giả định sai trên một sai sót khác. Cả hai phương cách này chỉ khiến vấn đề thêm tệ hại và nghiêm trọng hơn.

Các bác sĩ tâm thần và tâm lý học sử dụng phương pháp thổ lộ, tâm sự để phân tích và giúp giải thích các vấn đề của con bệnh. Dầu đúng là mục tiêu của phương pháp này là để người bệnh có thể nhận ra hiện thực, nhưng theo quan điểm của Phật pháp, nó chỉ có tính cách nhất thời và chưa hoàn chỉnh. Đó là vì bác sĩ chỉ có thể khám phá ra một phần của vấn đề, và chính bản thân người bệnh cũng chỉ có thể biết một phần chứ không phải là một bức tranh toàn diện của căn bệnh của mình. Và vấn đề lại tiếp tục xảy ra sau các buổi tư vấn, do đó đôi khi người bệnh phải tiếp tục điều trị hằng mười hay hai mươi năm mà không có kết quả thực sự. Chỉ việc này thôi cũng khiến bác sĩ bệnh theo luôn.

Cách chữa trị của Phật giáo có thể chia làm hai lãnh vực chính: thay đổi tư duy và các phương pháp thực hành.

4- Thay đổi tư duy

a) Tư duy về nhân quả

Dầu tư duy này thuộc tôn giáo, nhưng nó cũng là thực tại. Nó là một `thực tại vì trong suốt cuộc sống của chúng ta, bất cứ chúng ta làm gì, cũng có sự phản hồi hay hậu quả của hành động của chúng ta. Dựa trên tín tâm, chúng ta tin rằng đã có kiếp sống trước kiếp này, và kiếp trước đó nữa, và không biết bao nhiêu kiếp sống trong quá khứ. Nhiều thứ hiện chúng ta đang phải nếm trải có vẻ bất công, nhưng đó chỉ là hậu quả của những hành động mà ta đã làm trong quá khứ. Có tin như thế, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những gì xảy ra cho ta, dầu tốt hay xấu.

b) Tư duy về nhân duyên

Tất cả các pháp sinh và diệt là do sự tích lũy và tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Nhân của hoa là hạt giống, nhưng đất, nước, và ánh sáng mặt trời phải có mặt để cây có thể sống. Thiếu thời gian hay sự bứng rể, hoặc thiếu nước, thiếu ánh sáng mặt trời sẽ khiến cây hoa khô héo, rồi chết đi.

Khi đạt được điều gì, ta không cần phải quá vui mừng, hay hãnh diện. Không cần biết chúng ta đã đạt được bao thành tích, điều đó không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhiều tha nhân. Và do chúng ta cũng biết rằng những gì hôm nay có mặt, một ngày nào đó cũng sẽ qua đi, nên ta không cần phải quá thất vọng khi đối mặt với những nghịch duyên hay chướng duyên. Châm ngôn cũng có câu, “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.

Tâm thanh tịnh sẽ giúp ta dễ dàng đón nhận khổ đau hay hạnh phúc. Đó là biểu hiện của tâm lành mạnh.

c) Từ bi

Người ta thường muốn kẻ khác có lòng bi mẫn đối với mình, nhưng lại ít khi nghĩ đến việc có lòng từ bi đối với người khác. Có nhiều người khi lầm lỗi thì đòi hỏi phải được tha thứ: “Đừng so sánh tôi với một vị Thánh!”, họ nói. Nhưng khi thấy người khác làm lỗi thì họ sẽ nói, “Anh thật là thiếu năng lực. Tại sao anh không thể làm việc đó cho đúng ngay lần đầu!”.

Lòng từ bi đòi hỏi bốn yếu tố:

+  Hiểu rõ các nội kết của bản thân và phát triển sự hài hòa nội tại.

+  Thông cảm với những khiếm khuyết của người.

+  Tha thứ lỗi của người.

+  Quan tâm đến khổ đau của người khác.

Yếu tố thứ nhất rất quan trọng. Để có thể tự tại với chính mình, ta cần phải có tâm thanh tịnh, bình an.

Để được như thế, ta phải luôn chánh niệm về giáo lý nhân quả và nhân duyên. Điều đó sẽ giúp ta có được tâm bình an, tĩnh lặng. Được thế ta mới có thể từ bi, đồng cảm, tha thứ và quan tâm đến người.

5- Các phương pháp thực hành

a) Niệm Phật

Phương pháp này là thường niệm hồng danh Phật. Có hai lý do để hành phương pháp này. Trước hết, niệm hồng danh Đức Phật để được vãng sinh vào cõi Tịnh độ sẽ mang đến cho ta niềm hy vọng về tương lai, do đó giúp ta dễ dàng buông bỏ hiện tại. Thứ đến, niệm Phật cũng giúp ta giải tỏa được những vấn đề tâm thần. Khi tâm lý bạn bị xáo trộn, bạn có thể dẹp bỏ sân, si và những vấn đề tâm thần khác bằng cách chú tâm vào niệm danh hiệu Phật. Tôi thường khuyên mọi người, “Khi quý vị nổi giận, muốn la mắng ai, hãy niệm danh hiệu Đức A Di Đà”. Làm vậy ta đã gửi tâm sân của ta đến Đức Phật A Di Đà. Nó trở thành việc của Ngài.

b) Hành thiền

Tọa thiền giúp ta thâu nhiếp tâm tán loạn và thanh tịnh hóa tâm uế nhiễm. Có nhiều phương cách hành thiền cũng như nhiều cấp bậc chứng đắc mà chúng ta không có thời gian để đi sâu vào chi tiết ở đây.  Tuy nhiên, tôi có thể giới thiệu khái quát với quý vị về một số chứng đắc mà quý vị có thể đạt được:

Khi quý vị đạt đến một điểm mà tâm không còn vọng tưởng, thì đó gọi là thiền chỉ (samadhi). Khi ở trong trạng thái đó, không có ai, không có vấn đề gì có thể quấy nhiễu quý vị. Từ trạng thái định đó, quý vị có thể phát triển tuệ về vô ngã. Đó là sự giác ngộ trong Thiền Phật giáo (Ch’an hay Zen). Để đạt được giác ngộ là được giải thoát khỏi các tâm bệnh, tâm xáo trộn. Khi quý vị luôn ở trong trạng thái này, không thối thoái, đó được gọi là Đại ngộ. Nếu không thì quý vị chỉ được Tiểu ngộ. Các vấn đề của tâm lúc trước có thể tái xuất hiện nếu quý vị chỉ đạt đến mức độ này, nhưng quý vị sẽ biết cách hóa giải chúng. Ngay nếu như chỉ đạt được Tiểu ngộ cũng đã là một bước quan trọng. Nhưng hãy nhớ rằng khi quý vị mới bắt đầu hành thiền đó cũng là một bước quan trọng vậy.

Thiền sư Thánh Nghiêm - Diệu Liên Lý Thu Linh, dịch

(Theo, Buddhism and Mental Health được đăng trên báo Ch’an Newsletter - số 90, tháng 1-1992)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-18733_5-50_6-6_17-411_14-1_15-1/phat-giao-va-suc-khoe-tam-than.html

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Sinh tố bổ dưỡng – Diệu Sương

sinhtoboluong

Lúc trước DS sợ máy lạnh, mà trong sở lại có anh chàng sợ nóng. Ui cha, anh ta mở máy hết ga, mình ngồi mà run lập cập, lo đi lấy áo, lấy mền mà trùm. Nhưng từ ngày uống sinh tố với các loại hạt này thì DS chịu lạnh hay lắm, không mặc áo lạnh, không trùm mền nữa. Chiều đi làm về, uống 1 ly sinh tố như vầy là tiện, mà không biết uống lạnh hoài thì có sao không???

nguyenlieusinhto

Nguyên liệu

  • 1/2 muỗng canh hạt chia
  • 1 muỗng canh hạt hemp
  • 2 quả dâu tây đông đá
  • 2 quả chà là không hột
  • 1 nhúm tay quả hồ đào (óc chó)
  • 5 lát thơm đông lạnh
  • 1 trái chuối
  • 1/2 ly nước lã
  • 1/4 muỗng cà phê bột quế cho ấm bụng

Cách làm

1. Lột vỏ chuối, cắt khúc cho vào máy xay sinh tố. Cho nước vào, rồi cho tất cả nguyên liệu còn lại vào máy xay cho mịn.

2. Đổ ra ly và thưởng thức.

Chúc các bạn làm sinh tố thật ngon và bổ dưỡng.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Diệu Sương

Người giành khôn là kẻ dại - HT. Thích Thanh Từ

Thiền tự Hương Hải - Canada - 2002

Hôm nay mới đến tuy còn nhọc, nhưng nghĩ tình Phật tử từ ở Ottawa lên đây chờ đợi nên tôi nói một đề tài nhỏ cho quí vị nghe hiểu, ứng dụng sống đúng với đạo lý. Đề tài tôi nói là Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn.

Ở đời ai cũng nghĩ mình khôn, nên nghe chê dại nổi tức liền. Trong xã hội này mọi người đua nhau giành khôn, đã giành thì có tranh, có chống chọi nhau. Có tranh, có chống chọi nhau thì thật khôn không? - Không. Như có người nói anh hay chị ngu quá, người nghe nổi tức lên, tức thì chửi lộn nhau, rốt cuộc hai người ngu hết. Bây giờ người ta nói mình ngu, quí vị nên trả lời thế nào? Nói: phải, tôi là người ngu. Người xưa bảo càng học càng thấy dốt, không ngu sao được? Trên thế gian này muôn ức việc phải biết, mà chúng ta chỉ biết một ngành nghề chuyên môn thôi, có khi ngay ngành chuyên môn còn biết chưa hết nữa, bao nhiêu việc khác ta đâu có biết. Như người chuyên ngành may mặc chỉ giỏi may mặc, còn bên văn phòng kế toán không biết. Người giỏi văn phòng kế toán không biết ngành khoa học. Người ở ngành khoa học không biết ngành xây dựng. Muôn ngàn việc ở thế gian, chúng ta chỉ biết nhỏ xíu thôi. Như vậy có phải ngu không? Tại sao nói ngu mình không chịu. Mình biết một ít trong phạm vi giới hạn mà giành khôn với người ta thì có phải là kẻ ngu chưa? Thế nên tôi nói người giành khôn trở lại thành ngu.

Nếu biết tu chúng ta nên hiểu trên cõi đời này, ai cũng có hiểu biết theo khả năng, trình độ, kiến thức mà mình huân tập, ngoài phạm vi ấy ra mình chưa biết hết các lãnh vực khác. Như vậy ai có nói ngu, ta nên chấp nhận. Người giành khôn thật ra chỉ là tưởng tượng thôi, không có chân lý, không có lẽ thật. Chân lý lẽ thật là tất cả chúng ta còn đang ngu. Mai mốt ai nói ngu mình không tức giận nữa, đó là mình vượt khá hơn phàm tình rồi.

Chúng ta muốn làm người tỉnh táo sáng suốt thì ai làm gì nói gì, mình phải tỉnh táo trả lời. Như nghe người ta nói nặng mình là con bò, khi chưa hiểu đạo Phật tử giận đỏ mặt, bây giờ hiểu đạo rồi, ta nói thế này: “Phải, vì tôi có uống sữa bò nên có tế bào bò trong người tôi.” Nói thế có sanh chuyện cãi vã không? Ngược lại, chúng ta không chịu ngu, lớn tiếng cãi lại với người kia, một lát thành điên hết cả đám.

Người tu là người tỉnh sáng, không phải ngu tối. Biết lẽ thật để mình không chống chọi một cách vô lý, sanh thù oán nhau, đó là tu. Giả sử có người thấy Phật tử làm gì trái ý họ, họ liền chửi “cha mầy”. Lúc đó quí vị nổi nóng liền, nói sao chửi cha tôi. Nổi nóng có lợi gì, chỉ cần đáp lại: “Cám ơn anh, anh nhắc tới ba tôi.” Cha mầy tức là ba mình, họ nhắc tới cha mình có tội lỗi gì đâu nên ta cám ơn họ.

Người khôn ngoan không phải nghe một câu trái tai liền phản ứng nóng giận, như vậy chỉ càng trở thành khờ dại. Người ta hiểu lầm nói bậy, mình phải sáng suốt nhắc họ. Một người sáng ở cạnh một người tối thì phải bình tĩnh để giúp người tối sửa sai, như vậy mới gọi là người sáng. Đằng này người ta nói bậy, mình cũng nói bậy theo, một hồi nổi nóng có thể đánh đập nhau nữa, hóa ra cả hai đều tối hết. Đó là những điều vô lý do mê lầm, cố chấp mà ra.

Đối với người mắng chửi mình thậm tệ, lúc đó ta nên nhịn hay nên chống cự lại? Lý lẽ thì nói nhịn nhưng thực tế khó nhịn được. Một ít người cho rằng người ta mắng chửi mà nhịn, đó là mình ngu. Nghĩ vậy nên họ không nhịn mà chửi lại cho hơn, người kia chửi nặng chừng nửa ký, mình đáp lại một ký. Như vậy mới vừa, chớ đáp lại nhẹ sợ thua người ta, sợ thiên hạ chê mình ngu. Vì thế người đời cứ đua nhau giành khôn, ai cũng muốn nói cho hơn, chửi cho nặng, để mình được khôn. Đức Phật thấy chúng sanh mê lầm tới như vậy thì thương xót không biết nói sao vừa. Người thế gian càng chửi, càng mắng, càng đánh nhau, thì càng điên đảo, càng đau khổ thù hận, không có ngày cùng. Vậy mà họ đâu có biết, đâu chịu tỉnh!

Như chúng ta vào bệnh viện tâm thần, thấy bệnh nhân đang chơi trước sân, mình đi ngang họ kêu chửi, lúc đó quí vị xử trí thế nào? Mình không chọc ghẹo mà họ chửi, có nên nổi tức không? - Dạ không. Sao vậy? - Vì biết họ là kẻ bệnh. Ta là người tỉnh, nếu cự lộn với kẻ bệnh thì người ta sẽ nói mình thế nào? Chắc cũng muốn vô ở trong đó rồi. Bị người điên chửi, chúng ta nhớ mình không phải người bệnh, nên nghe chửi ta càng thương, càng tội nghiệp họ bệnh hoạn, mới nói bậy, làm bậy. Đó là những người đáng thương.

Cũng vậy, nếu Phật tử biết tu thì phải tỉnh táo. Người không biết tu họ giành khôn, giành dại, nói bậy bạ, Phật tử nên thương hay nên giận? Thương nhẹ nhẹ chớ chưa thương mạnh phải không? Người không biết đạo là mê, người biết đạo là tỉnh, một người mê một người tỉnh chửi lộn với nhau thì khách bàng quan sẽ nói sao? Họ chửi mà mình vẫn thản nhiên không giận, mới là người biết đạo lý, là người tỉnh. Còn chửi lại người ta hóa ra mình cũng mê, làm sao nói tỉnh được.

Hồi xưa đức Phật đi giáo hóa, hôm nọ tới một khu vực đạo Bà-la-môn. Đức Phật khất thực xong, Ngài đến ngồi dưới gốc cây thọ trai. Thọ trai xong, những người trong xóm đến ngồi xung quanh nghe đức Phật thuyết pháp. Sau khi nghe pháp xong họ phát nguyện qui y Tam Bảo. Từ đó họ trở thành đệ tử Phật, không theo đạo Bà-la-môn nữa. Ông thầy Bà-la-môn ở địa phương đó tức quá, hôm sau Phật đi khất thực, vừa thấy Phật đi phía trước, ông theo sau kêu tên Phật chửi. Ông chửi từ đầu đường đến cuối đường, Phật vẫn ung dung tự tại đi không trả lời câu nào hết. Tới cuối đường, chịu hết nổi ông chận Phật lại hỏi:

- Cồ-đàm, ông thua tôi chưa?

Phật liền nói bài kệ:

Người hơn thì thêm oán,
Kẻ thua ngủ chẳng yên,
Hơn, thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.

Người hơn thì thêm oán, nếu mình thắng người ta thua, người ta sẽ oán hờn mình. Kẻ thua ngủ chẳng yên, mình nói không lại người ta thì thấy thua, về trằn trọc ngủ không được. Hơn, thua hai đều xả, ấy được an ổn ngủ, chỉ bỏ hết hai cái hơn thua thì được an ổn ngủ.

Phật bị người ta chửi Ngài có nhục không? Chúng ta bây giờ sợ bị chửi nhục, nên phải làm dữ với người chửi, làm dữ nên ai cũng là kẻ dữ hết. Bên người dữ phải có người hiền, mới thấy ai tốt ai xấu, chớ người ta dữ mình cũng dữ thì còn ai hơn ai. Người biết tu với người không biết tu đều ngang nhau thì giá trị sẽ thế nào? Quí Phật tử nếu là người chân thật biết đạo thì phải nhường nhịn, bỏ qua những điều kẻ khác nói nặng, giành hơn, như vậy mới thật là biết đạo, biết tu hành.

Ta không giành hơn với ai hết mà có thua không? Nếu ngày xưa đức Phật bị người ta chửi, Ngài cũng nổi giận chửi lại thì bây giờ chúng ta có lạy Ngài không? Nhường nhịn là nhục hay nhường nhịn là cao cả? Quí vị đánh giá lại xem. Mai kia có ai nặng nhẹ mình, ta nhịn họ thì đừng nghĩ nhịn là nhục mà nhịn là cao cả. Còn kẻ giành hơn nói lời nặng nhẹ người khác là kẻ thấp hèn. Chúng ta phải hiểu cho thật kỹ, mai kia mới có thể vươn lên được.

Chúng ta tu là người tỉnh sáng, nhận chân được lẽ thật thì không bao giờ chống đối lại kẻ ngu khờ. Chống lại kẻ ngu khờ càng làm mất hết giá trị của mình. Nên nhớ càng giành khôn trở lại càng ngu, càng nhận ngu trái lại càng khôn. Phật tử nên hiểu thấu đáo ý nghĩa đó để tu, có thế chúng ta mới là người sáng suốt, người thức tỉnh. Ngược lại, nếu không tỉnh táo sáng suốt thì chúng ta cũng mê như ai. Thế mà ở trong chùa nhiều vị đi tu cũng còn cự cãi. Tôi không biết phải nói sao! Chúng ta tu rồi phải trên thuận dưới hòa, giữ không khí yên ổn để tu, cãi qua cãi lại làm gì. Phật không rước những người cãi lanh cãi giỏi đâu, Phật chỉ rước những người tu hành đàng hoàng chân chánh. Đó là điểm thứ nhất tôi muốn nói.

Đến điểm thứ hai, trên đời này có ai là người toàn vẹn hết không? Có chăng, mười phần tốt được năm sáu, còn ba bốn phần chưa được tốt. Vậy mà ai nói mình xấu liền không chịu. Chúng ta chưa toàn vẹn, mà ai nói xấu cự liền. Muốn tốt mà cự với người ta thành ra xấu mất rồi. Như vậy chúng ta phải làm sao? Khi nghe nói xấu, ta nên trả lời: Phải, trăm điều tốt tôi làm chưa tới năm sáu chục điều nên xấu là hợp lý thôi. Nếu ta nói như vậy, người kia cũng thấy họ chưa làm được điều tốt gì, họ nhận ra mình cũng nói bậy. Đừng thèm cãi cự khi nghe ai nói xấu mình, vì ta đâu có toàn vẹn mà cãi. Giả sử toàn vẹn thì càng không nên cãi, vì còn cãi là còn chưa toàn vẹn. Đó là một điều cần yếu chúng ta phải nhớ để tu trong lòng xã hội này.

Phật tử biết tu đối với tốt xấu không giành, đối với nghèo giàu cũng không giành. Ai cũng muốn mình giàu sang, khi nghe chê nghèo là không chịu, mà quên xét lại xem mình giàu chưa? Ta chưa thật giàu mà ai chê nghèo lại không muốn, như vậy có mâu thuẫn không? Nhiều người vì muốn được người ta nể nang mình giàu sang nên trau chuốt bề ngoài. Ở nhà thiếu thốn đủ thứ, nhưng ra đường ăn mặc cho sang. Để làm gì? Để đánh lừa thiên hạ, tôi không phải nghèo. Chẳng lẽ nghèo là cái xấu sao? Nghèo mà đủ ăn, đủ mặc, đủ sống là tốt rồi, đừng làm điều hư, điều xấu thương tổn đến xã hội thì đâu phải là người xấu. Còn người ăn mặc sang, nhìn thấy như giàu mà làm thương tổn cho gia đình xã hội, như vậy có tốt chưa, có thật giàu chưa?

Có một điều tôi xin lưu ý tất cả quí Phật tử, có người nghèo xơ xác mà lại giàu, có kẻ giàu kếch sù mà lại nghèo. Đó là ai? Dù người nghèo xơ xác nhưng gặp ai khổ, có cơm họ chia cơm, có áo chia áo, đó là nghèo mà giàu. Còn những người giàu sang cả, đi xe hơi lộng lẫy mà ai khổ, ai đói, họ không cần ngó tới, đó là giàu mà nghèo. Tóm lại, người biết sử dụng đồng tiền, sử dụng của cải, biết chia sớt cho kẻ nghèo, người đó có tâm rộng lớn nên tuy thiếu mà mình cảm thấy họ vẫn dư. Còn những người nhiều tiền nhiều của mà không biết chia sớt với ai, luôn luôn muốn bòn mót thêm thì tâm nghèo, vì chưa bao giờ họ thấy dư. Hiểu thế chúng ta mới thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Người tuy nghèo mà tình thương tràn đầy lai láng, họ giúp kẻ này người kia, do tâm rộng lớn nên tuy giúp một ít, mà giá trị đáng ngàn vàng. Còn những người giàu sang nhưng keo kiệt thì cũng chỉ là tôi tớ của tiền của mà thôi. Cho nên trong đạo Phật quí trọng những người có ít tiền của mà dám làm những điều tốt, hơn là kẻ có nhiều tiền của mà không có lòng tốt.

Có câu chuyện một cô gái nghèo thế này. Hồi xưa, cô sanh ra cha mẹ mất sớm, cô phải đi ăn mày. Cô lội khắp đầu đường xó chợ để kiếm cơm, tối trải chiếu nằm ngủ ở góc phố, đời cô rất bi đát. Một hôm nghe nói người biết cúng chùa với tâm rộng rãi, cúng cái gì chúng Tăng trong chùa đều hưởng được hết thì phước rất lớn. Cô kiểm lại thấy hôm nay mình đi xin được hai đồng xu, bây giờ làm sao cúng được hết chư Tăng. Cuối cùng cô nghĩ ra được một cách là mua hai xu muối.

Bấy giờ Hòa thượng Trụ trì báo với đại chúng trong chùa hãy đánh chuông trống rước vị đại thí chủ đến cúng dường. Chư tăng trong chùa nổi chuông trống theo lời dạy của Hòa thượng, nhưng không thấy vị đại thí chủ nào ngoài cô gái ăn mày đem cúng hai xu muối. Cô vô chùa, xuống nhà bếp nói với quí vị nấu bếp: “Cháu nghèo lắm, xin được có hai xu, cháu nhịn ăn bữa nay để mua hai xu muối, nhờ quí bà nêm nồi canh cho chư Tăng ăn, cháu có phước.” Nghe thế, mấy bà nhà bếp thương, vui vẻ làm giùm cô. Sau khi chư Tăng ăn xong nồi canh rồi, cô cũng đi ăn mày như mọi hôm.

Qua một thời gian cô lớn lên, được mười sáu tuổi. Bấy giờ trong triều có Thái tử mười tám hay mười chín tuổi gì đó, nhà vua đang tìm người con gái xinh đẹp đoan trang để cưới cho Thái tử. Vua ra lệnh cho các quan trong triều có con gái đem đến để Thái tử chọn vợ. Thế là các tiểu thư con quan nô nức sửa sang để được Thái tử chiếu cố. Nhìn tất cả các cô, Thái tử không vừa lòng ai hết. Cuối cùng nhà vua sai bá quan đi khắp thành thị cho tới thôn quê, tìm người vừa ý với Thái tử. Nếu ai tìm được người vừa ý Thái tử sẽ được ban thưởng.

Trong số các quan đi tìm kiếm, có một vị đi tới khu vực cô gái ăn mày, ông nhìn lên thấy có vầng mây đỏ quầng chỗ đó. Ông nghĩ đây chắc là người đại phước nên mây đỏ xoay vầng trên đỉnh đầu. Tới nơi thấy đứa bé trùm chiếu ngủ, ông giở chiếu ra, cô bé giật mình thức dậy. Ông hỏi cháu làm gì ở đây, nó thú thật vừa đi ăn mày về, mệt quá nằm đại ngoài vỉa hè ngủ. Ông nhìn thấy nó cũng dễ thương nên nói: “Bây giờ cháu nghe lời ông, theo ông về triều làm con nuôi của ông, chịu không?” Cô bé mừng quá theo ông ngay. Sau một thời gian nuôi nấng đàng hoàng, ông dẫn đến trình với nhà vua. Vua kêu Thái tử ra, vừa nhìn thấy cô bé Thái tử đồng ý liền.

Chúng ta thấy từ một cô gái ăn mày trở thành vợ của Thái tử. Sau này vua cha chết Thái tử lên ngôi, cô trở thành Hoàng hậu. Khi làm Hoàng hậu cô tự xét, mình có phước đức gì mà trở thành Hoàng hậu? Bấy giờ cô nhớ lại có lần cúng chùa hai xu muối, có lẽ nhờ thế mà được ngôi vị hôm nay. Để đền ơn Tam Bảo, cô cho xe chở lụa là tới chùa cúng nữa. Nhưng sao hôm nay cô không nghe tiếng chuông trống như ngày xưa, dù phẩm vật bây giờ đầy ắp những thứ trân quí. Sau khi lễ Phật rồi, Hoàng hậu trách Hòa thượng Trụ trì:

- Trước kia tôi là kẻ ăn mày chỉ cúng có hai xu muối mà nghe trong chùa đánh chuông đánh trống long trọng. Ngày nay tôi đã là Hoàng hậu đem cả xe đồ đạc tới cúng, sao trong chùa lạnh ngắt thế này?

Hòa thượng nói:

- Ngày xưa khi Hoàng hậu còn là kẻ ăn mày, nhịn ăn để mua muối cúng dường chư Tăng, lòng tốt lúc ấy rất rộng lớn. Hoàng hậu đã quên mình, chỉ nhớ đến chư Tăng nên tôi cho đánh chuông trống đón. Còn ngày nay Hoàng hậu chở cả xe lụa là tới cúng dường, nhưng của này là của dân, không phải của Hoàng hậu. Lấy của dân cúng dường thì có gì để đánh chuông đánh trống?

Nghe vậy, Hoàng hậu thức tỉnh mới biết phước của mình ngày xưa dù chỉ hai xu muối mà to lớn vì nhịn đói mà cúng, của ít lòng nhiều. Còn ngày nay mình đem cả xe đến cúng, của nhiều mà lòng ít vì đâu nhịn đói như ngày xưa. Hiểu thế rồi, Hoàng hậu rất hối hận.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy có ai không làm phước được đâu. Ăn mày còn làm được. Phật tử đừng nói khi nào tôi giàu mới cúng chùa, như vậy là hứa suông, không phải lòng tốt. Lòng tốt là nghèo khó mà biết làm chuyện phước đức, do tâm rộng lớn mới được như thế. Như vậy không phải người giàu dễ làm phước, người nghèo khó làm phước. Nghèo tới độ không có tiền mua hai xu muối sao? Ai có tâm rộng lớn đều có thể làm phước được, còn tâm hẹp hòi dù có của nhiều mấy cũng không làm phước được. Quí ở lòng mình, chớ không phải ở tài sản bên ngoài. Nhưng bây giờ Phật tử có bệnh đi chùa năm bảy chị em, trong đó một hai người giàu họ cúng nhiều, năm ba người nghèo cúng ít. Thế là người nghèo buồn, có khi còn đố kỵ nữa. Họ nghĩ mấy người giàu phách, cúng nhiều cho thầy khen. Đó là những ý nghĩ sai lầm, bỏ đi, đừng nuôi dưỡng trong tâm, không tốt.

Nhà Phật dạy chúng ta tu, làm việc đạo phải hiểu rõ, không phải của nhiều hay của ít mới được phước nhiều hay phước ít. Có khi chúng ta không có xu nào, nhưng thấy người khác cúng dường, mình vui vẻ tán thán, phước cũng nhiều bằng người cúng dường kia. Phước ở đâu lại? Từ tâm tùy hỉ lại. Nhà Phật nói công đức tùy hỉ rất lớn. Chúng ta không có tiền của, thấy ai làm được việc phước mình vui vẻ, tán thán, khích lệ, gọi là tùy hỉ.

Tại sao công đức tùy hỉ lớn? Vì thế gian luôn luôn có tâm ganh tị, không muốn ai hơn mình. Thấy ai hơn mình thì ghét, đó là tâm ganh tị. Người có của, có tâm rộng rãi, giúp chùa lo cho đạo, mình phát tâm tùy hỉ tán thán, khen ngợi. Làm được việc đó là mình phá tan tâm ganh tị. Bên cúng dường bố thí dẹp lòng tham, bên tùy hỉ dứt tâm ganh tị, cho nên phước hai bên đều như nhau.

Chúng ta thấy tán thán người làm việc phước có tốn hao gì đâu, mà nhiều vị không chịu, phải hơn người ta mới chịu. Mình ít hơn, thấy khó chịu nên cũng đua nhau giành phần hơn. Nhưng người nghèo làm sao giành hơn được. Do đó phải học tâm tùy hỉ. Vì vậy người Phật tử chân chánh không sợ mình nghèo làm việc phước đức không được. Ở đây có người nào không thể làm phước đức không? Nghèo giàu gì cũng làm được hết. Chị khá thì chị đi chùa, cúng dường chùa. Tôi nghèo quá không có tiền cúng chùa thì tôi tùy hỉ với chị. Khéo tu, biết tu, thì trường hợp nào chúng ta cũng có công đức, phước đức hết. Người tùy hỉ, người bố thí đều được phước như nhau, còn người thấy bạn cúng nhiều sanh tâm ganh tị được phước hay được tội? Càng ganh tị càng thêm tội. Mình không làm, người ta làm mà còn đố kỵ thì xấu quá. Chính tâm xấu ấy làm tăng tội.

Như vậy trên đường tu, có mấy điều Phật tử phải nhớ, phải hành: điều thứ nhất đừng giành khôn, điều thứ hai đừng giành hơn, thứ ba đừng sợ nghèo không làm việc phước được, chỉ sợ tâm xấu, đố kỵ, keo kiệt thôi. Nên nhớ trong đạo Phật không có ai không tu được, chỉ sợ không muốn tu thôi. Muốn tu, biết tu rồi hoàn cảnh nào tu cũng được hết. Phật tử nghe quí thầy dạy bao nhiêu đó, cố gắng thực hành để trở thành người Phật tử chân chánh.

Mong tất cả quí Phật tử có mặt hôm nay đều hoan hỉ tập những hạnh lành như chúng tôi đã nói, để được lợi ích cho mình và mọi người chung quanh. Làm sao mỗi ngày quí vị càng trở thành một Phật tử chân chánh, thuần thành, không bị ai phê phán là Phật tử mà còn dữ quá! Được vậy là đem tiếng tốt cho đạo, cũng đem tiếng tốt lại cho mình và mọi người.

(Phật Pháp tại Thế Gian Tập I)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-18759_5-50_6-5_17-418_14-1_15-1/nguoi-gianh-khon-la-ke-dai.html

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Những món chay ngon cho khóa tu Bát Quan Trai tại chùa Giác Lâm ngày 20/07/2013

KhoaBQT 039

KhoaBQT 037

KhoaBQT 029

Mì xào chay

KhoaBQT 025

Mì căn đậu hũ khìa thơm

KhoaBQT 032

Canh rau sâm và rau má

KhoaBQT 014

Rau sâm, rau má hai loại, là rau của 1 Phật tử ở nhà trồng

KhoaBQT 043

Nước hạt chia, mủ trôm và đười ươi

KhoaBQT 018

Hạt chia ngâm nước

KhoaBQT 020

Mủ trôm ngâm nước

KhoaBQT 021

Nước đường nấu, tất cả hòa lại cho thêm nước đá, một món nước mát bổ cho mùa hè oi bức

KhoaBQT 015

Xôi đậu phọng

KhoaBQT 016

Chè xôi nước

KhoaBQT 031

Dưa hấu

KhoaBQT 035

Cơm chay ba bàn thịnh soạn cho 38 giới tử

KhoaBQT 047

Bé Minh Nhựt hát bài Lạy Phật Quan Âm rất hay

Tuần sau chùa sẽ tổ chức lễ vía Đức Quán Thế Âm, mọi người bận tập dợt dâng hoa cho buổi lễ nên không có thì giờ học Pháp. Hẹn các bạn vào các khóa tu kỳ sau.

Nam Mô A Di Đà Phật

Diệu Sương

Quan điểm của Ðức Phật về thực phẩm và dinh dưỡng

cttb4_cdh3

NSGN - Phật giáo chú trọng vào tính nguyên vẹn vốn có của thực phẩm, nhấn mạnh vào sự nuôi dưỡng lâu dài và ý nghĩa cho sức khỏe tâm linh, tình cảm xã hội. Những khái niệm này bao gồm những hiểu biết về dinh dưỡng Phật giáo.

Giới thiệu

Có một châm ngôn: “Chúng ta là những gì chúng ta ăn”, hàm ý rằng thân thể bao gồm những thành phần phát xuất từ thực phẩm. Trong thực tế, cơ thể con người được hình thành bằng vật chất mà nó được cung cấp bởi những yếu tố bên ngoài chẳng hạn như prô-tê-in, li-pít, chất khoáng.v.v... Tất cả những hành vi mà con người thực hiện, cả vật lý và tâm thức, là những chức năng điện hóa học được tạo ra bởi hooc-môn, chất dẫn truyền thần kinh, và en-zim; những thứ này tồn tại ở trong thân thể bằng những dưỡng chất lấy ra từ thực phẩm. Tương tự, ý thức, sự chú tâm, và nhận thức cũng được tạo ra thông qua tiến trình điện hóa học. Nhưng khái niệm này là chính yếu đối với khoa Dinh dưỡng như một khoa học hiện đại. Đây là cơ sở của niềm tin rằng thực phẩm tiếp năng lượng cho thân và tâm thần.

Nhưng nếu tiêu điểm chỉ tập trung vào thân thể thì dễ dàng rơi vào việc thỏa mãn vị giác thay vì ăn một cách đúng đắn. Việc gia tăng gần đây những bệnh liên quan đến thực phẩm và béo phì cho thấy rằng chế độ ăn uống hiện nay có khuynh hướng tập trung vào thân thể mà nó không đủ để duy trì “sức khỏe toàn diện”. “Sức khỏe toàn diện” là đề cập đến sức khỏe tinh thần, tình cảm, xã hội cũng như vật lý.

Đức Phật nhấn mạnh hơn 2.500 năm trước rằng hiện tượng vật lý và tâm thức là không thể tách rời. Khó có thể nói lời đúng đắn nếu không có sự chú tâm; không có suy nghĩ đúng đắn nếu không có ý thức; và không có hành động đúng đắn nếu không có nhận thức. Tâm về bản chất được nối kết với thân và ngược lại, vì thân thể được nối kết với tâm nên chúng có sự tương tác lẫn nhau. Ví dụ, một sự báo động trong đầu gây nên một sức ép tương ứng ở trong thân thể, chẳng hạn như co cơ và co thắt cơ tim. Bệnh vật lý gây nên sự yếu đuối và đau khổ tâm thần. Vì lý do này, mọi người cần tiếp nhận một sự nuôi dưỡng tình cảm thích hợp, cũng như tiêu dùng thực phẩm đúng đắn. Rõ ràng là các em bé không thể lớn lên khỏe mạnh nếu chúng không nhận được sự quan tâm, tình yêu thương và thực phẩm thích hợp từ cha mẹ chúng.

Đức Phật thừa nhận rằng mọi vật trong vũ trụ có hệ thống hoàn thiện của chúng, ngay cả một hạt gạo hay một mầm cải. Như vậy, con người, thú vật, vi trùng, và cây cỏ đều có quyền bình đẳng. Lưới trời Đế Thích là một ẩn dụ tuyệt vời mô tả sự nối kết này. Không khó để hiểu rằng, thực phẩm bao gồm không chỉ vật chất mà còn bao hàm những yếu tố vượt qua khỏi vật chất, chẳng hạn như tinh thần. Nhất nguyên luận nhấn mạnh cái nhìn bao hàm này về sự nối kết của thân và tâm.

Khoa Dinh dưỡng như một khoa học hiện đại tập trung vào thực phẩm chỉ như là nguyên liệu vật chất và tầm quan trọng của người tiêu thụ thực phẩm là chỉ để duy trì thân thể. Tri thức khoa học về dinh dưỡng đã làm biến dạng nhiều cách hiểu truyền thống về thực phẩm, bao gồm những truyền thống dựa trên giáo pháp Phật giáo. Thay vì một cái nhìn rộng rãi về thực phẩm như là một khái niệm toàn diện liên quan đến tâm thức, cộng đồng và sinh thái, khoa Dinh dưỡng xem thực phẩm chỉ như một vấn đề đo lường tính đếm, mà nó chỉ ảnh hưởng đến cơ thể. Điều này đã khiến chúng ta nghĩ rằng thân thể là một cỗ máy chỉ cần năng lượng để vận hành.

Kesten (2001), mặc dù là một nhà dinh dưỡng, đã hiểu được cách hiểu cổ xưa về thực phẩm, bao gồm tư tưởng của Đức Phật. Kesten đưa ra một vài hiểu biết mới về dinh dưỡng bằng việc giải thích cách những thuộc tính vốn có của thực phẩm liên quan đến một trạng thái sức khỏe: tinh thần, tình cảm, xã hội và vật lý. Nơi công việc sơ khởi này, Kesten 1) đề xuất khái niệm “dinh dưỡng tích hợp”, mà nó không tách vật chất ra khỏi tinh thần, 2) tuyên bố thực phẩm thật sự là gì, 3) nhận diện bốn phương diện của thực phẩm, 4) trình bày sáu bí quyết trị bệnh của thực phẩm, và 5) thảo luận về những phương cách tạo ra một sự nối kết tỉnh giác.

“Dinh dưỡng tích hợp” xác nhận cái nhìn tương tác và toàn diện rằng thực phẩm là tương thuộc sâu sắc với tinh thần, tình cảm, cộng đồng và ngay cả sinh thái. Ăn với chánh niệm, biết ơn, và cảm nhận về sự nối kết lẫn nhau của chúng ta và về môi trường có thể nâng cao sức khỏe của chúng ta.

Để nối kết cách hiểu của Phật giáo về thực phẩm với khoa học hiện đại về dinh dưỡng, cần thiết xem lại những quan điểm của Đức Phật về thân và tâm. Một sự xem xét lại như vậy mở ra những khía cạnh tích cực về chế độ ăn chay của Phật giáo cả về phương diện dinh dưỡng và sinh thái, và đưa chúng ta đến xem xét sâu hơn khái niệm của Kesten về “dinh dưỡng tích hợp”. Điều chính yếu để phát triển những khái niệm dinh dưỡng mới là liên quan đến việc đạt lấy “sức khỏe toàn diện”. Khoa Dinh dưỡng và tôn giáo chia sẽ những mục đích tương quan, giúp ta thoát khỏi những bệnh vật lý và khổ đau tinh thần. Trong bài viết này, trước hết chúng tôi xem xét khái niệm “dinh dưỡng tích hợp” và sau đó thảo luận quan niệm của Đức Phật về thực phẩm.

Khái niệm “dinh dưỡng tích hợp” được Kesten đề xuất

Khái niệm “Dinh dưỡng tích hợp” được Kesten đưa ra trong cuốn sách của bà, The healing secrets of food. Khái niệm của bà là một giải pháp toàn diện liên quan đến cả phương diện vật lý của dinh dưỡng và phương diện tinh thần, tình cảm và xã hội của những gì và cách con người ăn. Giải pháp của bà là rất giống với giải pháp của Phật giáo khi đưa ra khái niệm này bằng việc kết hợp tri thức cổ xưa về thực phẩm của những tôn giáo lớn và những truyền thống văn hóa trên thế giới với tri thức của khoa học hiện đại về dinh dưỡng. Kesten thấy rõ rằng hầu hết các tôn giáo và các nền văn hóa hiểu thực phẩm không chỉ là sự nuôi dưỡng thân thể.

Khoa học dinh dưỡng được khai sinh như một khoa học hiện đại vào những năm 80 thế kỷ XIX nhưng trớ trêu thay, quan điểm của nó về thực phẩm chỉ như một giá trị đong đo, tính đếm đã tạo ra một kỷ nguyên tối tăm về dinh dưỡng tinh thần. Bởi vì cái nhìn khoa học giới hạn của nó, quan tâm sức khỏe cộng đồng về thực phẩm chỉ tập trung hầu như chuyên biệt vào việc giảm những nguy cơ bệnh mãn tính chẳng hạn như đau tim, béo phì, tăng huyết áp và ung thư; trong khi mặt khác, xúc tiến một số chế độ ăn uống để giảm cân. Mặc dù những công trình này đã đem lại lợi ích lớn cho loài người, vẫn có những lợi ích lớn hơn có thể đạt được nếu những giải pháp dinh dưỡng cũng quan tâm vào những đặc tính vốn có khác của thực phẩm để bao gồm khả năng ảnh hưởng vào sức khỏe tinh thần, tình cảm và xã hội.

Kesten tin rằng trong khi mục đích của khoa Dinh dưỡng là đưa ra những sự thật khách quan về thực phẩm, chẳng hạn như những ảnh hưởng của các dưỡng chất vào sức khỏe vật lý, đây là một cách hiểu không trọn vẹn về ý nghĩa của thực phẩm. Bởi vì thực phẩm là tương thuộc và có sự nối kết sâu sắc với tinh thần, tình cảm, cộng đồng và môi trường, chúng ta không thể có được “sức khỏe toàn diện” khi không có sự nhận thức này. “Sức khỏe toàn diện” là đề cập đến một trạng thái hợp nhất của sức khỏe tâm thức với sự an lạc thật sự, sức khỏe của trí óc với niềm an vui thật sự, sức khỏe của liên kết xã hội với sự hân hoan thật sự, và sức khỏe của thân thể với sự khỏe mạnh thật sự. Đó là tại sao ăn với chánh niệm, biết ơn, và nối kết với nhau là quan trọng để nâng cao sức khỏe toàn diện.

Thật đáng tiếc rằng những quan niệm này về thực phẩm đã quá lâu không được chú ý đến. Như được trình bày từ đầu, khoa Dinh dưỡng là tương tự với những khoa học khác, ở đó nó có xu hướng chỉ tập trung vào những gì có thể đo lường và bỏ qua mọi thứ mà chúng không đo lường được, đó là tại sao những đặc tính chữa bệnh vốn có của thực phẩm đã bị che lấp. Hầu hết mọi người, ngay cả những nhà dinh dưỡng, không xem xét những khái niệm này; do đó, chúng ta sử dụng thực phẩm chỉ như một phương tiện làm tăng điều kiện vật lý của chúng ta. Những nhà dinh dưỡng đã khám phá nhiều vấn đề quan trọng về prô-tê-in, hy-đrát-các-bon, và li-pít; rồi các vi-ta-min và các chất khoáng đã được bổ sung vào cho sự cân bằng, và cuối cùng các hóa học thực vật chẳng hạn như các polyphenol đã trở nên tiêu điểm chú ý nhất gần đây. Những phát hiện nay là cần thừa nhận trong việc nghiên cứu những bí quyết chữa bệnh của thực phẩm. Nhưng đáng tiếc, bởi vì chỉ tập trung vào phương diện sinh lý dinh dưỡng nó đã bỏ qua những khía cạnh quan trọng khác của thực phẩm.

Lý thuyết của Kesten về “dinh dưỡng tích hợp” đã là một điểm mốc quan trọng trong việc phát triển tri thức của chúng ta về dinh dưỡng. Kesten đã tìm cách hợp nhất ý nghĩa tinh thần, tình cảm và xã hội của thực phẩm với khía cạnh vật lý, theo đó có thể phục hồi lại gia tài đầy đủ của khoa Dinh dưỡng. “Dinh dưỡng tích hợp” của bà khảo sát những mối liên hệ giữa thực phẩm, sức khỏe, niềm vui, sự biết ơn, hoạt động xã hội và trí tuệ.

Trong cuốn sách của mình Ageless body, timeless mind (1993), Chopra viết “Sự chọc thủng có ý nghĩa nhất không chứa đựng ở trong những khám phá biệt lập mà ở trong một thế giới quan hoàn toàn mới.” Khi “sức khỏe toàn diện” chỉ có thế có được thông qua sức khỏe tinh thần, tình cảm, và xã hội cũng như vật lý, thông tin hiện thời có được từ khoa học của khoa Dinh dưỡng là không đủ để có được “sức khỏe toàn diện”. Một cái nhìn đầy đủ về khoa Dinh dưỡng phải bao gồm trí óc, tâm thức, cộng đồng và môi trường cùng với cơ thể. Một sự hiểu mới về thực phẩm là cần thiết, với một sự đánh giá đúng về những bí quyết chữa bệnh đa diện của thực phẩm bao gồm chánh niệm, cảm nhận, xã hội hóa và sự nối kết v.v…

1- Công bố về thực phẩm thực

Một phó phẩm của cách mạng công nghệ là đóng góp đáng tiếc của nó cho cái nhìn hiện nay về dinh dưỡng thông qua việc phát triển công nghệ để tinh chế và chế biến thực phẩm. Hai lợi ích của thực phẩm bị đánh mất thông qua những hoạt động này: 1. Các chất vật lý như các vi-ta-min, chất khoáng và phytochemical bị mất; và 2. Mất sự nối kết vô hình và sự đánh giá đúng về thực phẩm. Ví dụ, gạo lứt được phân thành gạo trắng, mầm và cám thông qua việc nghiền xát. Sự tiêu thụ gạo trắng mà chúng đã bị lấy đi những dưỡng chất cốt tủy đã trở nên phổ biến đối với mọi người thay vì gạo lứt. Rau và quả tươi bị nấu quá chín, nêm quá mặn và bị đóng lon/ hộp có sử dụng chất bảo quản nhân tạo.

Thêm nữa, thức uống nhân tạo được tiêu thụ rộng rãi, và các thực phẩm đã bị biến đổi về mặt di truyền đã trở nên phổ biến khắp nơi. Mặc dù những nhà sản xuất cố gắng cải thiện gạo trắng và nhiều thực phẩm được chế biến bằng việc sáp nhập trở lại những dưỡng chất bị mất đi trong quá trình chế biến, những thực phẩm này là không giống với tình trạng ban đầu của nó. Những hoạt động tinh chế và sản xuất cũng làm chệch đi mối liên hệ của con người với thực phẩm: người tiêu thụ không còn cảm nhận một sự nối kết hay lòng biết ơn về người sản xuất ra thực phẩm. Như vậy, khó để đạt được sức khỏe tinh thần, tình cảm và xã hội qua việc tiêu thụ những thực phẩm tinh chế hay chế biến sẵn.

Kesten (2001) quan tâm đến tình trạng này và bày tỏ rằng thực phẩm cần tươi, tự nhiên, không hỏng, bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, với tình trạng nguyên vẹn ban đầu của nó. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan niệm hiện nay về thực phẩm. Hầu hết chúng ta chấp nhận thực phẩm mà những thành phần ban đầu của nó đã bị hỏng mất, và như vậy không còn tươi, nguyên chất hay tự nhiên. Xã hội không nhận thức đầy đủ những ảnh hưởng của việc tiêu thụ những thực phẩm được chế biến này. Những dưỡng chất được cung cấp qua thực phẩm giúp duy trì những chức năng thuộc cơ thể, nhưng cơ thể không thể đóng chức năng đầy đủ với chỉ những dưỡng chất, mà không nhận biết sự nối kết của nó với tâm thức, cộng đồng và môi trường.

2- Bốn phương diện của thực phẩm

Kesten đưa ra một quan điểm rộng rãi về thực phẩm mà nó bao gồm bốn khía cạnh: sử dụng thực phẩm cho sức khỏe vật lý, cho sức khỏe tinh thần, cho sức khỏe tình cảm, và cho sức khỏe xã hội. Từ cái nhìn hiện nay của khoa Dinh dưỡng, thực phẩm chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý. Theo cái nhìn này, thực phẩm thỏa mãn cơn đói và cung cấp năng lượng và các dưỡng chất. Như vậy, giá trị của thực phẩm được định giá chỉ bằng lượng dinh dưỡng của nó. Mục đích của dinh dưỡng là để duy trì chức năng thân thể, và để giải quyết, ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm gây bệnh. Đây là phương diện của sức khỏe vật lý. Phương diện thứ hai liên quan đến sức khỏe tinh thần.

Quan niệm chính ở đây là sự nối kết tinh thần với thực phẩm, thông qua một sự hiểu biết về mối tương quan của tất cả các pháp trong thế giới: không khí, mặt trời, đất, nước, cây cỏ, muông thú, và con người. Nếu thực phẩm được sử dụng với một sự hiểu biết về sự nối kết này thì nó trở thành một con đường đưa đến sức khỏe tinh thần. Khía cạnh tinh thần này của dinh dưỡng liên quan với những đặc tính khác của tâm thức: ví dụ như sự quan tâm, tình thương, sự tôn trọng và biết ơn.

Khía cạnh thứ ba liên quan đến sức khỏe tình cảm. Điều này nối các cảm thọ với những hành xử liên quan đến thực phẩm, chẳng hạn như tham đắm hay sợ hãi một vài thực phẩm mà chúng có thể đưa đến những vấn đề như chứng chán ăn hay chứng háu ăn. Những nhà dinh dưỡng tâm lý thực hiện sự nghiên cứu về những ảnh hưởng của một vài loại thực phẩm đối với những cảm xúc qua việc làm giảm bớt các hoóc-môn, và sự ảnh hưởng của một vài loại cảm xúc và tính khí đối với việc chọn lựa thực phẩm. Mục đích ở đây là sử dụng thực phẩm để đạt lấy một kết quả cảm xúc mong muốn.

Khía cạnh sau cùng liên quan đến hạnh phúc xã hội. Điều này nói đến sự ảnh hưởng của thực phẩm khi được tiêu thụ trong một môi trường xã hội có cảm thông. Có những lợi ích khác nhau tùy theo tình huống: người ta ăn một mình hay với người khác, ngồi nơi một chiếc bàn bền chắc hay trên một chiếc ghế xem tivi, và môi trường của căn phòng là tích cực hay tiêu cực. Ăn chung cùng với những thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hay những người hàng xóm thân thiện là rất quan trọng đối với lợi ích xã hội của chúng ta. Như vậy, dinh dưỡng xã hội mở ra sự nhận thức theo chiều hướng khác. Kesten (2001) đã giúp mở rộng lĩnh vực dinh dưỡng bằng việc đề xuất bốn phương diện của thực phẩm.

Những sự thật dinh dưỡng mới này cần được hiểu, bởi vì sức khỏe vật lý chỉ là một phần của “sức khỏe toàn diện”, và không thể thành tựu bằng việc chỉ quan tâm đến thân thể. Tuy nhiên, hiểu biết hiện nay về dinh dưỡng chỉ liên quan đến những thành phần ở trong thực phẩm, những chức năng của các dưỡng chất ở trong cơ thể, những vấn đề sức khỏe liên quan đến thực phẩm, những gì cần để ngăn chặn và giải quyết chúng v.v… Tương tự với tình hình ở Hoa Kỳ, hầu như một nửa người tử vong ở Hàn Quốc là do vì những bệnh liên quan đến chế độ ăn uống: bệnh tim, béo phì, cao huyết áp, đột quỵ và ung thư. Những cái chết liên quan đến chế độ ăn uống này xảy ra bất chấp vốn kiến thức về dinh dưỡng của người ta là rất rộng. Số người đang chống chọi lại những vấn đề sức khỏe liên quan đến chế độ ăn uống được xem là đang gia tăng; một ví dụ là bệnh béo phì.

Nhiều người Hàn Quốc bây giờ đang theo dõi trọng lượng của họ và tính đếm lượng ca-lo và bao nhiêu chất béo mà họ tiêu thụ. Đây là một sự cảnh báo đanh thép rằng kiến thức của chúng ta về dinh dưỡng là không đầy đủ. Thực phẩm không chỉ là về các dưỡng chất và con số. Một sự hiểu biết đầy đủ hơn là cần thiết; đòi hỏi một sự hiểu biết về thực phẩm có thể nuôi dưỡng những phương diện vật lý, tình cảm và trí tuệ của một con người. Như vậy, những sự thật dinh dưỡng mới phải là một thể thống nhất và toàn diện, và giải quyết những nhu cầu liên quan đến thực phẩm không  thuộc vật lý, chẳng hạn như niềm vui ăn uống, những cảm thọ nối kết với thực phẩm, và niềm vui của bữa ăn xã hội. Nói cách khác, những nhà dinh dưỡng phải phát triển những chương trình ăn uống tốt nhất để trau dồi thân, tâm, và trí não.

3- Sáu bí quyết chữa bệnh của thực phẩm

Kesten thấy rõ rằng, bởi vì kiến thức của chúng ta về thực phẩm chủ yếu liên quan đến “thân thể”, những vấn đề liên quan đến thực phẩm của xã hội là đang trở nên tệ hại và hỗn tạp. Bà khiến chúng ta thừa nhận sự tách rời vật lý hay tình cảm ra khỏi nhau, hay ra khỏi tự nhiên, và ngay cả bên trong chính chúng ta là do ảnh hưởng tiêu cực bởi các thói quen ăn uống của chúng ta. Trong một xã hội vội vã và nhiều lo lắng, những bữa ăn không còn được thưởng thức nơi bàn ăn, trong một khung cảnh thanh bình với gia đình quây quần, hay với thực phẩm thật sự bổ dưỡng. Thay vào đó, việc ăn uống được thực hiện một cách vội vã và lơ đễnh trong khi lái xe đi làm, hoặc đứng ăn tại bếp hay đang xem ti-vi.

Chúng ta chỉ quan tâm đến hương vị để thỏa mãn vị giác, lượng ca-lo và chất béo cho chế độ ăn uống; hay những thực phẩm dưới dạng dược phẩm để ngăn chặn những bệnh mãn tính. Hầu hết những nhà dinh dưỡng, những người viết về thức ăn, những chuyên gia sức khỏe, và thậm chí những nhà lãnh đạo tôn giáo, tiếp cận dinh dưỡng và sức khỏe theo dạng này. Bằng việc chỉ tập trung vào những đặc điểm bên ngoài, tâm thức, cộng đồng, trái đất, và vũ trụ không được để tâm đến và không để ý đến những bí quyết chữa bệnh của thực phẩm. Tuy nhiên, chứng cứ rõ ràng rằng thân thể có thể gặp phải những vấn đề như chứng khó tiêu, đột quỵ, hay đau tim nếu như có những cú sốc tình cảm, rắc rối tinh thần, hay sự xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Rõ ràng thiền định có những lợi ích cho sức khỏe. Theo truyền thống, chỉ những người thực hành tâm linh phương Đông chẳng hạn như các Phật tử mới sử dụng kỹ thuật chữa bệnh hữu hiệu này cho những mưu cầu tâm linh. Tuy nhiên ngày nay, quan niệm thiền để có được những lợi ích sức khỏe đã trở thành xu hướng chính ngay cả ở những quốc gia Tây phương.

Kesten trình bày sáu bí quyết chữa bệnh mà chúng cho thấy rằng thực phẩm cấu thành nên một món quà sáu phần giống như một con súc sắc: xã hội, cảm thọ, chánh niệm, biết ơn, sự nối kết và thực phẩm tối ưu. Nếu chúng ta ban cho “con súc sắc dinh dưỡng” những phẩm chất của nó, chúng ta sẽ được đền đáp những bí quyết chữa bệnh của thực phẩm.

Sáu bí quyết này là:

1. Những bí quyết chữa bệnh của việc xã hội hóa: bằng việc kết hợp với người khác thông qua thực phẩm.

2. Những bí quyết chữa bệnh của cảm thọ: bằng việc thấy biết rõ những cảm thọ trước, trong và sau khi ăn.

3. Những bí quyết chữa bệnh của chánh niệm: bằng việc quán sát trong từng sát-na, sự nhận biết không phân biệt đối với mỗi khía cạnh của bữa ăn chúng ta.

4. Những bí quyết chữa bệnh của lòng biết ơn: bằng việc hiểu rõ thực phẩm và nguồn gốc của nó từ con tim.

5. Những bí quyết chữa bệnh của sự nối kết: bằng việc tạo ra một sự nối kết với Mẹ tự nhiên qua việc thọ hưởng thực phẩm với lòng yêu thương.

6. Những bí quyết chữa bệnh của thực phẩm tối ưu: bằng việc ăn những thực phẩm tươi, nguyên chất.

4- Những cách thức tạo ra một sự nối kết có ý thức

Kesten đề xuất nhiều cách thức để tạo ra một sự nối kết có ý thức. Thông qua những phương thức này, những bí quyết chữa bệnh có thể kết hợp thành một bữa ăn chánh niệm trọn vẹn và tốt nhất.

1. Tìm kiếm sự an bình: Đó là điều quan trọng để giải thoát tất cả những cảm thọ và suy nghĩ tiêu cực khi xử lý thực phẩm để bắt đầu vào một hành trình nối kết có ý thức. Ví dụ, khi mua thực phẩm hay chuẩn bị những bữa ăn, thực hiện những điều ấy bằng một trạng thái điềm tĩnh, an bình, và tự tại của tâm. Khi ăn, chúng ta nên buông bỏ tất cả những vấn đề cảm xúc ở trong tâm và thay nó với tình thương tôn trọng thực phẩm của chúng ta. Bằng việc làm như vậy, một sự nhận thức sâu sắc về tất cả vạn vật ở trong Mẹ tự nhiên có thể đạt được.

2. Nối kết với sự bí ẩn của đời sống: Trước khi ăn, điều quan trọng là cám ơn những mối tương quan và nối kết của tất cả những thực thể sống mà chúng có sự tương tác với thực phẩm: đất, nước và những vật trung gian. Đất tạo ra cây cối mà chúng nuôi dưỡng con người và muông thú; nước là một thành phần cốt tủy của tất cả những thực phẩm có thể ăn được cũng như con người; và những người và vật trung gian tạo nên thực phẩm, chẳng hạn như nông dân, người lái xe, người bán hàng, đầu bếp, bạn bè và gia đình sử dụng năng lượng trong việc thu thập và chuẩn bị thực phẩm. Khi sự tương tác này được kinh nghiệm, nó tạo nên một sự nối kết có ý thức với tất cả mọi vật ở nơi Mẹ tự nhiên.

3. Hình dung mỗi loại thực phẩm ở hình thức ban đầu của nó: Hình dung cám gạo bị cuốn trong gió mỗi khi nhìn một chén cơm; mỗi khi thưởng thức khoai tây chiên chúng ta có thể hình dung mùi thơm của củ khoai tây khi chúng được nhổ ra khỏi đất; và khi cắn một miếng táo tươi tại sao không hình dung ánh nắng mặt trời chiếu trên cây táo? Hình dung mỗi loại thức ăn ở nơi hình dáng ban đầu của nó là quan trọng để tạo ra một sự nối kết có ý thức với Mẹ tự nhiên.

Quan niệm của Đức Phật về thực phẩm

Quan điểm mới về dinh dưỡng mà Kesten gọi là “dinh dưỡng tích hợp” đã được Phật giáo thừa nhận hơn 2.500 năm trước. Thực sự, triết học về “dinh dưỡng tích hợp” và “sức khỏe toàn diện” là cốt lõi của hiểu biết về thực phẩm như cách hiểu của các tôn giáo lớn cũng như các truyền thống văn hóa khác. Truyền thống Phật giáo nhấn mạnh thực phẩm và đưa ra những hướng dẫn cho việc sử dụng.

Phật giáo dạy rằng khả năng để chúng ta nhìn tự nhiên một cách đúng đắn đã bị bóp méo bởi vô minh, thứ được tạo ra bởi vòng luân hồi sanh tử. Tất cả khổ đau bắt nguồn từ vòng luân hồi này. Vì vậy, Ahimsa, hành xử từ bi với muông thú là một trong những điều cốt yếu giúp chấm dứt khổ đau. Một sự hành xử từ bi với muông thú một cách tự nhiên đưa đến chế độ ăn chay của Phật giáo.

Phật giáo chú trọng vào tính nguyên vẹn vốn có của thực phẩm và nhấn mạnh vào sự nuôi dưỡng lâu dài và ý nghĩa cho sức khỏe tâm linh, tình cảm và xã hội. Những khái niệm này bao gồm những hiểu biết về dinh dưỡng Phật giáo. Những Phật tử cổ đại đã khiến mỗi khoảnh khắc ăn uống là một kinh nghiệm có ý nghĩa và dành thời gian để tạo ra một sự nối kết với sự bí mật của đời sống vốn có trong cả thực phẩm và sự hiện hữu.

Có những luật lệ liên quan đến thực phẩm mà chúng khác nhau giữa các tông phái Phật giáo, chẳng hạn như thời gian thích hợp và số lượng thực phẩm có thể được ăn và việc cấm những thực phẩm sống. Tuy nhiên, tôn trọng luật lệ sử dụng thực phẩm mà nó không phạm vào giới thứ nhất trong năm giới, không được sát hại, là quan trọng và phổ quát nhất. Như vậy, trong Phật giáo, tôn trọng chế độ ăn chay trường là một kết quả tự nhiên và hợp lý của giới không được tước đoạt mạng sống. Đó là tại sao Phật giáo (Đại thừa), nói chung, về cơ bản luôn ngăn cấm việc ăn thịt động vật hay sử dụng những chất gây say nghiện. Các giới Bồ-tát cũng triệt để cấm việc ăn những thức ăn mặn và cũng như việc ăn tỏi, hành, và một số rau gia vị khác.

Giáo pháp của Đức Phật và những truyền thống Phật giáo đưa ra những hướng dẫn quan trọng về thực phẩm cho tất cả chúng ta: những hướng dẫn này có thể được chấp nhận theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng đối với thế giới nhiều trần tục và chú trọng vào khoa học ngày nay. Theo những hướng dẫn này có thể khởi đầu một sự hiểu biết về những thực phẩm tốt nhất và cách những thực phẩm này ảnh hưởng đến tình cảm, sự quan tâm, biết ơn và sự nối kết giữa các loại hữu tình ở trong tự nhiên và xã hội. Đức Phật và tổ tiên của chúng ta hẳn đã hiểu tầm quan trọng của việc đặt ý nghĩa vào trong các bữa ăn. Năm giới đáp ứng như những hướng dẫn căn bản đối với cách để sống và nghĩ về thực phẩm. Xa hơn, năm phép quán tưởng (ngũ quán) đưa ra một cách thức cho việc suy ngẫm về thực phẩm trong khi ăn. Những sự thật dinh dưỡng này được thấm nhuần với ý thức, tình thương, sự quan tâm, tôn trọng, sự nối kết, cộng đồng, tâm linh, và cuối cùng là sức khỏe toàn diện. Mặc dù đây là một hiểu biết xa xưa, nó lại tương đồng với “dinh dưỡng tích hợp” mà Kesten đã đưa ra ở thế kỷ XXI.

Sự vô thường của thực phẩm phản chiếu vào trong tất cả đời sống. Thực phẩm đưa ra một sự nối kết với năng lượng sống mà nó vốn có trong vũ trụ. Sự quán chiếu rộng hơn về thực phẩm có thể giúp ta trải nghiệm những ảnh hưởng mạnh mẽ của nó. Sự thực, khi trồng trọt có ý thức, sự nhận thức này trở thành một phương tiện cho việc nối kết với cả “Mẹ tự nhiên”, và sức khỏe toàn diện của chúng ta. Sự nối kết với thực phẩm được cân bằng và hoàn thiện chỉ khi có được sự nối kết của tâm, thân, tự nhiên và cộng đồng. Cuối cùng, sự cân bằng và hoàn thiện mối liên hệ đối với thực phẩm bằng việc nhìn sâu hơn vào giá trị dinh dưỡng và ca-lo của thực phẩm sẽ nâng cao sức khỏe vật lý, tình cảm, tâm linh và xã hội. Nhận thức trần tục sẽ được chuyển đổi thành sự viên mãn tâm linh...

1. Một cái nhìn Phật giáo về ăn chay

Bài viết có tựa đề “Một quan điểm Phật giáo về ăn chay” của Shywan, đưa ra một cái nhìn về ăn chay của Phật giáo. Shywan đã giải thích ba lý do đối với việc trở thành một người ăn chay.

a) Thực hành lòng từ: Một trái tim từ bi có thể biểu lộ ở trong mọi khía cạnh đời sống chúng ta, nhưng cách đơn giản và trực tiếp nhất là bằng việc thực hành một chế độ ăn chay. Một người từ bi không thể nghĩ đến việc ăn thịt của chúng sanh. Ngăn chặn khổ đau của chúng sanh bằng việc không ăn thịt của chúng để thỏa mãn khẩu vị là thể hiện tối thiểu sự cảm thông. Sự lựa chọn không giết hại xuất phát từ lòng thương và chọn lựa không ăn thịt chúng sanh phát xuất từ lòng từ bi.

Như được mô tả từ đầu, hành xử từ bi với muông thú ở trong Phật giáo là một sự thể hiện giới thứ nhất, không sát sanh, và kết quả ở nơi một chế độ ăn chay mà một cách cơ bản nó ngăn chặn bất kỳ việc ăn thịt nào. Đó là trọng tâm của chế độ ăn uống Phật giáo. Không có một sự phân cấp chúng sanh trong Phật giáo; tất cả đều quan trọng mặc dù mỗi loài tồn tại ở mỗi cấp độ khác nhau. Đức Phật dạy rằng giữ giới thứ nhất là cốt tủy để chấm dứt tất cả những khổ đau và vô minh; như vậy tôn trọng tuyệt đối một chế độ ăn chay là một kết quả tự nhiên và hợp lý.

b) Tin vào nhân quả: Khái niệm nhân quả có thể hiểu đơn giản thế này: gieo nhân tốt thì nhận quả tốt, gieo nhân xấu thì nhận quả xấu, và quả tốt hay xấu chỉ là một vấn đề thời gian. Xem xét từ khái niệm này, mỗi miếng thịt được ăn và mỗi đời sống chúng sanh bị tước đoạt đều phải bị trả giá trong tương lai. Thật khó để nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của khái niệm nhân quả, và nó thậm chí nghe có vẻ hơi khó tin. Tuy nhiên, ngay nơi đời sống này, những kết quả tiêu cực của việc ăn thịt là những chứng bệnh đau tim, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, viêm não, đột quỵ, sỏi mật, bệnh xơ gan, và một số bệnh ung thư. Một sự nối kết đã được thiết lập trong tất cả những bệnh này giữa axit béo bão hòa và cholesterol mà chúng chính yếu có nguồn gốc từ động vật. Kết quả của việc ăn thịt, thực tế, là trực tiếp và có thể nhận thấy rõ ràng ở nơi sức khỏe vật lý.

Thêm nữa, theo Phật giáo, bởi vì tất cả chúng sanh đều có sự nối kết, mỗi chúng ta cần quan tâm những chúng sanh khác. Nếu một người giết kẻ khác, vị ấy thực sự đang giết một phần của chính mình. Tất cả hữu tình ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi cộng nghiệp. Hành nghiệp phần nào giống với một tài khoản ngân hàng. Những hữu tình tạo nên nghiệp xấu thì tái sanh làm những chúng sanh thấp kém như súc sanh hay ngạ quỷ; những người thực hành ngũ giới và có tâm tốt sẽ sanh làm những chúng sanh cao hơn như loài người và chư thiên.

c) Thanh tịnh thân và tâm: Khái niệm này thì hơi khó để giải thích lô-gíc. Tuy nhiên, rõ ràng rằng ăn thịt tạo thành những phế phẩm chứa ni-tơ (N), chẳng hạn như a-mô-ni-ắc, u-rê, và a-xít u-rích, sau khi được tiêu hóa và chuyển hóa ở trong cơ thể. Những thứ này có hại cho cơ thể chúng ta. Bên cạnh những phế phẩm chứa ni-tơ, a-xít sialic, được tìm chính yếu ở trong thịt đỏ và sữa và được tiếp nhận từ những thực phẩm này, dường như để phát triển, khiến tạo nên u bướu. Hợp chất này được tìm thấy trên bề mặt các tế bào muông thú mà không tìm thấy nơi tế bào người.

Thêm nữa, muông thú chính chúng không phải luôn khỏe mạnh. Như vậy, nếu chúng ta ăn thịt của những con thú không khỏe mạnh, những vi sinh vật và những độc tố gây bệnh cũng có thể được đưa vào bụng. Thậm chí những chất độc, mà nó gây ra bệnh bò điên ở nơi bò và bệnh Creutzfeldt Jacob ở nơi người, được tìm thấy nơi những con thú mà chúng được cho ăn thịt và bột xương. Có vấn đề là thực phẩm thực vật ngày nay bị nhiễm thuốc trừ sâu; nhưng dù như vậy, chúng vẫn sạch hơn thịt. Một lợi ích bổ sung của việc ăn chay là một tâm thức an bình mà nó là kết quả ở nơi việc không lo lắng về những điều kiện mà một con thú bị giết thịt mang lại.

Đó là lý do tại sao mỗi khi người Phật tử nhìn thấy một người sắp sát hại một con thú vị ấy sẽ nghĩ đến một phương cách khéo léo để giải cứu hay bảo vệ nó, giúp nó thoát khỏi đau khổ. Tất cả chúng sanh muốn sống và sợ chết. Tất cả thú vật cố trốn thoát khi bị giết; ví dụ, một con cá bị ném lên đất liền, luôn cố gắng thoát khỏi thần chết.

Theo Phật giáo, mỗi thức ăn có những mức độ năng lượng khác nhau liên quan đến nó. Ví dụ, thức ăn chay có năng lượng nhẹ hơn, trong khi thức ăn bằng thịt động vật có năng lượng nặng hơn. Thức ăn bằng thịt động vật được xem mang nghiệp nặng hơn. Năng lượng nặng hơn này lan khắp cơ thể và tác động nó theo một cách thức tiêu cực…

2. Những kết quả của việc không theo giới thứ nhất

Thuật ngữ Phật giáo “Ahimsa” đề cập đến lòng từ bi, hành xử không bạo lực với thú vật và với tất cả chúng sanh. Nó bảo đảm một đời sống tốt hơn và một sức khỏe tốt hơn. Cách khác, như được mô tả từ đầu, nếu ta ăn thịt của chúng sanh, ta sẽ hủy hoại lòng đại từ bi cũng như hạt giống Phật bên trong. Tức là, nếu ta không ăn thực phẩm bằng thịt động vật, những hạt giống từ bi và một tấm lòng cảm thông sẽ được vun bồi.

Ăn thịt bắt đầu một chu kỳ ăn nuốt và giết hại lẫn nhau, giữa những loài đang ăn và những loài bị ăn thịt. Đức Phật nói rằng sau khi quả báo sát sanh trả hết, người ăn thịt bị trói và nhấn chìm vào trong biển luân hồi sanh tử bất tận.

3. Năm quán tưởng trong khi ăn

Năm quán tưởng trong khi ăn, theo những chỉ dạy của Đức Phật, là một hướng dẫn giúp các Phật tử nghĩ về thực phẩm mà họ đang thọ dụng. Chính bước đầu tiên trong việc hỏi thực phẩm là gì, tại sao ăn nó, nó đến từ đâu, nó nên được ăn khi nào, và nó nên được ăn như thế nào.

a) Chúng ta nên xem xét thực phẩm là gì. Xem xét thực phẩm là “bình đẳng” với chúng ta mà ở đó nó hàm chứa những bí ẩn của đời sống con người. Thực phẩm được nối kết sâu sắc với tất cả những chúng sanh khác ở trong lưới trời Đế Thích. Như vậy, ở mỗi khoảnh khắc chúng ta là tương thuộc và liên kết với tâm linh, tình cảm, cộng đồng và ngay cả hành tinh, thay vì là một thực thể độc lập hay riêng biệt.

b) Chúng ta nên quán chiếu tại sao chúng ta ăn. Hiểu rằng thực phẩm được cung cấp là một điều cần thiết và một tác nhân chữa bệnh cho thân và tâm. Như vậy, thực phẩm chỉ được nhận và ăn cho mục đích “nhận ra Đạo”, tức là phương tiện cho việc đạt đến giác ngộ.

c) Chúng ta nên xem thực phẩm đến từ đâu. Hình dung nơi chốn thực phẩm xuất phát và số lượng công việc cần có để trồng trọt, vận chuyển, chuẩn bị và nấu nó, và rồi dọn nó lên bàn. Như vậy chúng ta nên quán chiếu chúng ta có xứng đáng thọ dụng nó hay không.

d) Chúng ta nên quán chiếu khi chúng ta đang ăn. Bởi vì thực phẩm chỉ được thọ nhận để thực hành “Đạo” như là một phương thuốc để hỗ trợ thân thể, chúng ta phải thấy cách tâm hồn cũng như thân thể của chúng ta đói khát như thế nào. Người Phật tử tỉnh táo đối với sự quán sát này để ăn những bữa chỉ vào buổi sáng.

e) Chúng ta sau đó nên nghĩ về việc thức ăn được ăn như thế nào. Những lợi ích mà thức ăn mạng lại là khác nhau theo tình huống bữa ăn; ăn một mình hay với người khác, ngồi tại một chiếc ghế bền chắc hay trên một chiếc ghế xem ti-vi. Cùng ăn tại bàn với những thành viên yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm là rất quan trọng đối với lợi ích xã hội của chúng ta. Ăn uống trong một môi trường xã hội tích cực đem lại những lợi ích lớn nhất. Thực phẩm nên được ăn với ý thức về sự nối kết, sự quan tâm, chánh niệm và biết ơn để nó trở thành một con đường đưa đến sức khỏe tâm linh.

Nếu năm sự quán sát này được xem xét mỗi khi ăn, “sức khỏe toàn diện” có thể có được.

Những khía cạnh dinh dưỡng của ăn chay

Nói chung, được chấp nhận rộng rãi rằng chế độ ăn có kế hoạch chu đáo là lành mạnh về mặt dinh dưỡng và lợi ích cho việc ngăn chặn và điều trị những bệnh mãn tính. Thuật ngữ “chế độ ăn uống phòng bệnh” đã được sử dụng gần đây để nhấn mạnh khả năng tránh những bệnh liên quan đến thực phẩm. Có hai lý do chính mà người ta chọn một chế độ ăn chay giống với quan điểm Phật giáo. Thứ nhất là quan tâm đến thú vật và thứ hai là để nâng cao sức khỏe. Mặc dù Kesten không đề xuất một chế độ ăn chay nghiêm ngặt, bà nói rằng thực phẩm cần nên tươi, tự nhiên, nguyên chất, dinh dưỡng, và có lợi cho sức khỏe, với tình trạng nguyên vẹn của nó. Bà cũng tập trung vào bốn phương diện của thực phẩm: lợi ích vật lý, tinh thần, tình cảm và xã hội. Không dễ có được những lợi ích này bằng việc ăn thịt thú vật.

Tổ chức Web Dietitians nói rằng một chế độ ăn uống không thịt cá bây giờ là trào lưu chính. Tuy nhiên, người ta vẫn còn lo lắng về vitamin B12, một số chất khoáng bao gồm sắt, kẽm, can-xi và prô-tê-in. Trong phần này chúng ta trước hết sẽ thảo luận về những lo lắng dinh dưỡng liên quan đến chế độ ăn chay, và sau đó xem xét những điểm mạnh của lợi ích dinh dưỡng.

1. Những lo âu về dinh dưỡng

Về prô-tê-in, không cần thiết ăn thịt động vật để có đủ prô-tê-in. Chỉ prô-tê-in thực vật cũng cung cấp đủ cả a-xít amin cần thiết và không cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ thể, cũng như những nguồn prô-tê-in của chế độ ăn kiêng khác, và lượng ca-lo thu vào là đủ cao để đáp ứng những nhu cầu năng lượng. Những loại gạo, đậu, hạt và tất cả rau quả chứa cả những a-xít amin cần thiết và không cần thiết. Cũng được biết rằng lợi ích sinh học của prô-tê-in trong đậu nành là gần như ngang với prô-tê-in động vật. Mayo Clinic Staff nói rằng đậu là một sự thay thế lành mạnh cho thịt, thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và cô-lét-xtê-ron hơn đậu. Rau đậu thuộc về loại rau quả bao gồm đậu hạt, đậu Hà lan và đậu lăng. Những mầm chồi, chẳng hạn như mầm linh lăng và mầm đậu nành cũng được xem là đậu.

Về các chất khoáng, có những nguồn dồi dào chất khoáng khác nhau, chẳng hạn như đồng, măng-gan và sắt, nằm trong số những thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, giá trị sinh học của những chất khoáng trong chế độ ăn chay có thể có giới hạn, do vì a-xít phyic cao và có thể có những chất ức chế khác trong một số thực phẩm thực vật. Ngoài ra, thể sắt, sắt không có hê-mô-glô-bin, được tìm thấy trong những thực phẩm từ thực vật là ít giá trị hơn ở trong thực phẩm từ động vật. Tuy nhiên, đậu khô, đậu Hà lan, rau bi-na, đậu phụng, hạt và trái cây sấy khô chẳng hạn như nho khô, mơ và đào… là những nguồn thực vật giàu sắt, mặc dù những nguồn giàu nhất về loại khoáng chất này là thịt đỏ, gan và lòng đỏ trứng. Hunt kết luận rằng chỉ cần ta tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm, giá trị sinh học bị hạn chế này sẽ được bù đắp.

Ông cũng chỉ ra rằng tỷ lệ những người ăn chay mắc bệnh thiếu sắt là không cao, mặc dù có khuynh hướng họ có lượng dự trữ sắt thấp hơn động vật ăn tạp. Kẽm chính yếu được chứa trong trai sò, tôm và thịt. Tuy nhiên, gạo, đậu phụng và rau đậu cũng là những nguồn giàu kẽm. Hunt cho rằng bởi vì không có tiêu chí đáng tin cậy và rõ ràng để xác định lượng kẽm, không thể đánh giá sự ảnh hưởng của chế độ ăn chay về tình trạng kẽm. Những nguồn giàu can-xi là sữa, pho mát, sữa chua và những sản phẩm được làm bằng sữa khác. Tuy nhiên những loại rau xanh chẳng hạn như rau bi-na, cải xoan, củ cải, bông cải xanh, cũng như một vài loại rau đậu và những sản phẩm đậu tương cũng là những nguồn tốt về kẽm và có nguồn gốc từ thực vật.

Ngoài ra, trái cây và rau củ có thể hạn chế việc mất can-xi do tiểu tiện. Thêm nữa, câu hỏi về các chất khoáng không còn là một vấn đề khi ta có thể tiêu thụ những sản phẩm được bổ sung sắt, can-xi và kẽm chẳng hạn như ngũ cốc có bổ sung các chất này khi chế biến, nước cam, hay sữa đậu nành. Về B12, loại này vốn dĩ chỉ có từ những nguồn động vật. May mắn, nó cũng có thể tìm thấy trong một vài loại bột ngũ cốc và thức uống bằng đậu nành, cũng như ở nơi những phần bổ sung vitamin.

2. Lợi ích dinh dưỡng

Ngày nay, khoa học có hiểu biết tốt hơn về một chế độ ăn uống dựa trên thực vật bởi vì nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng một chế độ ăn uống đặt nền tảng trên thực vật có thể mang lại những lợi ích chuyển hóa chất khác nhau, chẳng hạn như các mức cholesterol thấp hơn, giảm tỷ lệ mắc phải bệnh đau tim, huyết áp thấp hơn, kiểm soát đường được cải thiện, nguy cơ của nhiều bệnh ung thư thấp, giảm trọng lượng cơ thể, và thậm chí xương cứng hơn. Cũng được nhiều người thừa nhận rằng sự mang bệnh và đột tử ở những người ăn chay là thấp hơn những người ăn tạp. Những lợi ích này là kết quả từ một chế độ ăn uống mà ở đó có chất béo bão hòa không cao, có chất xơ trong rau quả, và hóa chất thực vật, trong khi chất béo bão hòa thấp với không có cholesterol từ thực phẩm thực vật.

Davis và Kris-Etherton tường trình lại rằng một chế độ ăn chay có lượng chất béo thấp hơn không đáng kể một chế độ ăn tạp. Tuy nhiên, chế độ ăn chay giảm một phần ba chất béo bão hòa và khoảng một nửa cholesterol so với chế độ ăn tạp. Thêm nữa, bởi vì cholesterol có nguồn gốc từ thực phẩm bằng thịt động vật, không có cholesterol ở một chế độ ăn uống đặt cơ sở trên thực vật.

Chất xơ trong rau quả là thành phần tiềm tàng có ích khác của một chế độ ăn chay.

Trong số những thành phần của thực phẩm thực vật, dược phẩm sinh vật đang có chiều hướng gia tăng bởi vì những lợi ích mạnh mẽ và bao quát của chúng. Được cho rằng những thành phần có nguồn gốc thực vật này có thể tăng cường sức mạnh bằng việc bảo vệ các tế bào ở trong cơ thể. Nơi thực vật, những hợp chất này đóng chức năng thu hút và đẩy lùi những vi sinh có hại; chúng cũng đáp ứng như những vật bảo vệ quang hóa, và đối phó lại những thay đổi môi trường. Nơi con người, chúng có thể có những chức năng bổ sung; những hoạt động chống ô-xy hóa, sự chuyển đổi en-zim khử độc, sự kích thích hệ thống miễn dịch, sự giảm chứng sưng viêm, sự điều biến trao đổi chất xtê-rô-ít, và những ảnh hưởng chống khuẩn và chống vi-rút. Sự kết hợp những quy trình sinh học này hầu như có khả năng thay đổi nguy cơ và nguồn gốc ung thư: chúng cũng hạn chế quá trình đột biến và biểu sinh của DNA.

Ornish nhấn mạnh khắp các cuốn sách của ông rằng bệnh đau tim có thể được đảo ngược bằng việc sử dụng bốn phương pháp: một chế độ ăn chay chất béo thấp, giảm căng thẳng, thể dục điều độ, và không hút thuốc. Trong số những giải pháp này, điều quan trọng nhất rõ ràng là một chế độ ăn chay ít chất béo. Ông khuyến khích bệnh nhân của ông ăn nhiều thực phẩm chay ít chất béo và thấy rằng hầu hết đã giảm trọng lượng quá mức cho phép. Thêm vào việc nhấn mạnh thực phẩm chay, ông đề cao việc giảm căng thẳng thông qua việc tìm kiếm an bình nội tâm và những nối kết xã hội, mặc dù mối liên hệ đối với việc giảm tăng cân hay sức khỏe tim mạch là khó để chứng minh về phương diện khoa học.

Những khía cạnh môi trường của ăn chay

Với việc xem xét cụ thể những ảnh hưởng của dinh dưỡng vào sức khỏe, môi trường, xã hội và kinh tế, sinh thái dinh dưỡng bao hàm tất cả những thành phần của dây chuyền thực phẩm, bao gồm sản xuất, thu hoạch, bảo quản, nhập kho, vận chuyển, chế biến, đóng gói, buôn bán, phân phối, chuẩn bị, và tiêu dùng thực phẩm, cũng như vứt bỏ những thứ phế thải. Sự mở đầu của một sản phẩm từ động vật đã góp phần cho vô số những ảnh hưởng tiêu cực vào môi trường. Để tránh làm tổn hại hệ sinh thái và để đạt được an toàn dinh dưỡng, những khía cạnh bổ sung cần được kết hợp. Sự cần thiết của việc chọn một cái nhìn toàn diện hơn cho sự phát triển bền vững đã được nhấn mạnh bằng những khủng hoảng gần đây nơi hệ thống dinh dưỡng, như được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về thực phẩm.

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến môi trường, mà nó đến lượt quyết định phẩm chất của thực phẩm. Kết quả của hầu hết các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn chay là rất thích hợp với việc bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, và giảm những thay đổi khí hậu toàn cầu. Leitzmann nhấn mạnh rằng để cực đại hóa những lợi ích môi sinh và sức khỏe của một chế độ ăn chay, thực phẩm nên được sản xuất theo vùng, tiêu thụ theo từng thời vụ và được trồng trọt hữu cơ. Một chế độ ăn chay tôn trọng triệt để những điều kiện này là có cơ sở khoa học, được chấp nhận về phương diện xã hội, khả thi về phương diện kinh tế, thỏa đáng về văn hóa, có thể thực hiện được, và hoàn toàn có thể chứng minh được.

Khi sự tổn hại hệ sinh thái gây ra bởi việc sản xuất động vật công nghệ được kiểm tra, một vài khía cạnh cần được xem xét. Trước hết, nhu cầu đất cho việc sản xuất prô-tê-in thịt là gần như gấp mười lần sản xuất prô-tê-in thực vật, như vậy đưa đến việc phá rừng. Thứ hai, khoảng 40% thu hoạch hạt là để nuôi gia súc. Và thứ ba, phân súc vật góp phần làm gia tăng mức ni-trát có khả năng gây ung thư trong nước uống và thức ăn thực vật. Thêm nữa, sản xuất gia súc đòi hỏi đáng kể năng lượng và nguồn nước.

Nhiều nhà nghiên cứu khác nhau đề xuất rằng giải pháp giải quyết những vấn đề gây ra bởi sản xuất gia súc theo công nghệ là lối sống ăn chay. Những ảnh hưởng sinh thái tích cực của việc ăn chay có thể gia tăng thêm bằng việc tránh những thực phẩm gia công và bằng những thực phẩm có giá trị thích hợp cũng như những thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo địa phương. Bằng cách này, cần có sự hỗ trợ để trợ giúp mở mang canh tác gia đình, việc làm an toàn, và sự an toàn của việc phân phối thực phẩm toàn cầu. Bổ sung cho những lợi ích sinh thái này, nuôi nhốt và giết mổ gia súc có thể tránh được.

Ngang qua những sáng kiến này, quan tâm của Đức Phật về quyền của thú vật có thể được thực thi. “Sự bền vững” có nghĩa là tạo ra những điều kiện mà chúng đáp ứng những nhu cầu toàn cầu hiện nay và cũng giúp những thế hệ tương lai nhận được những nhu cầu của họ. Từ một quan điểm dinh dưỡng, sự bền vững cũng liên quan đến việc phân phối thực phẩm công bằng ngang qua hành xử bảo vệ sinh thái và ăn uống ngừa bệnh. Để đạt đến sự bền vững đòi hỏi một sự tái định giá rốt ráo về những giá trị chung của chúng ta để đạt được một cách hiểu mới về phẩm chất đời sống của chúng ta. Vấn đề phẩm chất xứng đáng của thực phẩm cần được nói rõ với tất cả mọi tầng lớp xã hội, với mục đích đạt lấy sự an toàn dinh dưỡng cho tất cả.

Đồng ý với lời dạy Đức Phật, Kapleau nhấn mạnh rằng thú vật cần được xem như những người bạn gia đình để chăm sóc và thương yêu, cũng như cần được xem như là hoang dã để giữ lấy sự cân bằng hệ sinh thái vốn mong manh của chúng ta. Thú vật cũng có nhu cầu cho mục đích khác: như một đường nối với những gốc rễ quá khứ.

Leitzmann lập thành công thức bảy nguyên tắc sau để thực hiện những nhu cầu về những khía cạnh sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe: 1. Thực phẩm chính yếu nên có nguồn gốc từ thực vật; 2. Bắt nguồn từ trồng trọt hữu cơ; 3. Được sản xuất theo vùng miền và theo thời vụ; 4. Được chế biến nhỏ; 5. Được đóng gói phù hợp sinh thái; 6. Buôn bán thực phẩm nên trong sạch; và 7. Thực phẩm nên được chuẩn bị có thẩm mỹ. Những nguyên tắc này là tương đương với những nguyên tắc được Kesten đề xuất ở nơi khái niệm “Dinh dưỡng tích hợp” của bà. Một chế độ ăn uống được đặt cơ sở trên những nguyên tắc này có cơ sở khoa học, được chấp nhận về phương diện xã hội, khả thi về phương diện kinh tế, thỏa đáng về phương diện văn hóa, có thể thực hành được, và có một mức độ bền vững cao.

Sinh thái dinh dưỡng cũng là một câu hỏi về những quyền ưu tiên con người. Những người tiêu thụ có sự quan tâm và thạo thông tin có thể xem xét các luận cứ và thực hiện những quyết định cần thiết. Cái nhìn về tương lai bền vững tùy thuộc vào những cá nhân nhận thấy có trách nhiệm cả với môi trường và sức khỏe của họ. Một trong những cách thức có hiệu quả nhất là đạt được các mục đích sinh thái học dinh dưỡng, bao gồm những chọn lựa thực phẩm lành mạnh và bền vững, là một lối sống ăn chay.

Kết luận

Bài viết này đưa ra những điểm tương đồng giữa cái nhìn mới của Kesten về khoa Dinh dưỡng và quan điểm của Đức Phật về thực phẩm. Cái nhìn của Đức Phật về thực phẩm đòi hỏi chúng ta những người đang sống trong thế kỷ XXI, xem xét lại những quan điểm lỗi thời của chúng ta về dinh dưỡng và về sức khỏe, rằng thực phẩm là năng lượng và thân thể là một cỗ máy mà nó điều chỉnh sự pha trộn đúng những dưỡng chất để có lợi cho sức khỏe. Cách hiểu này được hình thành chỉ một thế kỷ trước, thế nhưng nó đã che khuất tất cả những tri thức liên quan đến thực phẩm của thời cổ xưa bằng việc nhấn mạnh vào những vấn đề có thể nhìn thấy và đo tính được, và bỏ qua những phương diện không nhìn thấy như lợi ích và sức khỏe tình cảm và tinh thần.

“Dinh dưỡng tích hợp” có nhiều sự tương hợp với giáo pháp Phật giáo. Sự thực hành này tiếp cận thực phẩm và dinh dưỡng một cách toàn diện; nhấn mạnh không chỉ phương diện vật lý mà cũng bao gồm phương diện tinh thần, tình cảm và xã hội.

May mắn, với những xã hội đang thay đổi, dân chúng ở những quốc gia phương Tây đang xa lánh thịt và những sản phẩm từ động vật, và đang quan tâm đến một chế độ ăn chay. Khuynh hướng này đang khuyến khích những chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu về những ảnh hưởng của một chế độ ăn chay… 

Hyeon-Sook Lim (*) - Nghiệp Đức dịch

_______________

Chú thích

(*) Bài viết này của ba tác giả: Hyeon-Sook Lim, Sang-Ju Hwang, và Sung Bae Park. Hyeon-Sook Lim là giáo sư của Phân khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc; Sang-Ju Hwang là giáo sư Phân khoa Mỹ thuật, Đại học Dongguk, Hàn Quốc; và Sung Bae Park là giáo sư về Triết học và Tôn giáo Á châu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Phân khoa Nghiên cứu Á châu-Hoa Kỳ, Đại học Stony Brook, Hoa Kỳ. Bài viết này được đăng trên International Journal of Buddhist Thought & Culture, Vol.12 (1/2009), tr. 29-57.

http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2013/07/21/375202/

Five contemplations while eating

1. This food is the gift of the whole universe: the earth, the sky, numerous living beings and much hard, loving work.

2. May we eat with mindfulness and gratitude so as to be worthy to receive it.

3. May we recognize and transform our unwholesome mental formations, especially our greed, and learn to eat with moderation.

4. May we keep our compassion alive by eating in such a way that we reduce the suffering of living beings, preserve our planet, and reverse the process of global warming.

5. We accept this food so that we may nurture our sisterhood and brotherhood, strengthen our community, and nourish our ideal of serving all living beings. 

Năm pháp quán trong khi ăn

1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.

2. Xin tập ăn trong chánh niệm và lòng biết ơn để xứng đáng thọ dụng thứ ăn này.

3. Khi ăn xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu và tập ăn uống cho có chừng mực.

4. Xin chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh; ăn như thế nào để gìn giữ lòng từ bi, giảm bớt khổ đau của muôn loài, bảo tồn đất Mẹ, và chuyển ngược quá trình hâm nóng địa cầu.

5. Vì muốn thực tập con đường hiểu và thương nên thọ dụng thứ ăn này.

Food-Heart